Đại Kỷ Nguyên

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (6): 18 đại học sĩ và 6 con tuấn mã ở Chiêu Lăng

Đường Thái Tông chẳng những kính trọng hiền tài, mà còn tưởng nhớ và biết ơn những con tuấn mã đã giúp ông chiến đấu, bình thiên hạ. Tấm lòng thiện đãi người và vật của ông thể hiện cái đức của bậc thánh quân.

Năm Trinh Quán thứ 12 (năm 638), Thái Tông thăm lại các địa danh xưa là Thiểm (nay là huyện Thiểm thuộc Hà Nam) và Lạc (Lạc Dương). Nhìn quang cảnh hôm nay lại nhớ cảnh xưa, ông đã viết nên kiệt tác bất hủ “Hoàn Thiểm thuật hoài” (Nhớ lại câu chuyện khi về thăm đất Thiểm):

Phiên âm Hán Việt:

Khái nhiên phủ trường kiếm, tế thế khả yêu danh.
Tinh kỳ phân điện cử, nhật vũ túc thiên hành.
Biến dã truân vạn kỵ, lâm nguyên trú ngũ doanh.
Đăng sơn huy võ tiết, bối thủy tung thần binh.
Tại tích nhung qua động, kim lai vũ trụ bình.

Diễn nghĩa:

Bùi ngùi vuốt ve thanh trường kiếm, cứu giúp đời đâu vì danh.
Cờ xí cử động nhanh chóng mãnh liệt, quân đội có kỷ luật nghiêm minh.   
Khắp chốn đều thấy kỵ binh, tiến vào đồng bằng đóng quân thành 5 doanh trại.
Việc chiến sự cũng như leo núi, chỉ huy quân cũng cần linh hoạt 
Nhờ sự hy sinh trong cuộc chiến năm xưa, hôm nay thiên hạ mới được bình yên. 

Kính hiền đãi sĩ

Khi thiên hạ được thái bình yên ổn, với ý chí kinh thư, Thái Tông đã mở văn học quán để đối đãi với học sĩ bốn phương. Hành Đài Tư, Huân Lang Trung, Đỗ Như Hối và mười tám vị học sĩ thường cùng Thái Tông đàm luận ý nghĩa của kinh thư tới đêm khuya mới nghỉ ngơi. 

Trong ‘Trí văn quán học sĩ giáo’, Thái Tông từng nói ý tứ là, nước Sở trước từng là chư hầu của nhà Tây Hán, coi trọng người hiền tài, Sở Nguyên Vương tôn sùng Thân Công và Mục Sinh. Thời Hán Cảnh Đế, Lương Hiếu Vương tiếp đãi kẻ sĩ, không chỉ vô cùng trọng đức mà còn rất coi trọng người có tài tranh biện như Trâu Dương và Mai Thừa. Cũng nhờ vậy mà có thể lưu lại được những ghi chép nổi bật của tiền nhân, khiến người đời sau kính ngưỡng. Cho nên trọng đức tu thân, nơi nơi đều nhận người tài đức sáng suốt.

Nghĩ về bậc hiền tài và muốn giữ lại, mong họ làm trụ cột quốc gia, cùng chung chí khí, cho nên Thái Tông mới hy vọng thành lập một cơ sở chính quy, bổ sung những chỗ thiếu hụt. Nghiên cứu không biết mệt mỏi, giống như Tắc Hạ Học Cung của nước Tề vậy, mở tiệc chiêu đãi giống như tại Hoàng Kim Đài của nước Yến. 18 vị đại học sĩ đến từ Giang Nam và Hà Bắc, chế định ra phép tắc, đề xướng văn phong, làm nền tảng cho học sĩ quán. 

Tác phẩm “Văn hội đồ”, “tranh 18 vị học sĩ đời Đường” của Tống Huy Tông Triệu Cát, được sưu tầm bởi Bảo tàng cố Cung Quốc gia, Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Bình định phản loạn, dũng cảm can gián

Vào tháng 12 năm Võ Đức thứ 4 (năm 621), Lưu Hắc Thát, tướng cũ của Đậu Kiến Đức đã khởi binh tạo phản. Lúc này Thái Tông thống lĩnh toàn quân tiến về Đông, xuất chiến thảo phạt ở Hà Bắc, đối phó với kẻ địch mạnh cuối cùng trong việc thống nhất thiên hạ của triều đại nhà Đường.

Tháng Giêng năm Võ Đức thứ 5 (năm 622), quân của ông tiến đến Phì Hương. Đầu tiên, Thái Tông cho quân chặt đứt con đường vận chuyển lương thực của địch. Hai bên giằng co nhau trong 2 tháng. Lưu Hắc Thát bị ép phải nóng lòng khiêu chiến, điều động 2 vạn bộ binh và kỵ binh tiếp cận quan quân. Thái Tông đích thân thống lĩnh đội kỵ binh tinh nhuệ, trước là công phá kỵ binh của địch, sau mới thừa thắng tấn công bộ binh; quân địch bại trận, chém đầu hơn một vạn người.

Trước tiên Thái Tông cho quân đắp đập ngăn nước ở thượng nguồn khiến cho mực nước trên sông thấp xuống, để Lưu Hắc Thát có thể vượt sông. Đợi tới thời điểm tác chiến, ông liền lệnh cho quân mở đập khiến cho nước ào ạt đổ xuống, mực nước sông sâu hơn một trượng. Quân địch đại bại, chạy qua sông đều bị nước nhấn chìm. Cuối cùng chỉ còn Lưu Hắc Thát cùng hơn 20 kỵ binh bỏ chạy tới Đột Quyết, toàn bộ thuộc hạ của ông ta đều bị bắt làm tù binh. Tới lúc này, đất Hà Bắc đã được bình định xong.

Lúc đó, Từ Viên Lãng đóng quân ở Từ châu và Cổn châu. Thái Tông điều quân trở về dẹp yên ông ta; như vậy tất cả các quận và ấp thuộc vùng Hoàng Hà, Tế Thủy, Trường Giang, Hoài Thủy đều đã được bình định.

Mùa thu năm Võ Đức thứ 7 (năm 624), hai Khả Hãn của quân Đột Quyết là Hiệt Lợi và Đột Lợi tiến hành xâm chiếm Nguyên Châu, quấy nhiễu vùng Quan Trung. Chúng nói với Cao Tổ rằng: “Chỉ vì con cái ông đều ẩn nấp tại phủ ở kinh thành, vì thế quân Đột Quyết tới, thiêu đốt khiến cho Trường An không còn là kinh thành nữa, đến lúc đó giặc Hồ mới dừng lại”. Cao Tổ có ý muốn dời đô để né tránh quân Đột Quyết, nên đã sai Trung sách thị lang Vũ Văn Sĩ đi Nam Sơn tìm địa điểm, lập tức dời đô về đó.

Tiêu Vũ cùng những người khác cho rằng không nên như vậy, tuy nhiên lại không ai trong số họ dám mạo phạm mở lời can gián. Thái Tông đã trực tiếp khuyên Cao Tổ là không nên dời đô, cho ông thời hạn một hai năm, nếu không đánh bại Hiệt Lợi của quân Đột Quyết, thì mới thảo luận lại việc này. (Thái Tông tự thuật: “Hoắc Khứ Bệnh, tướng quân của nhà Hán, người vẫn còn chí hướng tiêu diệt tộc Hung Nô. Thần hổ thẹn vì vẫn để lại một rào cản khiến cho bụi quân Hồ bay mãi chưa dừng, tới mức ép Bệ hạ thương nghị việc dời đô, thần thật đáng trách! Hạnh xin nghe thần thêm một lần để thu phục Hiệt Lợi. Nếu trong một hoặc hai năm mà không lấy được đầu của Hiệt Lợi, khi ấy tính kế dời đô vẫn chưa muộn, lúc đó thần không dám can ngăn nữa”).

Cao Tổ nghe xong không khỏi tức giận, sai Thái Tông đem hơn 30 kỵ binh đi tìm hiểu đường núi hiểm trở. Ngày hôm sau Thái Tông lại tấu không thể dời đô, Cao Tổ đã nghe theo và dừng việc này lại. 

Phòng Huyền Linh, 1 trong 18 vị học sĩ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Long chủng thiên mã (Ngựa trời mang giống rồng)

Thái Tông biết nhìn ngựa, hiểu về ngựa, nhờ có được thần tuấn mã trong các loài ngựa mà định thiên hạ. Thái Tông vô cùng yêu thích tuấn mã, chúng vì vương triều Đại Đường mà đi theo Nam chinh Bắc chiến, khắc địch vô số, lập nhiều công lao bất hủ. Ông từng viết một bài vịnh về mã gọi là “Mã ẩm vịnh” như sau: 

Tuấn cốt ẩm trường kinh
Bôn lưu sái lạc anh
Tế văn liên phún tụ
Loạn hạnh nhiễu đề oanh 
Thuỷ quang yên thượng trắc
Mã ảnh lưu trung hoành
Phiên tự thiên trì lý
Đằng ba long chủng sinh.

Tạm dịch: 

“Mã ẩm vịnh”

Tuấn mã uống nước sông Kinh Hà
Tia nước cuộn trào đan thành dải
Tầng tầng vân sóng quy tụ lại
Rau hạnh quẩn quanh bên vó mã
Mặt nước dát ánh vàng yên ngựa
Bóng dáng tung hoành chốn Trung Nguyên
Tuấn mã xoay mình trong hồ Thiên
Tựa long phụng xuất sinh cưỡi sóng. 

(Minh Ngọc dịch)

Vì để tưởng nhớ chiến mã đã cứu mình lúc nguy nan, Thái Tông còn cho khắc “Chiêu Lăng lục tuấn” (6 con tuấn mã ở Chiêu Lăng). Ông nói: “Ngựa chiến mà trẫm đã cưỡi, từng cứu giúp khi trẫm gặp nạn, dùng đá khắc hình dáng của ngựa, đặt ở hai bên trái phải, dùng màn che để tỏ rõ ý nghĩa” (Cuốn 42 ‘Sách phủ nguyên quy’).

Thế là hai nhà thủ công mỹ nghệ là Diêm Lập Đức cùng Diêm Lập Bản đã dùng kỹ thuật điêu khắc nổi mà khắc 6 con chiến mã. Họa sĩ gia truyền Diêm Lập Bản nhận lệnh vẽ “Lục tuấn đồ”, kỹ thuật gia Diêm Lập Đức dựa vào bức vẽ làm bản gốc rồi thực hiện điêu khắc nổi, sau đó bày đặt bản khắc 6 con chiến mã ở hai bên Chiêu Lăng.  

Từ xưa đến nay, ngựa tốt đều có tên hiệu, sáu con ngựa được phân ra đặt tên là: Quyền Mao Qua, Thập Phạt Xích, Bạch Đề Ô, Đặc Lặc Phiêu, Thanh Chuy, Táp Lộ Tử. Vào năm Trinh Quán thứ 11, Thái Tông đích thân làm “Lục mã đồ tán” (khen ngợi bức tranh 6 con tuấn mã). Trong các trận chiến ác liệt, 6 con tuấn mã này đều bị trúng mấy mũi tên, dù bị thương nặng nhưng vẫn bảo vệ, cõng lấy Thái Tông đến khi đạt được chiến thắng cuối cùng. 

Khi Đường Thái Tông khởi binh, sáng lập tiền đồ nghiệp đế vương, Hứa Lạc Nhân đã tiến dâng cho Thái Tông một con tuấn mã tại Võ Lao quan (Hổ Lao quan), miệng và đầu con ngựa có màu đen, thân màu vàng. Thái Tông thấy con ngựa này có khả năng thần tốc, mỗi khi lâm trận chỉ huy quân, ông luôn cưỡi con tuấn mã này. Thái Tông nói rằng nó là con ngựa hạng nhất, từng gọi nó là “Lạc Nhân Qua”, cuối cùng ông đã đặt cho con ngựa cái tên “Quyền Mao Qua”. Lúc bình định Lưu Hắc Thát, Thái Tông cưỡi con ngựa này. Nó bị trúng 6 mũi tên ở đằng trước và 2 mũi ở trên lưng. Thái Tông khen: “Nguyệt tinh án bí, thiên tứ hoành hành. Hồ thỉ tải tập, phân ai khuếch thanh”. Đại ý là sau khi chú ngựa trời này xuất hiện thì chiến loạn được dừng lại.

Bức phù điêu “Quyền Mao Qua” trong 6 con ngựa tại Chiêu Lăng, hiện nằm trong Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học, Đại học Pennsylvania. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Bức họa “Quyền Mao Qua” trong “Chiêu Lăng lục tuấn đồ quyển” của Triệu Lâm” thời nhà Kim. Bên trái là Khu hành cung, do Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh sưu tầm. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Con ngựa Thập Phạt Xích có màu đỏ tinh khiết, là một con hãn huyết bảo mã (ngựa quý có lông màu đỏ son), được Thái Tông cưỡi khi bình định Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức. Trong trận chiến đó, nó bị trúng bốn mũi tên ở phía trước và một mũi tên ở trên lưng. Thái Tông khen ngợi nói: “Triển giản vị tĩnh, phủ việt thân uy, chu hán sính túc, thanh tinh khải quy”. Ý tứ là bên cạnh dấu chân ngựa lưu lại mồ hôi màu đỏ, cùng với cờ xí màu xanh chiến thắng trở về.

Bức tranh “Thập Phạt Xích” được miêu tả trong “Chiêu lăng lục tuấn đồ quyển” của Triệu Lâm thời nhà Kim, được sưu tầm bởi Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Con ngựa Bạch Đề Ô có màu đen nhánh, bốn vó lại có màu trắng, được Thái Tông cưỡi khi đi bình định Tiết Nhân Cảo. Trận đó, Thái Tông đã cưỡi con Bạch Đề Ô đột kích quân địch xuyên đêm khiến cho Tiết Nhân Cảo không thể vào thành để cố thủ, sau đó ông ta buộc phải đầu hàng. Thái Tông khen con ngựa nói: “Ỷ thiên trường kiếm, truy phong tuấn túc. Tổng bí bình lũng, hồi yên định thục”. Ý là khả năng truy đuổi của tuấn mã nhanh như thanh binh khí Ỷ thiên trường kiếm. Con ngựa này theo Thái Tông chiến đấu ở các chiến trường từ Lũng Tây đến Tứ Xuyên, đạt được chiến thắng thần tốc.

ức tranh “Bạch Đề Ô” trong “Chiêu Lăng lục tuấn đồ quyển” của Triệu Lâm thời nhà Kim. Bên trái là Khâu Hành Cung, do Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh sưu tầm. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Con Đặc Lặc Phiêu có bộ lông màu trắng vàng, miệng màu đen, được Thái Tông cưỡi trong trận bình định Tống Kim Cang. Tống Kim Cang có đội quân tiên phong tinh nhuệ, bày trận dài từ Nam đến Bắc khoảng 7 dặm. Thái Tông đích thân cưỡi ngựa xông vào trận đánh, quân của Tống đại bại. Thái Tông khen con ngựa này là: “Ứng sách đằng không, thừa thanh bán hán, nhập hiểm thôi địch, thừa nguy tế nạn”. Nghĩa là con ngựa có khí thế oai hùng trên không trung, thực hiện mọi tư thế dễ như trở bàn tay, lúc cứu nạn thì dũng mãnh phi thường. 

Bức tranh “Đặc Lặc Phiêu” trong “Chiêu Lăng lục tuấn đồ quyển” của Triệu Lâm” thời nhà Kim. Bên trái là Khu hành cung, do Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh sưu tầm. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Con Thanh Chuy Mã là con ngựa có màu trắng xanh tạp sắc. Thái Tông cưỡi con ngựa Thanh Chuy, tự mình dẫn quân đột kích vào trận địa địch, một lần hành động đã bắt được Đậu Kiến Đức. Thanh Chuy mã bị trúng 5 mũi tên. Thái Tông khen: “Túc khinh điện ảnh, thần phát thiên cơ. Sách tư phi luyện, định ngã nhung y”. Điều này cho thấy, con ngựa này tráng kiện, phi như bóng ảnh chớp nhoáng xông vào trận địa địch. Trận Võ Lao quan đại thắng, giúp cho Đại Đường giành được thắng lợi trong cuộc chiến thống nhất vào những năm đầu. 

Bức tranh “Thanh Chuy” trong “Chiêu Lăng lục tuấn đồ quyển” của Triệu Lâm thời nhà Kim. Bên trái là Khu hành cung, do Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh sưu tầm. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Cái tên “Táp Lộ Tử” bắt nguồn từ ngôn ngữ Đột Quyết, dịch sang tiếng Hán là “Sa bát lược” và “Thủy ba la”, có nghĩa là dũng cảm vượt trội, cũng là tên hiệu của Khả Hãn Đột Quyết. Tên thật là ngựa chiến màu tím của Khả Hãn dũng mãnh vượt trội. Trong trận chiến kịch liệt giữa Thái Tông và Vương Thế Sung, con ngựa này bị trúng tên ở cổ khi lao vào dưới làn mưa tên, nó đã chết sau khi được Khâu Hành Cung nhổ mũi tên ra. Thái Tông khen: “Tử yến siêu dược, cốt đằng thần tuấn, khí triệp tam xuyên, uy lăng bát trận”. Khí thế thần thái của chú ngựa này có thể thấy được sự dốc lòng vì chủ. 

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version