Đại Kỷ Nguyên

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (23): Võ vũ bàng bạc

Đầu tháng giêng âm lịch năm 627 sau Công Nguyên, đế quốc Đại Đường cải nguyên thành Trinh Quán. Khoảng cuối tháng giêng năm đó, Thái Tông mở tiệc thiết đãi quấn thần, lệnh cho nhạc công diễn tấu khúc ‘Đại khí bàng bạc’, ‘Tần vương phá trận nhạc’ với khí phách chấn động lòng người.

Khúc nhạc này được viết vào năm Võ Đức thứ 3 lúc Thái Tông bình định Lưu Vũ Chu, do tập thể tướng sĩ trong quân sáng tác. Họ dựa vào khúc nhạc cũ mà điền lời mới, lời bài hát viết: “Thụ luật từ quân chủ, tướng tương thảo bạn thần; hàm ca ‘Phá trận nhạc’, cộng thưởng thái bình nhân“. Tạm dịch: “Nhận lệnh từ quân chủ, tướng lĩnh đánh dẹp quân địch, tất cả lời ca ‘phá trận mạc’, cùng nhau chung hưởng cuộc sống thái bình”. Từ đó về sau, khúc ca này trở thành quân ca của triều đại nhà Đường. Không chỉ vậy, bộ phận vũ đạo trong ‘Tần vương phá trận nhạc’ cũng đem ‘võ’ và ‘vũ’ kết hợp, tức là lấy võ công chinh chiến sa trường dung nhập thành múa cung đình, khiến cho khí phách kiên cường của đàn ông hiển hiện rõ trong múa cổ điển truyền thống Trung Hoa. Việc làm này được hậu thế ca tụng là đã tạo ra kinh điển về múa cổ điển Trung Quốc.      

Tại yến tiệc, Thái Tông nghe khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’ hùng tráng mãnh liệt, nhìn tướng sĩ chinh chiến với khí thế uy vũ oai hùng, không kìm lòng được mà xúc động nói: “Trẫm năm xưa vâng mệnh chinh phạt, vì toại nguyện lòng dân mới có khúc nhạc này, tuy nhiên so ra đức văn chương vẫn còn chưa được thoải mái, nhưng công lao sự nghiệp cũng bởi vậy mà thành, trẫm không dám quên nguồn gốc”. Phong Đức Di ngồi ở bên liền vội bẩm tấu: “Bệ hạ dùng võ công thần thánh mà bình định được thiên hạ, người trọng văn há làm được việc này?” Thái Tông không cho những lời này là đúng nói: “Dẹp loạn dùng võ, gìn giữ cái đã có dùng văn, công dụng của văn võ, tất cả thuận theo thời thế. Khanh nói rằng văn không bằng võ, ngôn từ này hơi quá rồi”. (‘Tư Trì thông giám’ cuốn 192). Phong Đức Di nghe xong thì cảm thấy lo rằng mình nói lỡ lời nên đã vội vàng khấu đầu tạ tội. 

Vệ quốc công Lý Tịnh tinh thông binh pháp, trận pháp, xem qua khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’ nói: “Thần trộm xem bệ hạ viết vũ nhạc phá trận, trước là hướng đến 4 phương, sau nối liền 8 hướng, xu thế theo hướng kim cổ, có đủ tất cả tiết độ, đây đúng là bát trận đồ, chế ra bốn đầu tám vĩ. Nhân gian đã thấy vũ khúc thịch thế, há biết được tác phong quân đội lại giống như vậy sao?” Thái Tông viết: “Nội hàm của binh pháp chỉ có thể tiếp nhận theo ý, không thể nói ra miệng. Trẫm làm khúc vũ nhạc phá trận, duy chỉ nhờ có khanh là hiểu được ý tứ bề mặt, cho nên hậu thế sẽ biết ta không làm việc qua loa”. 

Chân dung Lý Tịnh (Phạm vi công cộng)

Thời bấy giờ, khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’ cũng trở thành bản nhạc nổi tiếng ở các quốc gia khác ngoài Đông thổ. Sau khi Đường cao tăng Huyền Trang đến Ấn Độ, tại nước Yết Nhược Cúc Đồ gặp được Ma yết đà giới Nhật Vương, ông ta đã nói với Huyền Trang về khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’ của Đường Thái Tông: “Nghe nói Ma Ha đến từ quốc thổ kia (Trung Quốc) có thiên tử Tần vương, tuổi còn trẻ mà linh thông sáng tỏ, thần võ vang xa. Xưa kia, tổ tiên loạn lạc chết chóc, đất phân chẳng còn, binh biến liên miên, chúng sinh độc hại, mà Tần vương thiên tử, sớm đã có tầm nhìn sâu rộng, dấy lên tấm lòng Đại từ bi, nhận thức rõ nội hàm cứu tế, bình định trong nước, ca ngợi giáo hóa khắp nơi, ân trạch xa rộng, đặc biệt là hướng đến các nước khác, ngưỡng mộ cảm hóa xưng thần. Dân chúng của ông được nghỉ ngơi an dưỡng, họ đều ca hát khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’. Nghe nhã tụng này thì nhớ mãi không nguôi”. (Trích cuốn 5, Đại Đường Tây Vực ký)

Già Ma Lũ Ba quốc Câu Ma La Vương ở Ấn Độ cũng cảm thấy hứng thú với khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’. Ông từng hỏi Huyền Trang rằng: “Nhiều người ở Ấn Độ hiện nay cũng ca hát khúc ‘Tần vương phá trận nhạc’ của quý quốc, nghe tin đã lâu, há chẳng phái đại đức của cố hương quý quốc dị thường khác lạ sao?” Huyền Trang đáp: “Nhưng mà, lời mọi người ca hát chính là ca ngợi đức tốt đẹp của quân vương nước ta”. Vương nói: “Không ngờ lời này là ca ngợi bậc đại đức quý quốc, thường ngưỡng mộ phong tục và giáo hóa, nhìn hướng Đông thổ đã lâu, sông núi đường xá ngăn trở, không cách nào tự mình trải nghiệm”. Huyền Trang đáp: “Đại quân vương thánh đức xa rộng của ta khiến cho người ở nơi xa xôi cũng được cảm hóa. Ngay cả ở nước khác biệt về phong tục, mọi người cũng bái kiến xưng thần tỏ rõ thiếu sót”. Vương viết: “Trí tuệ che chở, tâm mong muốn dâng hiến”. (Huyền Trang,“Đại Đường Tây Vực ký”, tập 10)

‘Tần vương phá trận nhạc’ thể hiện một cách chân thực thành tựu về văn hóa giáo dục cùng võ công thời Đại Đường thịnh thế, là một khúc nhạc vũ kinh điển nổi danh nhất trong lịch sử các triều đại. 

Các bức bích họa ‘Tần vương phá trận nhạc đồ’ trong hang động Mogao 217 ở Đôn Hoàng. (Phạm vi công cộng)

Thần y hành nghề cứu thế nhân

Năm 7 tuổi, Tôn Tư Mạc, ‘Dược vương’ của triều đại nhà Đường đã đọc hơn một nghìn từ mỗi ngày và được coi là thần đồng. Ông lập chí học nghề y, từng sống ẩn cư ở núi Thái Bạch học Đạo, luyện khí dưỡng thần. Ông tinh thông học thuyết của Bách gia, hiểu rõ lý luận thiên văn, thông thạo y dược, thần diệu của võ thuật và cả cái tốt lành của kinh Phật. 

Sau khi nghe được danh tiếng của Tôn Tư Mạc, Tùy Văn Đế đã mời ông đến triều đình làm quan nhưng ông đã từ chối. Ông từng nói riêng với người khác rằng: “50 năm tới sẽ có thánh nhân xuất hiện, đến lúc đó ta sẽ trợ giúp thánh nhân cứu giúp dân chúng”. 50 năm sau, Đường Thái Tông đã mời Tôn Tư Mạc, ông đã tới kinh thành với dung mạo nhìn rất trẻ, Thái Tông khen ngợi nói: “Ta vốn đã biết rõ, người tu đạo chân chính rất đàng tôn trọng. Thậm chí những sự tích Tiên nhân về Tiễn Môn và Quảng Thành Tử, tuyệt đối không phải là những lời nói vô căn cứ”. Tôn Tư Mạc từng vì Thái Tông mà hành nghề y cứu chữa người bệnh, nhưng ông không ra làm quan. (“Tân Đường thư” cuốn 196 “truyện 121”)

Tôn Tư Mạc từng cứu con trai của Long Vương mà được Long Vương cảm tạ ban cho 30 phương thuốc. Tôn Tư Mạc đích thân thử qua 30 phương thuốc này và thấy có hiệu quả thần kỳ. Sau đó ông đặt tên cho cuốn 30 phương thuốc là ‘Thiên Kim phương’, truyền bá thuốc của Long cung vào thời điểm đó. Trong cuốn 21 ‘Thái Bình Quảng ký’ có ghi chép một câu chuyện về Mãnh Hổ như thế này. Mãnh Hổ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên đã đến tìm Tôn Tư Mạc nhờ cứu giúp. Tôn Tư Mạc đã hẹn Mãnh Hổ, sau này không làm hại thế nhân và Mãnh Hổ đã đồng ý. Sau khi chữa khỏi cho Mãnh Hổ, ông ta quả nhiên một lòng hướng thiện, hơn nữa còn đặc biệt đi theo Tôn Tư Mạc để bảo vệ. 

‘Tôn Tư Mạc cứu giao long đồ’ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)

Đường Thái Tông khen Tôn Tư Mạc: “Tạc mở đường mạch, tên là Đại y dẫn đường. Cánh chim tam thánh, điều động hợp 4 mùa. Hàng long phục hổ, giúp suy cứu nguy. Cao lớn đường đường, bậc sư trăm đời”. Từ xưa đến nay, trên khắp Trung Quốc đều có đền thờ tưởng nhớ Dược vương Tôn Tư Mạc. Ông được người thời đó và hậu nhân coi là bậc ‘Thần y’ tu Đạo thành Tiên. 

Kiệt tác y học ‘Kim thiên phương’ của Tôn Tư Mạc được coi là bộ bách khoa toàn thư về y học lâm sàng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, là tác phẩm đầu tiên thảo luận đầy đủ về y đức, và là người đầu tiên khởi xướng thành lập phụ khoa và nhi khoa.

Ông có nhận thức rất rõ về trình độ của người thầy thuốc: “Thời xưa coi thầy thuốc giỏi, thượng y chữa trị cho quốc gia, trung y chữa trị cho người, hạ y chữa trị bệnh. Lại nói, thượng y nghe thanh âm, trung y nhìn sắc mặt, hạ y dựa vào bắt mạch. Lại có thượng y chữa trị khi chưa phát bệnh, trung y chữa trị khi sắp phát bệnh, hạ y điều trị khi bệnh đã bộc phát”. 

Tượng của Tôn Tư Mạc trong điện thờ của triều đại nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Bài ‘Đại y tinh thành’ là văn tự của Tôn Tư Mạc trích trong quyển 1, ‘Bị cấp thiên kim yếu phương’, là một tài liệu vô cùng quan trọng trình bày và phân tích về y đức. ‘Tinh’ là nói đến đạo đức nghề y khi làm việc cần đạt đến ‘hoàn mỹ nhất vi tế nhất’, người thạo nghề y phải “thông hiểu hết thảy căn nguyên của bệnh, tinh thần cần cù không biết mệt mỏi”. ‘Thành’, đó là yêu cầu người hành nghề y phải tu dưỡng phẩm đức cao thượng, có tâm từ bi thấu hiểu người bệnh, quyết tâm cứu vớt nhân loại khỏi bể khổ. Đại y trị liệu cần an thần định chí, vô dục vô cầu, phát tâm từ bi, không chọn người bệnh. Thân của bậc đại y cần đạt đến tinh thần chuyên tâm, thân thể trong sạch, phong thái khoan dung độ lượng, tấm lòng rộng lớn, không kiêu ngạo cũng không tự ti. Người hành nghề y không được dùng y thuật cho mục đích phát tài, chỉ có thể dùng tâm thái cứu giúp người đau khổ, trong y đạo mà tạo dựng phúc đức. 

Tôn Tư Mạc rất coi trọng y đức, lòng ôm giữ đại từ bi, hành y tế thế, trị bệnh cứu người, không chỉ là lưu lại cho hậu thế y học, dược lý thần truyền chính thống mà còn dệt nên một bức gấm hoa cho thời Đại Đường huy hoàng thịnh thế. 

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version