Đại Kỷ Nguyên

Đức Phật chỉ ra ‘phương thuốc vàng’ có thể tiêu trừ bách bệnh

Cuộc sống vốn không phải dễ dàng, song phương thuốc nào có thể tiêu trừ được bách bệnh?

Phật tổ nói: “Đạo đức là vạn nghiệm linh dược, có thể tiêu trừ bách bệnh.’’

Khi xưa có người đàn ông nọ, sống trong một hoàn cảnh khá sung túc. Nhưng trong tâm ông lại luôn cảm thấy rất bất an. Một ngày nọ, ông ta quyết định đi tìm gặp Đức Phật để hỏi cho ra nhẽ. Khi gặp Đức Phật, ông ta quỳ trước Đức Phật, vừa khóc lóc thảm thiết mà rằng: 

– Thưa Phật tổ! Ngài sao lại nhẫn tâm như vậy? Ngài khiến cho tôi bận bịu suốt cả ngày, mà không làm được việc gì. Tối đến, tôi cứ như người mất hồn, mất vía, trong tâm luôn nơm nớp lo sợ, không lúc nào là không sống trong khổ đau, dằn vặt.

Nghe xong, Phật Tổ bèn hỏi: 

– Vì sao lại như vậy?

Ông ta thưa rằng:

– Ban ngày, vì kiếm tiền để có bát cháo cầm hơi, tôi phải nói ra rất nhiều lời ngon ngọt dối trá. Tôi đã làm rất nhiều chuyện xấu trái với lương tâm của mình, chỉ vì miếng cơm manh áo. Hơn nữa, tôi làm gì cũng không thể tập trung cho được. Mỗi khi đêm về, tôi lại thức trắng đêm không tài nào chợp mắt được, cứ như sống trong địa ngục trần gian vậy. Thưa Phật tổ! “Nhân sinh bản lai bất dung dị” (Cuộc sống vốn không phải dễ dàng). Cuộc sống vốn đã rất khó khăn, Ngài vì sao còn muốn tra tấn người ta thậm tệ đến thế kia chứ?

Phật tổ ôn tồn, nói: 

– Nhà ngươi chỉ vì một bát cháo cầm hơi, mà đi lừa gạt người khác. Đó không phải là con đường sinh tồn chân chính của con người. Ta là từ bi mà không bao giờ đẩy con người vào đường cùng. Nay ta thấy trong tâm của ngươi ẩn chứa toàn độc dược, cần phải có một loại thuốc giải đặc biệt để loại trừ nó đi.

Người kia mừng rỡ, vội vàng cất tiếng hỏi:

– Đó là Thần dược chi vậy? Xin Ngài hãy cho tôi biết thuốc đó tên là gì, để tôi đi mua về uống thử.

Phật tổ mỉm cười, nói: 

– Thuốc đó chính là ‘Đạo đức’. Đạo đức chính là linh dược hiệu nghiệm nhất có thể chữa được bách bệnh.

Vị thí chủ ngước nhìn lên thấy Phật tổ tọa trên đài sen lung linh, khắp thân tỏa ánh hào quang rực rỡ, khuôn dung tươi tỉnh toát lên vẻ từ bi hồng đại. Người kia bừng tỉnh chắp tay bái tạ Đức Phật. Ánh hoàng hôn phủ xuống một màu vàng trải đầy khắp không gian mênh mông, vô tận… 

Hồng trần cuồn cuộn, lối Đạo thênh thang, cao quý ở hai từ ‘Chân chính’.

Một lần, để thử nghiệm huệ căn của một số tăng nhân trong chùa, cao tăng Huệ Năng đã cho người dựng một bức tượng Đạt Ma trên đỉnh núi Phi Lai Phong (tên gọi khác là: Linh Tựu Phong), và truyền rằng: “Nếu ai có thể đường đường chính chính mà chạm đến tuệ nhãn của Tổ Sư, thì người đó được kế thừa y bát”. Các tăng lữ nghe thấy vậy, ngày đêm bàn tán xôn xao về việc sư trụ trì cho dựng tượng Đạt Ma bằng vàng là để chuẩn bị cho việc tìm người thừa kế ngôi vị trụ trì trong tương lai. Nếu ai có thể chạm được tới mắt của bức tượng trên đỉnh núi, thì người ấy được kế vị. 

Tục truyền rằng, con đường dẫn đến đỉnh núi Phi Phong Lai rất khó khăn, hiểm trở. Có không ít tăng nhân, vì muốn được làm sư trụ trì mà đã lìa đời trên con đường chinh phục đỉnh núi. Điều đó cho thấy rằng con đường lên đỉnh núi Phi Phong Lai là ‘thập phần gian nguy’.

Một số tăng nhân trong chùa đã phát hiện ra một lối tắt lên đỉnh núi, họ bắt đầu rỉ tai nhau men theo lối tắt này. Nếu đi theo con đường tắt này thì có thể rút ngắn thời gian lên đỉnh núi. Lại có đám tăng nhân tìm thấy một con đường lớn, bằng phẳng ở phía sau núi. Họ có thể ung dung, thản đãng bước bộ lên tận đỉnh núi mà không có bất kì một chướng ngại nào.

Duy chỉ có một vị tên là Tâm Thiền đã quyết tâm leo lên đỉnh núi Phi Lai Phong từ phía trực diện, vách núi hiểm trở cao chót vót, đường lên khúc khủy, dây leo chằng chịt… Tâm Thiền một lòng quyết tâm hướng Phật, không màng gian nguy từng bước, từng bước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Trên đường lên núi, anh đã phải nếm trải không biết bao nhiêu là chông gai, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi, chảy bao nhiêu máu. Cuối cùng Tâm Thiền cũng leo lên được đến ngọn Linh Tựu Phong. Nhưng khi leo lên đến đỉnh núi, anh ta mới phát hiện ra rằng, tất cả các tăng lữ đồng đạo, sư huynh, sư đệ, đều đã hội tụ đông đảo ngay trước kim tượng tổ sư Đạt Ma. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Tâm Thiền. Song anh ta không hề cảm thấy hổ thẹn vì sự chậm trễ của mình, mà thong thả bước đến trước tượng Đạt Ma khẽ chạm vào tuệ nhãn. 

Lúc này, cao tăng Huệ Năng mới xuất hiện. Ngài tuyên bố rằng: “Tâm Thiền rất có tuệ căn, đã đủ điều kiện để kế thừa y bát”. Ngài quyết định, vị sư trụ trì kế tiếp của bản môn chính là Tâm Thiền. Các tăng nhân nghe thấy vậy vô cùng kinh ngạc. Có vị cảm thấy rất bất bình trong tâm mà lớn tiếng:

– Tâm Thiền là người đến sau cùng nhất, lại đi con đường dễ chết nhất, không phải người có tài trí gì, vị trí Trụ trì làm sao có thể để cho hắn ngồi lên đó được?

Lúc này, cao tăng Huệ Năng điềm tĩnh đáp:

– Sống trên đời, làm người tu hành quý ở hai chữ ‘Chân chính’: “Ngôn chính đương ngôn, tư chính đương tư, hành chính đương hành”. (Nói lời chân chính, nghĩ điều chân chính, làm điều chân chính). Các ngươi đều vì sợ không kịp thời mà chọn lối tắt. Chỉ có Tâm Thiền quang minh chính đại, đường đường chính chính mà từng bước leo lên từ phía trực diện. Các ngươi đều vì sợ gian nguy, theo con đường lớn phía sau núi mà lên. Chỉ có Tâm Thiền không sợ chông gai, vượt qua thử thách bằng máu và mồ hôi từng bước tiến lên. Con đường mà anh ta chọn là Chính Đạo. Còn các ngươi thì không! Thử hỏi, làm sao có thể đem chùa chiền của ta trao lại cho những người có hành vi bất chính được!?.

Hãy nên nhớ rằng: 

– Phải đi trên con đường ‘Chính Pháp’, ‘Chính Đạo’.

Tất cả tăng lữ nghe xong, ‘á khẩu’ không nói được một lời!

***

Mới hay! Kiếp nhân sinh vốn dĩ không phải dễ dàng, thiên tai, nhân họa, tật bệnh nghiệp ương, hết thảy đều là khổ ải. Xưa nay, không ít người vẫn đi khắp núi Nam, bể Bắc cầu tìm phương thuốc trường sinh bất lão mà vẫn chẳng thể gặp. Những tưởng xa tận chân trời, mà gần ngay trước mắt; dược phương trừ bách bệnh, giải vạn tai ương, lại ở ngay chính trong tâm khảm của mỗi chúng ta. Đó chính là thiện lương, hay nói cách khác ấy chính là ‘Đạo đức’. Sống trên đời, trăm điều ác dù nhỏ cũng không thể làm, một điều thiện dù nhỏ cũng phải làm cho kì được. Đời người cao quý ở hai từ ‘Chân chính’!

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo Secret China
Thanh Lê – Thái Bảo biên dịch

Exit mobile version