Đại Kỷ Nguyên

Động Bàn Ty: Đường Tăng sa lưới tình, chỉ vì quên mất một chữ này

Động Bàn Ty: Đường Tăng sa lưới tình, chỉ vì quên mất một chữ này

Hỏi thế gian tình là chi, mà khiến người ta chẳng màng sống chết? Dẫu là người đạo hạnh như Đường Tăng, cũng một phen sa phải lưới tình. Nếu chẳng cắt đứt những sợi tơ tình chằng chịt ấy, sao có ngày đến được Lôi Âm? 

Tây du ký* kể rằng, sau khi từ biệt quốc vương nước Chu Tử, thầy trò Tam Tạng tiếp tục lên đường sang Tây, “vượt qua biết bao đồng bằng, núi non, sông lạnh, thấm thoắt đã thu hết đông tàn, tiết xuân ấm áp đã lại sang. Thầy trò đang đi trên đường thưởng xuân, ngắm cảnh, bỗng nhìn thấy một tòa am ven rừng”. Đường Tăng xuống ngựa, tự mình đi xin cơm chay. Rảo bước tới trước ngôi nhà xem xét, Đường Tăng thấy cảnh sắc u nhã, thần tiên, có bốn giai nhân kiều diễm đang mải mê thêu thùa. Thấy trong nhà không có đàn ông, chỉ có bốn cô gái, Đường Tăng không dám bước vào, đứng sững lại, nép mình bên thân cây cổ thụ. 

Hồi thứ 72 “Động Bàn Ty bảy tinh mê gốc/ Suối Trạc Cấu Bát Giới quên hình” có viết:

“Tam Tạng đứng lại một lúc thật lâu cảm thấy lặng ngắt như tờ, không một tiếng chó kêu gà gáy, bèn thầm nghĩ rằng:

– Có mỗi việc đi xin cơm cũng không xong, bọn đồ đệ sẽ cười ta là sư phụ xin cơm không xong thì còn đi bái Phật sao nổi!

Tam Tạng chẳng biết làm thế nào cũng cứ liều bước lên cầu vài bước, chợt thấy đằng sau nếp nhà tranh có ngôi đình mộc hương. Bên đình có ba cô gái đang đánh cầu. Ba cô gái này còn xinh hơn cả bốn cô kia (…)

Ngày xuân ấm áp đá cầu
Gió tiên phơi phới quạt hầu giai nhân
Mồ hôi hoen ướt má hồng
Mày ngài bụi bám, liễu hồng khói mây
Thon thon trắng muốt búp tay
Gót sen lộ nét, tung bay quần là
Hồi lâu chơi đã mệt phờ
Cô nào cô nấy rối bù tóc mây.

Tam Tạng dừng xem hồi lâu, rồi cuối cùng bước qua cầu, cao tiếng gọi:

– Thưa nữ Bồ Tát. Bần tăng có duyên tới đây, xin một ít cơm chay.

Mấy cô gái nhìn thấy, ai nấy mừng vui hớn hở, bỏ cả kim thêu, vứt cả quả cầu, sung sướng chạy ra cửa nói:

– Thưa trưởng lão, thật không kịp đón tiếp! Nay ngài đã tới tệ xá, chúng tôi đâu dám cản trở việc trai tăng. Xin mời trưởng lão vào trong nhà ngồi chơi.

Tam Tạng nghe nói, trong lòng nghĩ thầm rằng:

– Tốt quá! Tốt quá! Phương Tây đúng là đất Phật, đến đàn bà con gái cũng coi trọng việc trai tăng, huống hồ đàn ông lại không hết lòng thờ Phật sao?

Tam Tạng chào hỏi xong, theo mấy cô gái bước vào trong nhà tranh, khi qua bên ngôi đình mộc hương thì chẳng nhìn thấy nhà cửa buồng the gì hết. Chỉ thấy:

Đỉnh non cao ngất,
Mạch đất quanh co
Đỉnh non cao ngất xông mây khói
Mạch đất quanh co tiếp biển khơi
Cửa kề bên cầu đá bóng soi
Nước chảy quanh co vòng chín khúc
Vườn mận đào tươi tốt
Nghìn khóm hoa nở hồng
Cổ thụ dây leo vòng
Lan huệ thơm ngào ngạt
Xa trông động phủ như Bồng Đảo
Gần ngắm non ngàn tựa Thái Hoa
Chính nơi ẩn náu lũ ma quái
Lấy đâu nhà dân cùng lối xóm.

Có một cô gái bước tới, mở hai cánh cửa hang đá mời Đường Tăng vào. Tam Tạng đành bước vào, chợt đưa mắt nhìn, thấy toàn bàn đá, ghế đá, khí lạnh âm âm. Tam Tạng thấp thỏm trong bụng thầm nghĩ:

– Chỗ này lành ít dữ nhiều, xem ra có vẻ không lành! 

Mấy cô gái vui vẻ cười giòn giã cất tiếng cười chào:

– Mời trưởng lão ngồi.

Tam Tạng chẳng biết làm thế nào, đành ngồi xuống. Một lát, người cảm thấy rùng mình. Mấy cô gái hỏi:

– Tam Tạng tu hành ở bảo sơn nào? Khuyến giáo làm gì? Dùng để làm đường, bắc cầu, xây chùa dựng tháp hay là đúc tượng khắc kinh? Xin ngài cho xem sổ sách một tí.

Tam Tạng nói:

– Chúng tôi không phải là hòa thượng khuyến giáo. 

Các cô hỏi:

– Không phải là hòa thượng khuyến giáo thì đến đây có việc gì?

Tam Tạng nói:

– Tôi là người nước Đại Đường bên phương Đông được nhà vua sai sang chùa Đại Lôi Âm bên phương Tây lấy kinh, hôm nay qua quý xứ đây, vừa lúc đói bụng, vào quý phủ ta, xin ít cơm chay rồi bần tăng lại đi ngay.

Các cô gái nói:

– Hay quá! Hay quá! Thường có câu: “Hòa thượng từ phương xa đến giỏi đọc kinh”. Các em không được chậm trễ, sửa soạn cơm chay ngay.

Bấy giờ có ba cô gái ngồi tiếp Tam Tạng trao đổi bàn luận về việc có được mối nhân duyên này. Bốn cô khác vào bếp xắn áo vén tay đốt lửa đặt nồi. Bạn xem, bọn họ làm những món gì? Hóa ra là mỡ người đem rán, thịt người đem rang, rang đến đen ra để làm nhân bánh, khoét óc người để làm đậu phụ. Rồi hai mâm cơm được dọn trên chiếc bàn đá. Mấy cô gái nói với Tam Tạng:

– Xin mời trưởng lão. Vội vàng quá, không kịp làm cơm chay. Trưởng lão ăn tạm, chúng tôi sẽ dọn sau.

Tam Tạng vừa ngửi đã thấy tanh lộn mửa, không dám há mồm, đành cúi người chắp tay nói:

– Thưa nữ bồ tát, bần tăng vốn ăn chay từ trong bụng mẹ. 

Mấy cô gái cười nói:

– Thưa trưởng lão, đây cũng toàn món ăn chay cả đấy.

Tam Tạng nói:

– A Di Đà Phật! Nếu cứ món chay thế này, hòa thượng tôi ăn vào, thì đừng hòng gặp mặt đức Thế Tôn, lấy được kinh!

Mấy cô gái nói:

– Trưởng lão là người xuất gia không nên quá kén chọn người bố thí.

Tam Tạng nói:

– Đâu dám! Đâu dám! Hòa thượng tôi vâng lệnh vua Đại Đường lên đường sang Tây, một loài nhỏ không làm hại, gặp ai khổ là cứu ngay, thấy một hạt gạo cũng nhặt bỏ mồm, một sợi tơ cũng khoác che thân, có đâu dám kén chọn chỗ bố thí!

Mấy cô gái cười nói:

– Trưởng lão tuy không chọn người bố thí, nhưng lại có tính vào cửa chê người. Xin trưởng lão chớ hiềm suông nhạt, xơi một chút gọi là…

Tam Tạng nói:

– Quả thực tôi không dám ăn. Ăn e phá giới. Mong mấy nữ bồ tát đường sinh không bằng phóng sinh thả cho hòa thượng tôi ra.

Tam Tạng toan chạy ra. Mấy cô gái chắn ngay cửa, không cho ra và nói:

– Món hời tới cửa lại không biết giữ sao? Chậu nước đã đổ, lấy tay vốc lại được sao? Nhà ngươi có chạy đằng trời!

Trong bọn chúng, đứa nào cũng có chút võ nghệ, chân tay lanh lợi, ghì chặt lấy Đường Tăng, thuận tay quật ngã lăn ra đất, rồi lấy dây thừng trói chặt, treo cao trên xà nhà. Kiểu treo này cũng có một tên gọi riêng, đó là kiểu “người tiên chỉ đường”. Kiểu này một tay bị đưa ra đằng trước, lấy thừng trói treo lên: một tay bẻ quặt bên sườn, rồi trói vào treo lên: hai chân duỗi về đằng sau cũng trói vào treo lên. Ba sợi thừng trói chặt treo cao Đường Tăng lên xà nhà, sống lưng ngoảnh lên trời, da bụng quay xuống đất.

Tam Tạng nén đau, nuốt nước mắt, trong bụng căm giận nghĩ:

– Hòa thượng tôi thực là xấu số, cứ ngỡ là nhà dân vào xin ít cơm chay, ai ngờ lạc vào hang lửa! Đồ đệ ơi, mau đến cứu ta thì họa chăng còn được gặp mặt, chậm độ vài giờ thì mạng ta nguy mất thôi!

Tam Tạng tuy lo buồn, nhưng vẫn để ý đến mấy ả con gái. Bọn chúng treo Đường Tăng xong, bèn cởi quần áo ra. Tam Tạng sợ hãi nghĩ thầm:

– Chúng cởi quần áo định đánh mình đây, hoặc giả định ăn sống nuốt tươi mình chắc?

Hóa ra mấy ả ấy chỉ cởi áo trên, phơi bụng ra, rồi ả nào ả nấy trổ thần thông: Nơi rốn tiết ra một búi tơ to bằng quả trứng vịt rồi cứ trắng phau tuôn ra như bạc, một loáng mờ mịt cả cửa động. Chuyện không nói nữa”.

Bảy giai nhân kiều diễm hoá ra là bảy con nhện cái thành tinh, có phép phun tơ trói người. Khi Tôn Ngộ Không phát hiện ra thầy gặp nạn, lại gần xem thấy “búi tơ ấy quấn quýt dày đến trăm ngàn lớp, đan dọc đan ngang tựa tấm vải, lấy tay ấn vào thấy mềm, nhớp nháp”. Xưa nay vẫn lấy sợi tơ làm ẩn dụ cho cái tình, nói “tơ tình”, “tơ lòng” chính là ý đó. Bảy con yêu tinh cũng là chỉ “thất tình” (7 loại tình), gồm Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ái (yêu), Ố (ghét), Ai (buồn), Lạc (vui), Dục (muốn), đại diện cho các chủng các dạng tình cảm, cảm xúc của con người. Sợi tơ tình mỏng manh mềm mại, vương vấn quấn quýt, trói chặt khiến con người trầm mê trong đó chẳng thể thoát ra, thậm chí cam tâm tình nguyện không muốn thoát. 

Cả cuộc đời, người ta vì cái tình này mà sống, một đời truy cầu, một đời đua chen. Tình mẫu tử, tình anh em, tình bạn hữu, tình chồng vợ… thế gian đâu đâu cũng là tình. Trong các chủng tình cảm, cảm xúc, thì dường như tình yêu nam nữ là có sức mê hoặc lớn nhất, khiến người ta quên ăn quên ngủ, thậm chí chẳng tiếc sinh mệnh mình. Đường Tăng bị tơ nhện trói chặt, chính là bị sa vào lưới tình rồi. Ban đầu, từ xa quan sát, Đường Tăng thấy cảnh thanh nhã bình yên, mà bước vào trong mới thấy khí âm ớn lạnh. Cái tình này ban đầu cũng tươi đẹp và dịu dàng như thế, ai không cảnh giác, lún vào rồi mới đau khổ, hối hận khôn nguôi. Bảy nữ yêu tinh ăn thịt người, phải chăng là ẩn dụ cho cái tình gặm nhấm sinh mệnh người ta, khiến người ta chết dần chết mòn trong ái dục, thanh tân xuân sắc nào tránh được kết cục chỉ còn một nắm xương khô?

Đường Tăng lẽ ra đã có thể tránh được ma nạn này nếu như ngay từ đầu ông không ngại mất thể diện với đồ đệ, quay trở lại gọi đồ đệ trợ giúp. Giới luật yêu cầu người xuất gia không được phép ở cùng với thí chủ nữ ở nơi vắng vẻ. Đường Tăng biết điều này nên ban đầu, thấy trong nhà không có đàn ông, chỉ có bốn cô gái, ông không dám bước vào, đứng sững lại, nép mình bên thân cây cổ thụ. Thế nhưng chỉ vì sợ bị đồ đệ chê cười là không xin nổi cơm, ông hồ đồ phá vỡ giới luật và lễ tiết, bước vào sâu bên trong. Lỡ bước sa chân thì hối hận đã muộn rồi.

Trong ma nạn này, còn có Trư Bát Giới cũng bị sa lưới vì sơ hở tương tự. Khi thấy bảy cô gái đang ngâm mình dưới nước, Bát Giới đã cười trêu chọc:

“– Các nàng đang tắm đấy à? Cho hòa thượng tôi tắm cùng có được không?

Mấy nữ quái nhìn thấy tức giận nói:

– Đồ hòa thượng vô lễ kia! Chúng ta là gái chưa chồng, nhà ngươi là đàn ông xuất gia. Sách cổ có câu: “bảy tuổi trai gái không ngồi chung chiếu”. Nhà ngươi cùng chúng ta tắm chung sao được.

Bát Giới cười nói:

– Tiết trời nóng nực oi bức không chịu được, cho tôi tắm với. Dẫn sách vở chung chiếu với không chung chiếu làm gì!”.

Đọc Tây du ký, không ít lần ta ngạc nhiên vì yêu quái cũng biết lễ nghi, đôi khi còn rất lịch sự là đằng khác. Bảy nữ quái ở đây còn biết đạo xử thế giữa nam và nữ, dẫn sách cổ ra mắng mỏ Bát Giới. Nếu Bát Giới tuân thủ lễ tiết “nam nữ thụ thụ bất thân”, thì đã không giở trò bỡn cợt, không bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt yêu quái khi chúng chưa kịp trở tay, không để cho chúng kịp chạy lên đình hoá phép, phun tơ mù mịt quấn chặt rồi. 

Đường Tăng vì danh, Bát Giới vì sắc, cả hai bỏ qua giới luật, vi phạm lễ tiết, nên mới sa phải lưới tình. Đủ thấy chữ “Lễ” này vô cùng quan trọng. Cổ nhân định ra Lễ, dùng lễ giáo để quy phạm hành vi con người, bảo hộ con người không bị ma tình dụ hoặc, tránh làm ra những điều thương thiên hại lý. Thuở xưa, tiếp xúc giữa nam và nữ có quy định nghiêm khắc: Từ bảy tuổi nam nữ không ngồi chung chiếu, cô nam quả nữ không ở cùng nhau, không được trực tiếp trao tay đồ vật, quan hệ tình dục lại càng cấm kỵ… Con người hiện đại lại cho đó là cổ hủ, lạc hậu, đấu tranh phá vỡ “vòng cương tỏa của lễ giáo”. Phá vỡ lễ giáo truyền thống, biết đâu là đã bẻ gãy chiếc vòng bảo hộ con người khỏi sự xâm phạm của ma tính rồi.

Vì thế nên xã hội ngày nay, những chuyện người có gia đình cũng “say nắng”, cặp bồ, tình một đêm, mang thai tuổi vị thành niên… đã trở nên phổ biến. Tuổi thanh xuân không thể tĩnh tâm tu chí cũng vì nó, gia đình sóng gió vỡ tan cũng vì nó. Đặc biệt với người tu luyện, sự thiếu ý tứ, bất cẩn trong giao tiếp nam nữ khiến tinh thần xao động, sắc dục làm động tâm, thậm chí còn làm ra những sự việc bôi nhọ Phật Pháp.

Khổng Tử nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, nghĩa là “Ức chế mình theo lễ là nhân”. Lễ được xem là quy phạm đạo đức và hành vi mà Thiên thượng chế định cho con người, lấy đó mà biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Vậy nên làm người không thể vô lễ, thất lễ, nhờ giữ lễ mà tránh được cạm bẫy của dục tình. Còn làm người tu luyện, tu tâm đoạn dục, buông bỏ sắc tình là bước tất yếu phải đi trên con đường tiến về viên mãn. Có thơ rằng:

Nguyên nhân chính vẫn dục tình,
Có tình có dục rành rành tự nhiên.
Sa Môn tu luyện thường xuyên,
Quên tình cắt dục là thiền đó thôi.
Sửa ý tứ, tâm chẳng rời
Bụi trần chẳng nhiễm, trăng ngời lung linh.
Tu trì tiến bộ tăng nhanh,
Công quả viên mãn ấy thành đại tiên.

Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Video: Niệm tà dâm, làm việc tà dâm sẽ gặp báo ứng. Người nhân đức, cự tuyệt tà dâm nhận được ngay phúc báo!

Exit mobile version