Đại Kỷ Nguyên

Đời người giống như ván cờ, đã hạ quân là không hối hận

Đời người không thắng ở ‘giành được’ mà là ở ‘buông bỏ’: Buông bỏ phiền não – thu về hạnh phúc, buông bỏ ganh đua – thu về thanh tịnh, buông bỏ trói buộc – thu về tự do… 

Buổi tối, tôi cùng con gái chơi một ván cờ.

Con bé chỉ mới học qua các quy tắc cơ bản, chưa biết thế nào là chiến lược và chiến thuật. Trên bàn cờ, con bé đặt quân cờ rất nhanh, đường đi nước bước không tính toán, thích đặt ở đâu thì đặt ở đó. Mặc dù thấy tôi giành thắng thế nhiều lần nhưng con bé không hề nao núng. Con bé có một ưu điểm lớn, đó là: Đã đặt cờ là không hối hận.

Trong khi tôi liên tục ăn cờ, con bé vẫn điềm nhiên bình thản, ngay cả một chút cũng không hề khó chịu, cũng không khóc lóc đòi chơi “ăn gian”. Mỗi khi tôi chỉ ra rằng nước cờ này không có đường lui, con bé vẫn giữ vững khí thế hiên ngang, thản nhiên để tôi ăn quân cờ của nó. Kể cả khi bị thua trận nhiều lần con bé cũng không mảy may dao động, vẫn nhiệt tình chơi cho đến lúc hạ màn.

Cuối cùng tôi để con gái tự đếm số quân cờ của mình, tất nhiên đó là khi đã thua cuộc rồi. Nhưng con bé không hề để ý đến chuyện đó, còn mãn nguyện nói: “Mẹ ơi, con vẫn còn rất nhiều quân cờ đây này!”. Tôi không biết nên khóc hay nên cười, rõ ràng chuyện thua cuộc thường khiến người ta thất vọng, nhưng con bé lại tỏ ra rất hạnh phúc. Tôi chợt nghĩ: Không hiểu thắng thua, không tính toán thành bại… cũng không phải là chuyện không tốt.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Người lớn chơi cờ sẽ theo cách hoàn toàn khác. Mặc dù ai cũng biết rằng khi đã hạ quân rồi thì không thể thay đổi, nhưng tại khoảnh khắc đặt quân cờ xuống trong lòng lại xuất hiện một khoảng trống, nhiều người thấy hối hận, ngay lập tức tìm đường lui. Đặt cờ mà hối hận, chủ yếu là vì không muốn mất đi quân cờ của mình, trong đầu chỉ nghĩ đến kết quả cuối cùng.

Người ta nói đời người cũng giống như ván cờ, từng quân được hạ xuống, qua đường đi nước bước mà thấy được thành bại. Cũng giống như khi chúng ta đưa ra quyết định trong cuộc sống của mình, không có điều gì là hoàn hảo hết, hết thảy đều là trắng đen lẫn lộn. Trên bàn cờ, hạ quân rồi có thể hối hận, nhưng trong hiện thực cuộc sống, đã lựa chọn rồi thì dù có hối hận cũng sẽ phải trả một cái giá nào đó. Nhiều khi chúng ta không thể lựa chọn lại hay bắt đầu lại từ đầu.

“Đã hạ cờ là không hối hận” không chỉ là nói về chơi cờ mà còn là về tấm lòng bao dung, không quan tâm đến thành bại. Vì thế, chỉ vài chữ rất đơn giản nhưng muốn làm được lại không hề dễ dàng. Nếu không tính toán thắng thua, không màng đến được mất, thì cuộc sống sẽ luôn bình hoà và không còn chỗ cho sự phiền não, phải vậy không?

Ngọc Linh
Theo Sound Of Hope

Exit mobile version