Đại Kỷ Nguyên

Đối mặt với cám dỗ của ma quỷ, bạn sẽ lựa chọn điều gì?

Bức tranh "Faust và Mephisto chơi cờ" (Nguồn: Wikimedia Commons).

Trong “Chuyện Kinh Thánh” nói sự sa đọa đầu tiên của con người bắt nguồn từ cám dỗ. Adam và Eva bị ma quỷ dẫn dụ, đã không vâng lời Thiên Chúa mà ăn trái cấm, từ đó bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Do đó, cũng có thể nói bước đi sai lầm của người ta bắt nguồn từ những cám dỗ.

Nhưng trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này có quá nhiều điều thu hút người ta, bao gồm tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, tuổi trẻ và tài năng. Làm thế nào có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn khi đối mặt với những cám dỗ này? Liệu tâm hồn có thực sự hạnh phúc khi theo đuổi những dục vọng? Mời bạn cùng đọc ba câu chuyện dưới đây. 

Faust 

Bài thơ “Faust” của nhà thơ người Đức Johann Wolfgang Goethe ở thế kỷ 19 nói về khế ước của nhà chiêm tinh, học giả thông minh Faust với ma quỷ. 

Một ngày nọ, ác quỷ Mephisto đánh cược với Thiên Chúa trên thiên đàng. Chúa tin rằng dù Faust bị quyến rũ hay sa ngã như thế nào, ông ta sẽ luôn tôn trọng và hướng về Ngài. Còn quỷ Mephisto nói rằng chỉ cần Chúa để hắn tự do hành động, thì Faust nhất định sẽ bị dẫn dụ đến sa đọa và sẽ làm bạn cùng ma quỷ. Vì vậy Chúa đã chấp nhận để Mephisto đến thử lòng Faust. 

“Faust trong phòng nghiên cứu” do họa sĩ Georg Friedrich Kersting vẽ năm 1829 (ảnh: Wikimedia commons).

Thời điểm này Faust đã qua ngũ tuần, ông nhận thức sâu sắc về thành quả của mình. Nhưng trong tâm luôn giằng xé hai lý tưởng: Một là muốn cố chấp nơi trần thế, đắm chìm trong say mê, dục vọng; một phần khác trong ông lại mong muốn mãnh liệt thoát khỏi phàm trần, hướng tới cảnh giới cao quý. Trong sự do dự, Faust đã ký một khế ước với Mephisto. Con quỷ sẽ làm người hầu của Faust trong kiếp này, giúp ông giải tỏa buồn chán, đáp ứng mọi nhu cầu của ông ta; nhưng nếu Faust đạt được sự thỏa mãn thì kết ước lập tức bị giải trừ, và ông sẽ phải làm nô lệ của quỷ trong kiếp tới. 

Dưới phép thuật và sự giúp đỡ của Mephisto, Faust đã lấy lại tuổi trẻ và chiếm được trái tim của thiếu nữ thuần khiết Margaret. Để được ở bên Faust, Margaret đã nghe đề nghị của ông ta là cho mẹ cô uống thuốc ngủ. Nhưng mẹ Margaret qua đời do uống thuốc quá liều; anh trai cô, Valentine, rất tức giận đã thách đấu Faust và cũng bị giết chết. Margaret rơi vào khủng hoảng hoàn toàn, cô giết đứa trẻ mang dòng máu của hai người và sau đó bị kết án tử hình. Khi Margaret bị bắt vào ngục, Faust cố gắng giải cứu người mình yêu nhưng cô từ chối. Mặc dù Faust rơi vào thống khổ nhưng khi Mephisto phủ lên người ông ta nước của dòng sông ảo giác, ông đã quên hết tội nghiệp và tiếp tục tìm vui. 

Thông qua phép thuật, ma quỷ khiến Faust được vua trọng dụng, trở về thế giới cổ chung sống với nàng Helen, người phụ nữ xinh đẹp nhất, nhưng điều này cũng không làm Faust thỏa mãn. Mãi tới khi Faust qua ma thuật biến vùng đất từ biển thành nơi sinh sống cho người dân, ông ta mới cảm thấy có chút bằng lòng và liền chết ngay lúc đó. 

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo khế ước, Faust đã thua cược và Mephisto chuẩn bị bắt linh hồn của ông ta đi. Nhưng lúc này, các thiên thần đã đến và mang linh hồn của Faust về thiên đàng. Lý do là mặc dù ma quỷ đã thắng cược trên thế giới (Faust tìm thấy hạnh phúc), nhưng vụ đánh cược trên trời lại thua (cuối cùng Faust cũng hướng về Chúa và lấy hành thiện làm vui).

Câu chuyện kỳ lạ của Peter Schlemihl

Nhà văn lãng mạn người Đức Adelbert von Chamisso, người cùng thời với Goethe, cũng đã sáng tác một tiểu thuyết có chủ đề tương tự. Tiêu đề tạm dịch của cuốn sách là “Câu chuyện kỳ lạ của Peter Schlemihl” (Peter Schlemihl’s Miraculous Story).

Câu chuyện kể về một người đàn ông tên Peter Schlemihl. Ông đã nhìn thấy trong tay ma quỷ có một chiếc túi vàng lấy mãi không hết và hy vọng mình có thể có được nó. Ma quỷ đồng ý nhưng đổi lại ông phải đưa cái bóng của mình cho chúng. Kết quả Peter bán cái bóng của mình để đổi lấy sự giàu có, và trở thành “Bá tước Peter”.

Peter bán cái bóng của mình cho ma quỷ nhưng dù trở nên giàu có, ông cũng không thực sự hạnh phúc (ảnh minh họa chụp màn hình youtube).

Tuy nhiên, điều khiến ông không ngờ là vì không có bóng, tình yêu của ông trở thành chủ đề bị bàn tán khắp thành phố. Người ông yêu từ người hạnh phúc nhất trở thành người bất hạnh nhất. Mọi người đều sợ và né tránh ông, cho dù ban ngày hay đêm tối, “bá tước” cũng không dám ra ngoài. Một năm sau, Peter quyết định cắt đứt mọi giao dịch với ác quỷ và ném đi chiếc túi vàng. Cuối cùng, Peter tìm lại cái bóng của chính mình, từ đó ông mới được sống tự do dưới ánh mặt trời. 

Chân dung của Dorian Gray

Oscar Wilde, một nhà viết kịch nổi tiếng người Anh cũng viết một cuốn tiểu thuyết có tên “The Picture of Dorian Gray” (Tạm dịch: Chân dung của Dorian Gray). Nội dung chính của cuốn tiểu thuyết là một chàng trai trẻ tên là Dorian Gray đã nhờ họa sĩ Basil Hallward vẽ cho mình một bức chân dung. Không lâu sau đó, anh thông qua họa sĩ mà quen biết với nhà quý tộc Henry Wotton. Chủ nghĩa hưởng thụ của Henry đã có ảnh hưởng đến Dorian; anh bắt đầu cho rằng vẻ đẹp là thứ duy nhất đáng theo đuổi trong đời và mong cho bức chân dung vẽ anh sẽ già đi chứ không phải là anh.

Từ đó, Gray đã bắt đầu theo đuổi mọi loại cám dỗ, sống cuộc sống xa hoa trụy lạc. Anh từng say đắm nữ diễn viên kịch trẻ Sibyl Vane, ngỏ lời yêu và muốn cưới cô, nhưng sau khi nghĩ rằng diễn xuất Sibyl không còn vẻ đẹp gì nữa, Dorian bội hôn. Và khi về nhà, Dorian nhận thấy chân dung của mình đã có thêm nét tàn nhẫn. Lương tâm dằn vặt khiến anh quyết định hoà giải với Sibyl nhưng cô đã tự tử.

18 năm tiếp theo, dù Dorian từng nếm trải mọi điều cấm kị, phi đạo đức nhưng anh vẫn không già đi, còn bức chân dung lại bắt đầu tích tụ những vết dơ bẩn và xấu xí. Khi người họa sĩ tìm đến Dorian để chất vấn, ông thấy bức tranh đã bị biến dạng hoàn toàn bởi sự suy đồi của chủ nhân nó. Dorian đã tức giận và đổ lỗi cho Basil vì đã khiến mình trở nên như vậy, sau đó đã giết Basil. 

Tạo hình Dorian và bức chân dung trong phim (ảnh chụp màn hình youtube).

Sau đó, anh bắt đầu hối hận và thức tỉnh lương tâm, nhưng bức chân dung vẫn chẳng thể trở lại khuôn mặt ngây thơ như ngày nào. Cuối cùng, Gray nhặt con dao đã giết chết người họa sĩ và chọc mạnh vào bức tranh. Bỗng người hầu trong nhà nghe thấy tiếng hét thất thanh, khi vào phòng họ phát hiện xác một ông già kiệt quệ bị dao đâm vào tim và nhận ra đó là chính là Dorian Gray. Bên cạnh là bức chân dung đã trở lại hình dáng chàng trai trẻ thuần khiết như ban đầu. 

∗∗∗

Có lẽ kết cục của những câu chuyện đã sớm có thể nhìn ra, bởi vì ngay từ khi họ thỏa hiệp với ma quỷ thì chỉ có thể rớt xuống ngày càng thấp. Con người luôn tồn tại hai mặt Thiện và Ác, khi người ta Thiện Ác bất phân, đi theo ma quỷ thì liệu có thể thăng hoa lên cảnh giới cao thượng không? Ma quỷ đã lợi dụng dục vọng, ma tính, sự nổi loạn trong con người xúi giục họ làm điều xấu, khiến họ xa rời các chuẩn mực đạo đức, xa rời Thần, cuối cùng muốn lôi những linh hồn ấy xuống địa ngục. 

Mặc dù Faust, Peter và Gray chỉ là những nhân vật trong thơ hay tiểu thuyết, nhưng họ đều phải chịu kết cục giống nhau. Họ lựa chọn bán linh hồn cho quỷ dữ và đánh mất mình trong sự cám dỗ của danh – lợi – tình; nhưng dục vọng là cái động không đáy, càng tiến sâu vào càng không thể tìm thấy lối ra. Cũng như Faust mặc dù đã có mọi thứ nhưng vẫn không thỏa mãn, chỉ khi ông ta quy chính bản thân, hướng về những điều thiện lành thì mới nhận được sự cứu rỗi của Thượng đế. 

Theo Epoch Times

Ngọc Mai dịch và biên tập

Video: Thông minh là thiên phú nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn

Exit mobile version