Đại Kỷ Nguyên

Đây là những lý do bạn thực sự đang hạnh phúc hơn 2 tỷ người khác trên thế giới

Tại sao chúng ta luôn phàn nàn, buồn bực, đau khổ vì những điều chưa đạt được trong cuộc sống? Chúng ta hãy cùng xem lại, mình đang rất may mắn và hạnh phúc hơn quá nhiều người trên trái đất này…

1. Tại sao bạn luôn buồn bực và đau khổ?

Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà để che đầu, để nghỉ qua đêm, dù đó là phòng trọ thuê…là bạn đã giàu có hơn ít nhất 1,2 tỷ người dân trên thế giới này.

(Theo thống kê của Chương trình khu định cư con người của Liên Hiệp Quốc UN HABITAT, đó là con số ước tính khiêm tốn nhất về người vô gia cư và những người sống trong các khu ổ chuột không có nhà vệ sinh, không có nước sạch trên thế giới hiện nay, những người triền miên đói khát. Chỉ riêng ở nước Mỹ, quốc gia giàu nhất thế giới, theo thống kê của, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ năm 2014, ước tính nước này có tổng cộng 578.424 người vô gia cư không nhà cửa.)

Một người vô gia cư bên “người thân” duy nhất của mình

2. Nếu bạn có tiền tiêu trong ví, có tiền bố thí cho người nghèo, có chút ít tiền gửi trong ngân hàng, bạn đã nằm trong số 4,8 tỷ người giàu nhất thế giới, và hạnh phúc hơn 2,2 tỷ người khác.

(Theo báo cáo năm 2014 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tại Tokyo ngày 24/7/2014, số người nghèo và cận nghèo trên thế giới lên tới hơn 2,2 tỷ người, với mức thu nhập trên dưới 1,25 đô la Mỹ/ngày (tương đương với 27 nghìn VND/ngày. 

Bạn ngẫm xem có phải trường hợp của mình không? Nếu bạn chưa bao giờ từ thiện cho người nghèo, có lẽ vì bạn chưa làm thôi, vậy bạn đã thuộc về 4,8 tỷ người giàu nhất trên thế giới rồi! Bạn còn phàn nàn chi nữa?)

3. Nếu sáng nay thức dậy bạn thấy khỏe hơn ngày hôm qua một chút thì bạn đã may mắn hơn ít nhất 1,2 triệu người không thể sống hết tuần này.

(Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế thế giới, mỗi năm có khoảng 65 triệu-100 triệu người chết. Mỗi giây có ít nhất 2 tạm biệt cõi đời. Bạn thấy quý ngày hôm nay của bạn chưa?)

4. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua những nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tội, đau đớn của tra tấn,hay vật vã của đói khát… bạn đã hạnh phúc hơn khoảng 600 triệu người trên thế giới này, đang chịu đau khổ của chiến tranh, tù tội, tra tấn hay đói khát, theo báo cáo của tổ chức CRIGHTS về quyền con người.

5. Nếu cha mẹ bạn còn chung sống và còn hạnh phúc bên nhau, lại cả bạn nữa, thì so với thế giới trường hợp của bạn không nhiều đâu.

6. Nếu bạn còn có thể tự do đến các tu viện, chùa chiền hay các đền thờ theo niềm tin tôn giáo của bạn mà không sợ quấy nhiễu, bắt bớ, tra tấn, hay mất mạng sống… bạn đang được may mắn hơn vô số người trên trái đất này.

7. Nếu bạn bị tắc đường và kẹt xe, đừng thất vọng. Còn rất nhiều người trên thế giới này, đối với họ, lái xe là một ước mơ không thể thực hiện.

Nick Vujicic – người không tay không chân huyền thoại

8. Nếu bạn cảm thấy học hành thật chán ngán. Hãy nghĩ đến những người cả đời không được đến trường.

9. Nếu bạn buồn vì một cuối tuần nữa lại sắp trôi qua. Hãy nghĩ đến những người phụ nữ ở môi trường làm việc khắc nghiệt, phải làm việc 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần để nuôi con.

10. Nếu bạn cảm thấy mất mát và tự hỏi mình cuộc sống là gì, và có mục đích gì? Hãy nghĩ đến những người bệnh tật, biết trước mình không còn sống được bao lâu nữa, và không còn cơ hội để tự hỏi mình nữa.

11. Nếu bạn cảm thấy khủng khiếp khi là nạn nhân của những trò đùa ác ý, những sự nhỏ mọn… của người khác. Hãy nhớ: Thế vẫn chưa là gì đâu, vì tồi tệ hơn nữa là khi bạn có thể là chính những người đó!

Hãy biết cách để nhìn lạc quan trước những vấn đề tưởng chừng tiêu cực, và không ngừng cải biến bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn, bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao!

Và cuối cùng, nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã hạnh phúc hơn hai tỷ người trên thế giới này chẳng bao giờ được đọc bất cứ thứ gì cả. Vậy thì, hãy nâng niu những gì trong vòng tay bạn, bởi vì còn rất nhiều người trên thế giới này đang ước mơ được như bạn đấy! 

Hà Phương Linh tổng hợp và biên soạn.

Các nguồn tham khảo: wikipedia, các tổ chức UNDP, WHO, CRIGHTS, UN HABITAT

Xem thêm:

Exit mobile version