Đại Kỷ Nguyên

Đạo vợ nghĩa chồng, sợi dây vô hình kết duyên trọn đời trọn kiếp

Người xưa có câu: “Đạo vợ, nghĩa chồng”. Vợ cư xử với chồng là đạo, mà chồng sống với vợ là nghĩa. Cái đạo nghĩa đó như một sợi dây vô hình nhưng ràng buộc cả hai người trọn đời, trọn kiếp…

Những câu chuyện tình yêu trong lịch sử nghìn thu nhiều vô kể…

Trước hết, hãy nói qua một chút về những câu chuyện tình yêu đã được lưu truyền trong lịch sử.

Hàng trăm hàng nghìn năm qua, trong lịch sử và truyền thuyết của nhân loại đều lưu truyền vô vàn những câu chuyện về tình yêu và hôn nhân. Trong đó, vô số cặp tình nhân đã dùng cả sinh mệnh và linh hồn của mình để diễn lại những màn vui buồn ly hợp, yêu hận tình thù, mang lại sự thi vị và làm tấm gương cho người đời sau.

Câu chuyện tình bi thương giữa Romeo và Juliet đã thể hiện một tình yêu dũng cảm có thể hóa giải sự ngăn cách và thù hận giữa hai dòng họ trên thế gian. Tình yêu giữa “Ngưu Lang, Chức Nữ” lại thể hiện rằng những người cần cù, hiếu thuận sẽ được Thần Phật chở che và nâng đỡ, câu chuyện này đã lưu lại kinh điển về tình yêu ly biệt giữa con người nơi thế gian và cõi trời.

Chuyện tình “Bá Vương biệt Cơ” (Sở Bá Vương từ biệt Ngu Cơ) đã thể hiện được cảnh người anh hùng không còn đường lui, dấn thân vào con đường sinh tử, phải từ biệt ái thiếp yêu dấu của mình. Mối tình “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” lại kể về một tình yêu chân thành, son sắt có thể vượt khỏi sự ngăn cách giữa hai cõi âm dương, linh hồn của cặp tình nhân đã hóa thành đôi bướm lung linh quấn quýt bên nhau.

Ân nghĩa vẹn toàn của Nhạc Vũ Mục, tức Nhạc Phi dành cho người vợ cũ biệt ly trong cảnh chiến tranh loạn lạc và người vợ hai không ngại nghèo khó vất vả, đã thể hiện nhân cách của bậc hào kiệt chân chính.

Còn Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân, từ bỏ cuộc sống xa hoa phú quý, vượt thoát khỏi sự ràng buộc về địa vị, tiền tài và vật chất để sống những tháng ngày cùng nhau rao bán rượu trên đường phố… đã trở thành câu chuyện tình đẹp lưu lại ngàn thu, trở thành cốt cách của bậc tài tử, giai nhân.

Những câu chuyện như vậy trong lịch sử nghìn thu nhiều vô kể. Quả đúng là:
Buồn vui ly hợp tự thiên cổ,
Truyền kỳ sử sách vẫn còn ghi.

Tây sở bá vương Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ. (Ảnh: Interrnet)

Đạo vợ chồng trong văn hóa truyền thống

Nếu tình cảm nam nữ vốn xuất phát từ sự chính trực và thuần khiết, thì kết duyên vợ chồng xuất phát từ trách nhiệm, từ sự tin yêu và trân trọng lẫn nhau. Và dẫu tình yêu có vui buồn ly hợp, thì điều mà cổ nhân muốn gửi gắm nhiều nhất, đó chính là đạo nghĩa vợ chồng trong văn hóa truyền thống xưa nay.

Cổ nhân xem hôn nhân là điều căn bản nhất của đạo lý làm người trong Đạo của trời đất. Vậy nên kết hôn cần phải bái thiên địa, bái phụ mẫu, phu thê giao bái. Mục đích của bái thiên địa chính là coi trời đất là người chứng hôn của mình, phát thệ gánh vác trách nhiệm cả đời với đối phương, để cho trời đất thần linh cùng làm chứng, giám sát hành vi của chính mình, nếu như làm trái, sẽ nhận lấy sự trừng phạt từ chư Thần.

Hôn nhân là điều cần thiết để duy trì xã hội nhân loại, cũng là lời hứa đối với thần linh, trời đất, cha mẹ, vợ hoặc chồng của mình. Tập tục và lễ nghi trong hôn lễ phương Đông và phương Tây đều là thể hiện ý nghĩa thần thánh này.

Trong quá trình hôn nhân, đòi hỏi nam nữ phải chung thủy, bất kể là bần cùng, ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn, sống chết cũng không được ruồng bỏ hay phản bội, đều phải hết lòng tuân thủ thệ ước với Thần, tương kính lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, gắn bó trọn đời, thực hiện lời thệ ước của chính mình.

Ngoài những câu chuyện được người đời ca tụng đã nói ở trên, còn có không ít những câu chuyện khác về đạo nghĩa vợ chồng được lưu truyền lại, như những tấm gương sáng cho hậu nhân:

Vợ chồng tương kính như tân

Vào triều Chu, có một nông dân tên là Khích Khuyết sống ở nước Tấn. Khích Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như hồi mới quen biết.

Một ngày nọ, vợ của Khích Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho chồng bằng cả hai tay, Khích Khuyết cũng không kém phần cung kính chìa hai tay ra nhận thức ăn.

Phu thê Khích Khuyết sống vào triều Chu. ( Ảnh: tinhhoa.net)

Ngay lúc đó, một vị quan triều đình tên Cửu Quý đi ngang qua và rất cảm phục khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cửu Quý liền bái kiến vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hết lời khen ngợi Khích Khuyết trước mặt nhà vua, ông còn tiến cử Khích Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia. Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khích Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này”.

Những diễn biến sau đó đã chứng minh Cửu Quý nói đúng. Sau khi Khích Khuyết được phong chức vị đứng đầu đại quân nước Tấn, ông đã qua tác phong chính trực mà thu phục được lòng người; Khích Khuyết còn chứng tỏ bản thân là một nhà chiến lược quân sự tài ba, và cũng là một chiến binh dũng cảm phi thường.

Lữ Khôn, học giả trứ danh ở triều Minh, thuyết rằng: 

“Một cặp vợ chồng nhìn thấy nhau mỗi ngày và hiểu quá rõ về nhau. Thế nhưng vợ chồng Khích Khuyết vẫn đối đãi với nhau bằng sự tôn kính chân thành ngay cả khi họ cùng ăn với nhau ba bữa một ngày. Một danh nhân xưa đã từng nói ‘Hôn nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự tôn trọng dành cho nhau’. Khi gia đình xảy ra bất hòa, nguyên nhân luôn bắt nguồn từ việc không tuân theo lời răn dạy của cổ nhân, rằng vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau”.

Người vợ tào khang không thể bỏ

Đại văn hào Tô Đông Pha thời Tống từng nói rằng “Cư phú quý giả bất dịch tào khang”, nghĩa là dù cho phú quý cũng không được ruồng bỏ tào khang. Tào khang trong câu nói này, chính là chỉ người vợ.

Tào khang (bã cám) là thức ăn thô mà người nghèo khổ thường dùng để lót dạ, vậy nên “người vợ tào khang” được mọi người dùng để ví von người vợ cùng chung hoạn nạn lúc nghèo hèn, lại còn được gọi là tào khang, vợ tào khang.

Yến Anh, còn gọi là Yến Tử, là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Xuân Thu. Vào thời Tề Cảnh Công nắm quyền, Yến Tử rất được Cảnh Công xem trọng.

Một ngày nọ, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách, đang uống đến lúc hăng say, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Tử, bèn hỏi Yến Tử rằng: “Người vừa rồi là vợ của khanh chăng?”.

Yến Tử đáp: “Vâng”

Cảnh Công cười nói: “Than ôi, sao lại già cả xấu xí thế này! Quả nhân có đứa con gái, trẻ trung xinh đẹp, chi bằng gả nó cho khanh vậy”.

Yến Tử nghe xong, cung kính đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc, thi lễ với Cảnh Công rồi nói:

“Muôn tâu Hoàng thượng, vợ thần bây giờ tuy đã già cả xấu xí, nhưng hạ thần đã chung sống với nàng rất lâu, tất nhiên lúc nàng còn là người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, thần cũng đã từng chứng kiến. Hơn nữa làm vợ người ta, vốn là đem cả tuổi thanh xuân gửi gắm cả đời cho đến lúc già, dung mạo xinh đẹp đã gửi gắm cho đến lúc già.

Vợ thần khi còn trẻ trung xinh đẹp, đã đem cả đời mình phó thác cho thần, thần cũng đã chấp nhận, đã cùng thần chung sống nhiều năm như vậy, Hoàng thượng bây giờ tuy ban đặc ân, nhưng Yến Anh nào có thể phản bội phó thác của nàng lúc còn trẻ đã trao cho thần?”

Thế là, Yến Tử bái lạy tạ ơn, khéo léo từ chối Cảnh Công, Cảnh Công thấy Yến Tử coi trọng đạo nghĩa vợ chồng như vậy, liền không đề cập đến chuyện này nữa.

Lại có một lần, Điền Vô Phương khuyên Yến Tử từ bỏ người vợ già của mình đi, Yến Tử nói: “Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ vợ già gọi là loạn, cưới nạp thiếp trẻ gọi là dâm; thấy sắc quên nghĩa, phú quý liền làm trái luân thường gọi là nghịch đạo. Yến Anh sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp luân lý, làm trái với đạo cổ nhân như vậy được?”.

***

Vợ chồng với nhau, vốn không phải lúc nào cũng êm đềm hạnh phúc. Tuy nhiên, “sông có khúc, người có lúc”, dù có xảy ra bất cứ chuyện gì cũng phải nên nhẫn nhịn, cư xử với nhau một cách đúng mực.

Bởi vì phải sống với nhau cả đời, vợ có trách nhiệm của vợ, chồng có cá tính của chồng, nên phải bao dung thì mới có tương dung, dù vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng thiếu thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, mới là phải đạo, mới có được một gia đình hòa thuận.

Cuối cùng, hôn nhân là đại sự cả đời, hôn nhân của đời này là được định sẵn bởi nhân duyên của đời trước. Hơn thế nữa, hôn nhân là sự giao ước lập ra có sự chứng kiến của Thần linh và trời đất, là điều không thể muốn bỏ là bỏ, muốn không trung thì không trung được.

Nhã Duyên

Exit mobile version