Đại Kỷ Nguyên

Cổ nhân diễn giải một cách hoàn mỹ đạo làm dâu

Người xưa diễn giải thế nào về đạo làm dâu? Bức tranh là một phần của "Kim đỉnh hòa mỹ đồ" do Cải Kì vẽ vào thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Chồng mất sớm, Vương thị ứa nước mắt nói với bố mẹ chồng: “Nhân gia nuôi dưỡng con trai, nguyên là hy vọng chàng có thể phụng dưỡng song thân, gánh vác gia đình, bây giờ tình cảnh thế này, thực tại không cách nào kham nổi. Con nguyện ý giống như khi chàng còn sống, chèo chống gia đình, phụng dưỡng song thân, bồi dưỡng em chồng nhỏ tuổi và con trai con.”

Thường nghe nhiều người đương đại than rằng, ngoài mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nan tương xử, thì mối quan hệ giữa chị dâu em chồng cũng thật khó tương hành. Có lẽ con người hiện đại đã quen với tập quán tư duy của xã hội đương đại, ít nghĩ đến việc đứng từ góc độ của đối phương mà xem xét vấn đề. Chúng ta hãy xem cách cổ nhân diễn giải đạo chị dâu em chồng như thế nào nhé.

Âu Dương thị đối tốt em chồng còn hơn con gái ruột của mình

Vào thời nhà Tống, có một người đàn ông tên là Liệu Trung Thần, lấy vợ là con gái của Âu Dương gia. Hơn một năm sau khi Âu Dương thị về nhà chồng, cha mẹ chồng nàng đều qua đời vì dịch bệnh, để lại một cô con gái mới vài tháng tuổi, còn đang bú mẹ. Khi đó Âu Dương mới sinh con gái nên cho hai đứa bé cùng bú. Sau vài tháng như vậy, sữa của Âu Dương không đủ cho cả hai đứa trẻ, vì vậy nàng giao con gái ruột của mình cho một người hàng xóm nuôi nấng, bản thân chuyên tâm nuôi dưỡng em chồng.

Hai đứa trẻ bằng tuổi nhau dần lớn lên, tình thương của Âu Dương dành cho em chồng còn nhiều hơn cả cho con gái ruột của mình. Con gái ruột không hiểu nên hỏi mẹ tại sao. Âu Dương nói: “Con là con gái của mẹ, cô của con là con gái của bà nội con, con còn có mẹ, nhưng cô của con đã không còn mẹ, hai người sao có thể giống nhau được?” Nói xong, nàng rơi nước mắt. Con gái hiểu ý mẹ nên từ đó phàm việc gì cũng nhã nhặn với cô, không tranh giành tật đố nữa.

Sau đó, Liệu Trung Thần trở thành một quan chức ở huyện Thanh Hà. Hai bé gái cũng đã đến tuổi cặp kè, các gia đình quyền quý ở địa phương lần lượt cử bà mai đến dạm hỏi con gái của Liệu Trung Thần. Âu Dương nói với bà mối: “Em chồng tôi còn chưa xuất giá, con gái tôi sao dám gả cho người ta trước?”

Bởi vì Âu Dương có cách nghĩ như vậy, cuối cùng một gia đình quyền quý đã cầu hôn cô em chồng. Âu Dương chuẩn bị của hồi môn hậu hĩnh cho em chồng, bao gồm mọi thứ từ phụ kiện, y phục cho đến đồ dùng hàng ngày, tất cả đều được đóng gói trong những chiếc hộp tinh mỹ để đi cùng em chồng. Sau này, khi con gái ruột đi lấy chồng, của hồi môn mà Âu Dương chuẩn bị cho con còn lâu mới bì kịp.

Cả đời Âu Dương luôn đối xử tử tế với em chồng, em chồng thường nói với mọi người: “Chị dâu chính là mẹ ruột của tôi.”

Âu Dương sau khi trăm năm, em chồng đau lòng khóc lóc đến ứa máu, lâm bệnh hơn một năm. Tình cảm của nàng dành cho chị dâu cũng vì thế mà khiến người ta rung động. Nghe nói không ai nghe thấy nàng khóc mà không rơi nước mắt.

Lã Khôn, một nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng thời nhà Minh, đã bình luận trong cuốn “Khuê Phạm” của mình: “Thế chi vi tẩu giả, thành như Âu Dương thị hiền, tắc cử thế giai nhuận nương hĩ”, đại ý là, nếu các chị dâu đều hiền thành như Âu Dương thị, thì thế nhân đều như mẹ hiền.

Tấm gương Trâu Anh 

Vào thời nhà Tống, có một người tên là Trâu Anh. Mẹ ruột của nàng, Trâu thị, là vợ kế. Nàng có một người anh cả là con của vợ cả, lấy vợ họ Kinh. Bởi vì con trưởng không phải con thân sinh của mình, bà mẹ Trâu thị không thích nàng dâu họ Kinh, thường xuyên gây khó dễ cho nàng dâu, thậm chí còn không cho nàng dâu ăn đủ.

Trâu Anh không đồng ý với cách đối xử của mẹ, vì vậy nàng thường bí mật đưa thức ăn của mình cho chị dâu. Nếu mẹ phạt chị dâu lao động, Trâu Anh sẽ làm cùng với chị dâu. Khi Kinh thị mắc lỗi, Trâu Anh luôn nhận lỗi về mình, không để mẹ nàng đổ lỗi cho chị dâu.

Một lần, khi mẹ nàng muốn đánh con dâu, Trâu Anh đã quỳ trước mặt mẹ khóc và nói: “Con gái con sau này cũng sẽ lấy chồng, nếu gặp phải một người mẹ chồng như vậy, mẹ có hạnh phúc không? Tương tâm bỉ tâm (đặt mình vào vị trí người khác), mẹ sao có thể khiến bố mẹ chị dâu ngày ngày phải lo lắng khôn nguôi cho chị ấy?” Người mẹ nghe nói vậy thì đại nộ, muốn vụt cả Trâu Anh, Trâu Anh nói: “Con nguyện ý chịu đòn thay chị dâu. Chị dâu căn bản không có tội, xin mẹ soi xét.”

Về sau, Trâu Anh được gả cho một thư sinh, cha mẹ chồng, chị dâu và các em chồng nghe nói nàng là người hiền đức, đều vô cùng kính trọng. Cả nhà trên dưới đều hòa thuận.

Một hôm, Trâu Anh bế đứa con mới vài tháng tuổi trở về nhà mẹ đẻ, chị dâu đặt đứa bé lên giường, nhưng trong một lúc vô ý, đứa bé lăn xuống đất, sưng u trán. Mẹ nàng rất tức giận, nhưng Trâu Anh đã lên tiếng bênh vực chị dâu: “Là do con đang nằm trên giường của chị dâu, sơ ý để đứa trẻ lăn khỏi giường. Chị dâu không biết chuyện gì đã xảy ra.”

Không ngờ đứa trẻ không lâu sau đó đã qua đời, chị dâu họ Kinh đau buồn đến mức không ăn không uống. Trâu Anh nhẫn nén bi thương và nước mắt vào trong, dùng lời lẽ ân cần an ủi chị dâu: “Chị dâu, chị đừng như vậy. Đêm qua em nằm mơ thấy con trai mình đáng chết, nếu không sẽ bất lợi cho em.” Cứ như vậy mà dỗ chị dâu ăn.

Trâu Anh một lần trọng bệnh, Kinh thị, người biết ơn tình nghĩa của em chồng, đã vì nàng mà ăn chay trong ba năm. Mẹ của Trâu Anh cũng rất xúc động khi biết con gái mình được nhà chồng trên dưới đều tôn trọng, sau này đã chuyển tâm, trở thành một người mẹ hết mực hiền từ.

Có người mẹ trọng đức như Trâu Anh, con trai nàng sao có thể không xuất sắc. Trong số năm người con trai do Trâu Anh sinh ra, bốn người vinh đăng tiến sĩ, còn Trâu Anh thì đắc thọ, 93 tuổi mới qua đời.

Lã Khôn nhận xét về Trâu Anh rằng: “Kỳ đa thọ đa nam đa quý tử, đãi thiên sở dĩ báo thiện nhân dư.” – Người được đa thọ và sinh nhiều quý tử như vậy, hẳn là do hành thiện được ông trời ban phúc báo. Xác thực là như vậy.

“Trần Đường Tiền” trọng nghĩa đức độ

Vào thời nhà Tống, có một cô gái họ Vương ở huyện Lạc, Hàn Châu (nay là phía bắc huyện Quảng Hán, Tứ Xuyên), trước khi xuất giá, là người rất có tiết tháo, rộng lượng và trọng nghĩa.

Khi Vương thị 18 tuổi, bà kết hôn với Trần An Tiết, người cùng quận với mình. Nào ngờ, Trần An Tiết qua đời chỉ hơn một năm sau cuộc hôn nhân của họ, để lại cho Vương thị một đứa con thơ, bố mẹ chồng cao tuổi và cô em gái nhỏ.

Cảm thụ cuộc sống quá áp lực, Vương thị ứa nước mắt nói với bố mẹ chồng: “Nhân gia nuôi dưỡng con trai, nguyên là hy vọng chàng có thể phụng dưỡng song thân, gánh vác gia đình, bây giờ tình cảnh thế này, thực tại không cách nào kham nổi. Con nguyện ý giống như khi con trai của nhị lão còn sống, chèo chống gia đình, phụng dưỡng song thân, bồi dưỡng em chồng nhỏ tuổi và con trai con.” Bố mẹ chồng mừng mừng tủi tủi nói: “Quả nhiên như vậy, như thể con trai của chúng ta chưa hề đi xa.”

Sau khi chôn cất chồng, Vương thị tự mình lo liệu việc nhà, mà bà rất có quy tắc. Bố mẹ chồng nhìn thấy điều đó trong mắt họ, trong tâm cảm thấy thập phần an ủi.

Ngoài việc phụng dưỡng bố mẹ chồng, Vương thị còn đích thân giáo dục con trai và cô em chồng nhỏ tuổi. Sau khi em chồng đến tuổi cặp kè, Vương thị tìm cho em chồng một hôn sự, chuẩn bị của hồi môn hậu hĩnh cho em.

Khi con trai lớn hơn, Vương thị thuê một danh Nho ở địa phương để giáo đạo cậu. Khi 20 tuổi, con trai bà nhập thái học để học tập, nhưng rồi đột ngột qua đời ở tuổi 30. Vương thị lại lần nữa gặp phải tai họa, nhưng bà vẫn chọn cách kiên cường đối mặt, tiếp tục nuôi dạy hai đứa cháu Trần Cương, Trần Phất của mình. Về sau, cả hai cháu đều chuyên tâm học hành và thành đạt danh vọng.

Sau khi bố mẹ chồng qua đời, em chồng dù đã kết hôn vẫn yêu cầu phân chia tài sản trong gia đình mà phần lớn là do Vương thị lao khổ làm lụng mà kiếm được. Nhưng Vương thị không thất ý, mà giao phần lớn tài sản của gia đình cho em chồng.

Thế nhưng, chưa đầy 5 năm, toàn bộ tài sản mà em chồng có được đều bị chồng phá tán, em chồng chỉ còn cách ôm con về nhà ngoại, trong lòng đầy ân hận. Đối với việc em chồng ôm con về nhà, Vương thị vẫn rất đại lượng, mua nhà mua đất cho em, hiệp trợ nuôi nấng các cháu, coi em chồng như con ruột. Từ đầu đến cuối, bà không có bất kỳ phàn nàn nào.

Vương thị cũng mở rộng vòng tay nhân ái với những người nghèo khổ trong họ hàng thân thích, tận lực giúp đỡ họ, có khoảng 30 đến 40 người đã nhận được sự giúp đỡ của bà. Thậm chí có một người họ hàng họ Cam ở cách xa trăm dặm, vì nghèo khó mà phải bán cô con gái út của mình cho một tửu gia, khi Vương biết chuyện cũng bỏ tiền chuộc lại cô con út của họ Cam.

Nhiều thiện cử nghĩa cử của Vương thị đã khiến thân hương cảm động và kính trọng, mọi người không gọi bà bằng họ mà kính cẩn gọi bà là “đường tiền”. “Đường tiền” nguyên lai là cách trẻ em gọi bậc mẫu thân ở nhà, dân làng đã dùng danh hiệu này để gọi bà, thể hiện sự tôn trọng vô bỉ đối với Vương thị.

Hành cử của Vương thị đã có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ hậu đại. Sau khi bà mất, con cháu nối dõi tông đường, ngũ thế quần cư, chung sống hòa thuận, nổi tiếng ở địa phương là dòng họ hiếu thảo, Nho nghiệp. Triều đình cũng biết sự tích của Vương gia, đặc ý hạ lệnh tuyên dương.

Lã Khôn đánh giá là: “Đường tiền hiếu dưỡng cữu cô, giáo dục tử tôn, chu tuất tông tộc, quảng thi âm công, chỉ lệ danh tiết, vô nhất bất thiện giả. Nhi cô tẩu chi tình, vưu thế sở hi.”, ý tứ là bà đường tiền hiếu dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cháu, quảng thi công đức, giữ gìn danh tiết, không điều gì bất thiện, mà tình nghĩa chị dâu em chồng cũng trọn vẹn khác thường.

Đọc xong những truyện ngắn kể trên, chúng ta có thể lý giải đạo lý tương xử mà cổ nhân tự mình triển hiện.

Tác giả: Lưu Hiểu, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version