Người xưa mỗi khi gặp nhau đều hành lễ “cúi đầu”, để bày tỏ sự tôn trọng và cung kính của bản thân. Đây được coi là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, giúp con người sống chuẩn mực, biết “kính trên, nhường dưới” và phù hợp với đạo lý làm người.
Khom lưng, cúi đầu hành lễ là một loại hình thức lễ tiết lâu đời nhất có nguồn gốc từ Trung Hoa. Loại lễ tiết này ra đời vào thời nhà Thương với ý nghĩa chủ yếu là để thể hiện sự cung kính và nhún nhường trước người khác. Khi hai người gặp nhau sẽ dùng hình thức “khom lưng, cúi người” để diễn tả và bày tỏ sự tôn kính của bản thân với đối phương.
Cuốn “Nghi lễ. Sính lễ” thời Xuân Thu Chiến Quốc có ghi chép lại rằng, vào thời ấy, mọi người khi tham gia tất cả các loại lễ mừng đều phải cử hành nghi lễ “cúi đầu”. Đến đời nhà Đường thì “cúi đầu” đã trở thành một lễ tiết phổ biến, ai ai cũng biết và đều hành lễ. Từ trẻ em đến người lớn tuổi đều hiểu rõ ý nghĩa và nghi thức của việc “khom lưng, cúi đầu”.
Nghi lễ “khom lưng cúi đầu” không chỉ được áp dụng trong những nghi thức trang trọng và nghiêm túc hay những lễ mừng lớn mà còn được sử dụng trong các hoạt động xã giao thông thường.
Lễ “cúi đầu” được chia làm hai loại: Một là “cúi ba cái” tức là trước khi cúi chào phải ngả mũ hoặc tháo khăn quàng cổ xuống, thân thể đứng thẳng trang nghiêm, mắt nhìn thẳng sau đó phần lưng ngả về phía trước khoảng 90 độ. Đó được tính là 1 lần, sau 1 lần lại đưa thân thể về tư thế ban đầu và tiếp tục làm lần 2, lần 3.
Còn một loại khác là “cúi người bái thật sâu” (thân người cúi về phía trước khoảng 15 -90 độ). Hình thức này được áp dụng trong tất cả các mối quan hệ xã giao, hoạt động thương mại…Lần đầu tiên gặp bạn, gặp đồng môn, gặp khách hàng, cấp trên, cấp dưới, gặp người lớn tuổi …đều dùng hình thức này để bày tỏ lòng tôn kính, tôn trọng đối phương.
Khi hành lễ “cúi đầu”, hai tay có thể đặt ở phần đầu gối hoặc đặt ở hai bên thân thể. Sau khi hành lễ xong, đưa thân thể về tư thế ban đầu và hướng mắt về phía đối phương. Đồng thời, lúc hành lễ, động tác không được quá nhanh, phải đoan trang, nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng đối phương.
Ngày nay, việc hành lễ “cúi đầu” đã được lưu truyền rộng rãi tại các nước phương đông. Đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân đều được giáo dục phép tắc này ngay từ nhỏ.
Người xưa quan niệm rằng, con người phải được giáo dục lễ nghĩa, đạo đức trước tiên thì lớn lên mới trở thành người có giáo dưỡng. Vì vậy, người xưa rất coi trọng nghi lễ “cúi đầu” này, bởi vì “cúi đầu” không phải chỉ là một động tác đơn thuần mà còn thể hiện phẩm chất đạo đức của một người!
Theo NTDTV
Video: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)