Đại Kỷ Nguyên

Có thể khoan dung tiểu nhân mới thành người quân tử

Giữa trời đất có dương thì ắt có âm, có quân tử thì ắt có tiểu nhân, đó là lẽ tự nhiên. Chung sống với tiểu nhân như thế nào, đó thực sự là một thử thách về trí tuệ.

Đối với tiểu nhân, tất nhiên không thể hòa đồng cùng một giuộc, cũng không cần tuyệt đường sống để người ta vào chỗ chết. Nếu hòa đồng với người ta thì thiếu mất chính khí, còn nếu bức bách tuyệt đường sống của người ta thì sẽ tự chiêu mời tai họa. Chung sống với tiểu nhân như thế nào, đó thực sự là một thử thách về trí tuệ.

Không truy cứu tội người, được người bảo vệ

Vương Dương Minh trải qua hoàn cảnh đó, đã thành công thực hiện cho chúng ta thấy đạo chung sống với tiểu nhân.

Tháng 6 năm Chính Đức thứ 14 đời Minh, Ninh Vương Chu Thần Hào khởi binh nổi loạn ở Giang Tây. Tháng 7 Vương Dương Minh bắt được Ninh Vương. Tháng 8, Minh Vũ Tông xuống chiếu đích thân xuất chinh, thực tế là muốn ngao du phương nam. Bè lũ gian thần đương thời tâm địa khó lường nên Vương Dương Minh vô cùng lo lắng. 

Lúc này vừa may có hai vị công công đến Chiết Giang, Vương Dương Minh mở tiệc khoản đãi họ ở lầu Trấn Hải. Yến tiệc được nửa chừng thì Dương Minh lệnh mọi người lui đi, rồi lấy hai hộp thư đưa cho hai công công xem, đều là những chứng cứ họ cấu kết với Ninh Vương Chu Thần Hào làm phản. Vương Dương Minh giao hết toàn bộ những thư tín này cho họ, bày tỏ không truy cứu. Hai vị công công cảm tạ mãi.

Vương Dương Minh tuy có công dẹp loạn nhưng bị một loạt lời gièm pha. Sau này ông tránh được khỏi họa hoạn cũng nhờ hai vị công công bảo vệ, giúp đỡ rất nhiều. Nếu khi đó Dương Minh đem những thư tín này để kiềm chế uy hiếp họ thì chỉ tăng thêm thù hận hiềm khích, họa hoạn vô cùng.

Đó là Vương Dương Minh chủ động tìm cơ hội hết sức tránh xảy ra xung đột trực tiếp với tiểu nhân, giành quyền chủ động cho mình. Nhưng có lúc thời cơ không nằm trong tay chúng ta, bị ép phải gặp thì ứng đối như thế nào?

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Nghĩ cho người mắc lỗi khiến việc dữ hóa lành

Tấn Quốc Công Bùi Độ đời Đường có cách nhìn thấu triệt hiểu rõ lòng người. Một lần Bùi Độ ở Trung thư tỉnh, tả hữu bẩm báo ấn quan đã mất. Bùi Độ nghe tin cũng không kinh hoàng thất sắc, chỉ răn dạy tả hữu không được truyền tin, cứ tiếp tục yến tiệc vui vẻ. Mọi người không ai hiểu ý đồ của ông. 

Lúc nửa đêm, khi rượu đã ngà ngà say, tả hữu lại đến bẩm báo nói rằng ấn quan vẫn còn. Bùi Độ không đáp, vẫn thỏa thích uống rượu vui vẻ. Người ta hỏi ông tại sao lại như vậy. Ông trả lời rằng: “Đó là những thư lại lấy trộm ấn để làm giả văn thư, cho họ chút thời gian thì sau đó sẽ để lại chỗ cũ. Nếu lục soát gắt quá thì bọn họ chỉ còn nước ném xuống sông hoặc quăng vào bếp lò để xóa hết tông tích. Nếu như thế thì quan ấn sẽ không thể nào lấy lại được nữa”.

Cách làm của Bùi Độ xem ra có vẻ trái với thường tình, bị chê là cảm tính, thực ra không phải như vậy. Đây chính là kiến thức sáng suốt thấu triệt, trí tuệ không đủ thì không thể có lòng độ lượng như thế này. Do đó nói, quân tử không may gặp tiểu nhân thì cũng nhất thiết không được xử sự như họ.

Quân tử không sợ hãi

Ngư Triều Ân cậy công ngạo mạn ngang ngược, tham ăn hối lộ không biết chán, từng bí mật sai người trộm mộ họ Quách nhưng không được. Ông ta cũng từng mở tiệc mời Quách Tử Nghi. Có người khuyên Quách Tử Nghi đi không có lợi, khuyên ông mặc áo giáp bên trong rồi hãy đi. Quách Tử Nghi không tiếp nhận ý kiến này, chỉ đem theo mấy đứa hầu nhỏ đi theo.

Ngư Triều Ân hỏi: “Tại sao tùy tùng ngựa xe ít thế này?”

Quách Tử Nghi kể lại đầu đuôi sự tình cho Ngư Triều Ân nghe. Ngư Triều Ân kinh hoàng nói: “Nếu không phải ngài nhân hậu như thế thì làm sao không nghi ngờ được”. 

***

Khổng Tử nói: “Ngài làm chính trị thì sao phải dùng đến sát hại? Ngài thiện thì dân cũng sẽ thiện. Đức người quân tử (người lãnh đạo) như gió, đức tiểu nhân (người dân) như cỏ. Cỏ trước gió thì phải nghiêng theo”.

Đối đãi với người tiểu nhân cũng phải như thế. Đuổi hết diệt sạch không cần thiết, bởi vì “người dân không sợ chết thì sao có thể lấy cái chết ra làm cho họ sợ được”.

Tiểu nhân nếu không có lòng liêm sỉ thì việc gì mà họ không làm? Do đó phải giáo hóa thay đổi tính tình của họ, dùng đức để cảm hóa người, dẫn dắt họ hướng thiện, đó mới là thượng sách.

Theo Thanh Giang – Đằng Tấn Nho Học
Nam Phương biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version