Đại Kỷ Nguyên

Cổ nhân nhìn người: Có 3 kiểu bạn không đáng kết giao

Trong quan hệ bạn bè hay quan hệ với đối tác, kết giao với người không đáng kết giao sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi, thất bại, thậm chí còn có thể gặp tai ương. Vậy những người như thế nào là không đáng để kết giao?

Cổ nhân cho rằng có ba kiểu người tuyệt đối không nên kết giao hay qua lại:

Người độc ác, vô tình với thân nhân

Thời Xuân Thu, Quản Trọng là trợ thủ đắc lực giúp Tề Hoàn Công cai trị đất nước, giúp giang sơn yên ổn, quốc thái dân an. Khi Quản Trọng ở cái tuổi gần đất xa trời, Tề Hoàn Công đã bàn bạc với ông việc chọn người kế nhiệm.

Những người mà Tề Hoàn Công tin yêu có Dịch Nha, Thụ Điêu và Khai Phương.

Dịch Nha là một đầu bếp nổi tiếng, từng tự tay giết chết con trai mình, ông thường nấu ăn rồi đích thân dâng lên cho Tề Hoàn Công. Trong khi đó, Thụ Điêu là thái giám trong triều, từng tự thiến mình để tỏ lòng trung và xin vào trong cung phục vụ Tề Hoàn Công. Ông cũng chính là hoạn quan đầu tiên trong thời Trung Hoa cổ đại. Còn Khai Phương là công tử của Vệ quốc, nhưng đã từ bỏ vương vị để đến Tề Cung làm quân sư, giúp Tề Hoàn Công đưa ra các chính sách chiến lược trong suốt 15 năm. Cho đến khi nhận được tin phụ thân qua đời, Khai Phương mới rời Tề quốc về quê hương đưa tang cha.

Tề Hoàn Công cho rằng ba người nói trên đều rất trung thành với mình và xứng đáng để tiếp quản vị trí của Quản Trọng. Nhưng khi nghe Tề Hoàn Công đề xuất, Quản Trọng liền nói: “Một người đến bản thân và thân nhân của mình còn không quý trọng thì sao có thể thực lòng yêu tổ quốc, trung thành với đế vương? Ba người này nhất định phải tránh xa”.

Sau khi Quản Trọng qua đời, Tề Hoàn Công vẫn tiếp tục trọng dụng ba người nói trên. Kết quả, họ lợi dụng lòng tin của vua mà làm loạn triều chính, khiến đất nước ngày càng tụt dốc, ngay đến cả Tề Hoàn Công cũng bị bỏ đói cho đến chết trong cung.

Cổ nhân cho rằng những kẻ mà đến người thân của mình cũng đối xử độc ác và vô tình thì không thể tin tưởng được, vì vậy nhất định phải tránh xa, không qua lại.

Ảnh minh họa: Bldaily.

Kẻ tham lam, lợi dụng người khác

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Làm việc với người tham lam, rất mệt mỏi”. Điều này có nghĩa là khi kết bạn hoặc làm việc với những người đòi hỏi quá cao thì bạn sẽ bị người đó làm cho mệt mỏi.

Xã hội luôn có những người chỉ biết đến lợi ích riêng và lợi dụng những người xung quanh để làm lợi cho bản thân mình. Trong cuộc sống, nếu kết bạn và giao lưu với những người như thế thì bạn có thể bị lợi dụng, chèn ép, lừa dối hoặc thậm chí có thể biến thành “người thế thân” cho họ trong các tình huống nguy hiểm.

Tất nhiên, người ta có thể sẽ trả lương cho bạn, nhưng bạn nên nhớ rằng số tiền đó chỉ là một khoản rất nhỏ so với những lợi ích mà họ chiếm được. Vì thế những người như vậy tuyệt đối không nên kết giao.

Người nói được mà không làm được

Tăng Tử là người nước Lỗ và là một trong 72 học trò tài năng của Khổng Tử.

Có một lần vợ Tăng Tử muốn đến kinh đô một chuyến nhưng các con khóc lóc đòi theo. Bà liền nói: “Các con cứ ngoan ngoãn ở nhà, đợi mẹ về sẽ mổ lợn cho các con ăn”.

Các con nghe nói sẽ được ăn thịt lợn liền vô cùng vui sướng và đồng ý để mẹ đi. Khi đó vợ Tăng Tử chỉ định lừa dối con trẻ một chút, không ngờ ở nhà Tăng Tử đã mổ lợn cho các con ăn thật.

Ông nói: “Hôm nay chúng ta nói dối các con, ngày mai các con cũng sẽ nói dối chúng ta, rồi nói dối cả những người khác nữa. Nếu trước mặt các con chúng ta không đáng tin, thì về sau chúng sẽ không tin chúng ta nữa, như thế hậu quả rất nghiêm trọng”.

Ảnh minh họa: EpochTimes.

Khổng Tử nói: “Người không đáng tin thì chẳng có gì cả”, nghĩa là những người không xứng đáng với lòng tin của người khác thì làm gì cũng chẳng thuận lợi, nói được làm được thì thành công nhất định sẽ đến.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không có lòng tin thì đừng nên thề thốt trước mặt người khác. Những người nói được mà không làm được thường bị nhìn nhận là không đáng tin, từ đó về sau sẽ không còn ai tin tưởng nữa.

Người không đáng tin, không có trách nhiệm, nhất định không nên qua lại hay kết giao.

Ngọc Linh
Theo forhuaren

Exit mobile version