Thất huyền cầm hay cổ cầm là một nhạc cụ cổ truyền có 7 dây thuộc họ đàn tam thập lục, đây là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất, gắn liền với lịch sử nền văn minh 5000 năm của Trung Hoa, và cũng là một trong những nhạc cụ hay nhất của nhân loại.
Thời xưa tại Trung Quốc, Cầm – Kỳ – Thi – Họa được coi là 4 kỹ năng cần có ở một văn nhân, giới trí thức, và những người có văn hóa. Nó giúp họ tu thân, nuôi dưỡng thiện tính và giữ một tâm hồn thanh cao, khoáng đạt. Chính bởi vậy, các học giả và các nhà hiền triết coi thất huyền cầm là nhạc cụ đặc biệt để gửi gắm trong âm thanh của nó những tinh hoa của văn hóa thần truyền.
Văn hóa thần truyền Trung Quốc tự nó có nội hàm vô cùng thâm sâu, về Cổ Cầm mà nói, cũng không chỉ đơn giản là vì giải trí mà xuất hiện. Người xưa trước khi đánh đàn, phải thắp hương đả tọa, tịnh tâm điều hòa hơi thở rồi mới gảy đàn, hơn nữa các bài nhạc tấu cũng không phải vì tiêu khiển mà xuất hiện, mà phải tuân theo “cầm giả, cấm dã, cấm chỉ vu ác, dĩ chính kỳ tâm” (người chơi đàn, cấm kị, cấm chỉ làm việc ác, để giữ cho cái tâm của bản thân được ngay chính), trong đó cũng đã bao hàm thành phần tu tâm, ngày nay trong thưởng thức âm nhạc, đã không còn mấy người có thể đạt đến cảnh giới cao của đàn cổ cầm nữa, cũng là vì “tâm pháp” này đang ngày càng bị thất truyền.
Thất huyền cầm có chiều dài khoảng 1,2 mét, với đầu đàn, cổ đàn, thắt lưng, và đuôi đàn giúp tạo hình tựa hình chim phượng hoàng cao quý. Bề mặt cong phía trên tượng trưng cho Trời, trong khi mặt dưới phẳng phía dưới tượng trưng cho Đất.
Một đoạn nhạc Thất Huyền Cầm
Ban đầu đàn có tên là Dao Cầm, gồm 5 dây: Cung – Thương – Dốc – Chủy – Vũ đại diện cho ngũ hành: kim mộc thủy hỏa thổ. Vào khoảng 1.000 TCN, cổ nhân thêm vào chiếc đàn hai dây Văn – Võ, nên còn gọi là Thất huyền cầm (tức đàn 7 dây). Ngày nay, dây đàn lụa trước đây cũng được thay thế bằng dây thép mảnh.
Với hơn 1.000 kỹ thuật ngón tay khác nhau, Thất huyền cầm là một trong những nhạc cụ khó học nhất trên thế giới. Loại đàn này đòi hỏi sự phó xuất rất lớn từ người học để có thể làm chủ nó. Các tay được sử dụng với kỹ thuật tuốt, thu, trượt, đẩy, và rung dây đàn để tạo ra một loạt các âm thanh, từ dòng nước chảy, tiếng lá rơi, tiếng gió thổi… với đủ các sắc thái vô cùng đa dạng.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, khi mọi người tập trung vào việc chơi các nhạc khúc êm ái, bình hòa, nó rất giống với trạng thái thiền định và có thể đưa họ đến những cõi tâm linh khác nhau. Đó là một cách để tu luyện bản thân mình.
Có rất nhiều điển cố nổi tiếng về Cổ Cầm, nổi tiếng nhất phải kể đến câu chuyện Cao Sơn Lưu Thủy. Tài gảy đàn của Du Bá Nha cao siêu, có một lần đang gảy đàn, có một người tiều phu tên Chung Tử Kỳ nghe thấy, khi tâm tình Du Bá Nha đang trên cao sơn, Chung Tử Kỳ ngâm nga: “Hay cho tài gảy đàn, sừng sững như núi cao”. Khi tâm trí Du Bá Nha đang ngao du tại lưu thủy, Chung Tử Kỳ ngâm nga: “Hay cho tài gảy đàn, dạt dào như nước chảy”. Từ đó hai người kết bạn, trở thành tri âm. Sau đó Chung Tử Kỳ qua đời, Du Bá Nha cảm thấy không còn ai có thể nghe hiểu được tiếng đàn của ông nữa, thế là ông đã hủy cây đàn đi, từ đó về sau không gẩy đàn nữa.
Thời Minh Thanh có người viết cuốn tiểu thuyết “Du Bá Nha đập đàn tạ tri âm”, chính là viết về câu chuyện này, do đó trong văn hóa truyền thống Cao Sơn Lưu Thủy cũng để chỉ về tri âm. Họ quả thật đã đạt được một cảnh giới cao trong thưởng thức âm nhạc và hoàn toàn hòa làm một với cây đàn. Cao sơn lưu thủy đã trở thành tên của một bản nhạc chơi trên đàn cổ cầm nổi tiếng. Bản cổ nhạc này mang tính nghệ thuật rất cao mà không phải ai cũng có thể hiểu được.
Nghe bản nhạc cổ “Cao sơn lưu thủy”
Bản nhạc “Thập diện mai phục” miêu tả tình cảnh quyết chiến oanh liệt cuối cùng của chiến tranh Sở Hán vào năm 202 trước công nguyên. Trận ấy, tứ diện Sở ca, bốn bề mai phục, Hạng Vũ phải tự tử ở Ô Giang, Lưu Bang giành được thắng lợi. Theo GS Trần Văn Khê thì “Thập diện mai phục” là một trong những bản khó đàn nhất, đặc biệt từ chương Ba đến sau có mấy đoạn khi đàn phải chen ngón giữa của bàn tay trái vào các dây làm âm thanh phát ra đục và giống như tiếng gươm giáo chạm nhau, như Nguyễn Du đã tả khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe khúc này:
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Hạng Vũ trước lúc tự vẫn bên bờ sông Ô Giang sau trận Cai Hạ nổi tiếng lịch sử. (Ảnh: Sohu)
Một đàn thất huyền cầm có niên đại 2.500 năm, đã được khai quật tại ngôi mộ của Trung Quốc, và nhiều thư tịch cổ Trung Quốc từ khoảng 3.000 năm trước đây đã đề cập đến việc chơi loại đàn này.
Năm 1977, một đoạn của bản nhạc “Lưu Thủy” được chơi bởi nghệ nhân Thất huyền cầm nổi tiếng – Quan Bình Hồ, đã được NASA gửi phát vào không gian thông qua các tàu thám hiểm Voyager 1 và Voyager 2.
Bản nhạc đã được gửi vào vũ trụ cho những người anh em xa xôi. (Ảnh: Pics about space)
10 năm trước, vào năm 2006, Thất huyền cầm chinh thức được UNESCO công nhận là một trong những “kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.”. Và mặc dù thường được tranh luận của nhiều học giả khác nhau, nguồn gốc của thất huyền cầm cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Nghe bản nhạc từ Thất Huyền Cầm: “Hope teacher to go home”
Hoài Anh biên dịch
Xem thêm: