Đại Kỷ Nguyên

Chuyện Kinh Thánh (Kỳ 12): Chút lý giải về mối hiềm khích xa xưa giữa Ả Rập và Do Thái

Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Kỳ 12: Các con trai của Apram: Chuyện Hagar và Ishmael

Abraham một trăm tuổi khi ông cùng Sarah sinh cậu con trai Isaac. Chúa đến thăm Sarah như Ngài đã báo trước, và Ngài làm trọn lời hứa lâu năm chờ đợi đó. Như thế, Sarah sinh một đứa con trai cho Abraham trong tuổi già của ông, đúng vào ngày giờ Chúa đã nói.

Sarah nhớ lại bà đã cười ra sao khi nghe trộm lời tiên tri của người lạ đang ngồi nghỉ dưới tàng cây. Lúc đó, nụ cười của bà hàm chứa nỗi đắng cay của lòng không tin tưởng, nhưng lúc này, bà cười với tâm hồn chan chứa hạnh phúc. “Thiên Chúa đã ban cho tôi lý do để mà cười, tới nỗi ai nghe tiếng tôi cười cũng đều bật cười với tôi,” bà nói một cách hoan hỉ. “Ai dám nghĩ rằng Sarah sẽ cho Abraham một đứa con và rằng hai chúng tôi đã già?”.

Cậu bé Isaac lớn lên và rời hai cánh tay bồng ẵm của mẹ. Khi cậu tới ngày thôi nôi, lớn vừa đủ đi chập chững dò dẫm khu lều trại bao la và cây cao che bóng mát, Abraham quyết định đã tới lúc con ông khá lớn, có thể ra mắt các bạn ông và người bà con trong các khu lều trại gần đó. Ông tổ chức tiệc mừng rất lớn. Đôi cha mẹ già ấy lòng chan chứa niềm kiêu hãnh thầm lặng về đứa con trai nhỏ của mình. Đây là cơ hội liên hoan tuyệt vời, nhưng chẳng may, bất ngờ xảy tới một điều làm cho kẻ thấy mình lý ra hạnh phúc nhất lại cảm thấy mất hoan hỉ. Sarah thấy đứa con trai của người phụ nữ Ai Cập Hagar đùa nghịch với cậu nhỏ Isaac. Lúc đó Ishmael là một cậu bé mười bốn tuổi, và Sarah không thích cách cậu cư xử với con trai nhỏ của bà.

Mọi người đều vui mừng khi thần tích triển hiện với vợ chồng Abraham. (Ảnh minh họa: jw.org)

Bà nổi giận nói với Abraham: “Ông hãy đuổi người đàn bà Ai Cập ấy và đứa con trai của nó đi! Con trai của tôi sẽ không lớn lên với thằng bé đó, và con trai của người đàn bà ấy không phải là người hưởng thừa tự chung với Isaac. Hãy đuổi hai mẹ con nó đi khỏi đây!”.

Đây là điều rất khó yêu cầu nơi Abraham. Trong cuộc sống, ông không đòi hỏi gì nhiều, ông chỉ muốn mọi người sống theo đường lối của Thiên Chúa và sống an lòng. Ông yêu Sarah thắm thiết và sẵn sàng làm bất cứ việc gì trong khả năng của mình để bà được hạnh phúc. Tuy vậy, ông cũng yêu cậu con Ishmael của mình và không muốn đuổi cậu đi khiến cậu có thể lâm nguy, vì thuở đó, những ai sống hoặc đi đường xa mà không được bảo vệ thì thế nào cũng sẽ gặp không chuyện này thì chuyện nọ. Dù không có vấn đề gì nguy hiểm, ông cũng không muốn đối xử thái quá với Hagar và đứa con trai của nàng. Và ông sẽ vuột mất đứa con trai này. Do đó, Abraham cảm thấy cực lòng quá sức.

Thiên Chúa thấy nỗi thống khổ ấy của ông và bảo ông chớ đau lòng. “Người hãy nghe lời Sarah,” Chúa nói. “Ngươi hãy làm bất cứ điều gì bà ấy nói. Và chớ sầu khổ vì cậu bé đó hoặc vì người đàn bà đó. Chính với Isaac mà ta có lời giao ước của ta, và chính qua Isaac mà tên của ngươi được biết tới mãi mãi và dòng giống của ngươi sẽ được chúc lành. Còn về Ishmael, đứa con trai của người đàn bà Ai Cập, ta cũng sẽ làm cho nó nên một dân tộc vĩ đại vì nó là con của ngươi. Do đó, ngươi chớ lo sợ gì cho Hagar và Ishmael”.

Sáng sớm hôm sau, con tim của Abraham vẫn nặng trĩu khi ông thức dậy thật sớm để từ biệt Ishmael và người đàn bà cùng đi từ Ai Cập đã sinh con cho ông. Nhưng lòng ông đã bớt đau đớn và không còn lo sợ cho hai mẹ con nữa. Ông lấy bánh dự trữ ra, đưa cho Hagar, đặt lên vai nàng bình nước; và ông tiễn biệt nàng cùng đứa con trai đi.

Abraham tiễn biệt nàng Hagar và con trai Ishmael. (Ảnh minh họa: radiomaria.org)

Hagar đem con ra khỏi nhà Abraham, đi suốt nhiều ngày, nhắm hướng quê nhà Ai Cập đường xa diệu vợi, nằm bên kia sa mạc Beersheba. Trong sa mạc, hai mẹ con đơn chiếc lang thang, không người giúp đỡ, đi mãi đi hoài không ai cho lương thực hoặc một chỗ nghỉ ngơi. Rồi đến ngày hết thức ăn và bình nước cạn tới giọt cuối cùng. Họ tiếp tục bước, càng lúc càng chậm hơn, tìm cho thấy một giếng nước hoặc một con suối để ít ra là được uống. Nhưng chẳng thấy nơi nào có nước; không có gì cả trừ mặt trời nóng bỏng sáng rực trên đầu, sa mạc cát cháy chói chang lung linh với hơi nóng và những bụi cây thấp lè tè hoàn toàn không cho được chút bóng mát nào, và chung quanh không rịn ra được một giọt nước nào.

Lê bước chân đi, khi ngã xuống khi gượng đứng lên, hai mẹ con vẫn trông mong đâu đó có người xuất hiện giúp đỡ mình. Cuối cùng, Hagar không cất bước nổi nữa. Nàng và cậu bé Ishmael ngất người vì không thức ăn chẳng nước uống, kiệt sức vì đường xa như vô tận và không ai hộ trì mình. Niềm hy vọng tan biến, cơ thể suy sụp, hai mẹ con nằm yên tại chỗ vừa ngã xuống trên mặt cát nóng bỏng. Hagar nghỉ ngơi một chút, lấy hơi sức để làm điều có tránh cũng không được.

Với con tim gần như tan nát, nàng âu yếm để đứa con trai mình nằm dưới một bụi cây mong sao nếu chẳng có gì thì nó ít ra cũng được chút bóng mát còm cõi của bụi cây làm dịu người. Rồi nàng đứng lên quay lưng đi thẳng, đi xa hết sức xa có thể, nhưng nàng chỉ đi tới được ngang chừng tầm bắn một mũi tên. Thế thôi. Nàng mệt ngất người và tim đau nhói, không thể nhấc thêm được bước chân nào.

Nhưng nàng cũng không thể lê nổi thân mình trở lại bụi cây vừa rồi để nhìn sự đau khổ của Ishmael. Nàng ngồi phệt xuống, nước mắt chảy giàn giụa trên mặt. “Tôi không thể chịu nổi khi nhìn đứa con trai của tôi chết,” nàng nức nở và quay đầu sang chỗ khác. Tận đáy lòng, nàng chắc chắn con mình sẽ không kéo dài được lâu, và rồi chẳng bao lâu nữa, nàng cũng sẽ chết theo.

Nhưng Thiên Chúa không quên nàng hoặc không quên lời Ngài đã hứa với nàng và Abraham; hai mẹ con nàng không cô đơn và lạc loài trên sa mạc. Ngài đã nghe tiếng của họ, và Ngài trả lời.

“Hagar! Chớ sợ, vì ta đã nghe tiếng của đứa bé ngay nơi nó đang nằm. Hãy trỗi dậy! Đỡ đứa bé lên, giữ chặt nó trong tay, vì hai mẹ con ngươi sẽ được cứu, và ta sẽ khiến con ngươi thành một dân tộc vĩ đại”.

Thiên chúa đã không quên lời hứa của ngài, cứu giúp hai mẹ con Hagar. (Ảnh minh họa: lds.org)

Rồi Thiên Chúa mở mắt nàng ra và nàng thấy một giếng nước. Với sinh lực mới, nàng đứng lên, đổ nước đầy bình, đưa tới cho con uống. Xong, cả hai mẹ con tiếp tục cất bước, nhưng không đi tới Ai Cập xa xôi. Hagar kết thúc cuộc hành trình lang thang của mình khi họ tới Hoang địa Paran và làm nhà cho nàng cùng con cư ngụ trong miền đất hoang dã đó.

Thiên Chúa trông nom họ trong ngôi nhà cô quạnh ấy và giữ cho họ không bị cái gì có thể làm hại. Cậu bé Ishmael lớn lên, to cao dũng mãnh, trở thành một thợ săn thiện xạ sử dụng cung và tên. Mẹ cậu cưới cho cậu một người vợ gốc xứ Ai cập; chẳng bao lâu, hai vợ chồng sinh con đẻ cái. Các con trai của Ishmael là dân sống ngoài trời, cường tráng mạnh bạo chẳng kém cha mình. Chúng gồm cả thảy mười hai ông hoàng và mười hai thị tộc. Và như thế, từ Ishmael, ra đời một dân tộc.

Lời bàn:

Có những điều trong con mắt người thường nhìn là loạn, thực ra nó lại có trật tự phi thường. Và trong những an bài với sự phi thường ăn khớp đó của các Đấng Cao Cả, chính thái độ con người – dù không thể ảnh hưởng đến toàn cục đã được an bài – lại quyết định số phận của con người ấy trong những an bài về sau, trong những kiếp sau.

Đấy là ý nghĩa của câu nói của thi hào Nguyễn Du: “Có trời mà cũng có ta”.

Chúng ta hãy thử phân tích theo dòng sự kiện. Thiên Chúa đã hứa cho Abraham và Sarah một đứa con để thừa kế sản nghiệp và chính tín của dòng giống Do Thái. Nhưng Ngài không nói là bao giờ. Còn Abraham và Sarah thì cứ chờ, chờ mãi… cho đến khi Sarah mất cả kiên nhẫn. Bà bắt đầu suy diễn theo logic của người thường. Và còn cười chê lời Thiên Chúa nữa.

Nhưng lý do gì cho sự muộn màng đó?

Ấy là vì ngoài Isaac, đứa con của lời hứa, Abraham còn phải trở thành cha của Ishmael và tổ phụ của cả người Do Thái lẫn người Ả Rập. Đấy cũng lại là một lời hứa khác của Thiên Chúa với Abraham như bạn đọc đã xem trong các kỳ trước. Rồi trước đó, Thiên Chúa qua ngôn sứ của mình cũng phải thực hiện một lời hứa khác với Hagar trong lần đầu tiên nàng bị Sarah đuổi ra khỏi nhà. Ấy là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va lại phán rằng: Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi người ta đếm không đặng nữa. Lại phán rằng: Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi”. Xin xem Chương 16, Sáng Thế Ký, Thánh Kinh Tiếng Việt.

Và tất nhiên thì, nếu đã an bài để hai mẹ con Hagar phải ra khỏi nhà Abraham để từ đó dòng giống Ả Rập của Abraham mới phát triển lớn mạnh “đến nỗi đếm không đặng nữa”, thì đứa trẻ cũng phải đủ cứng cáp để lội bộ trong sa mạc chứ!

Đó là lý do mãi tận 14 năm sau, Thiên Chúa mới ban cho vợ chồng Abraham-Sarah một đứa con như đã hứa. Trong 14 năm đó, thì Abraham cũng vẫn luôn có một đứa con trai Ishmael bên mình để yêu thương rèn cặp, đặng sau này nó đủ cứng cáp mà tự thân lập thân. Thiên Chúa không chỉ an bài một sự việc, thực hiện một lời hứa với một người mà với nhiều sự việc, nhiều người. Con người có nhìn ra được điều đó không hay chỉ biết oán trách và nghi ngờ Thiên Chúa khi mong ước của mình chưa thành hiện thực?

Mọi việc tưởng chừng như ngẫu nhiên, thực ra đều có sự sắp xếp an bài từ Thiên Chúa. (Ảnh minh họa: asspicvie.pw)

Tất nhiên, con người không thể thay đổi được kết quả đã an bài ấy của Thiên Chúa hay nói chung là các vị Thần. Nhưng họ có sự tự do ý chí của mình, sự tự do thể hiện thái độ của mình trong an bài ấy. Cái thái độ đó của họ, tùy theo mức độ tốt xấu, sẽ quyết định số phận của họ trong các an bài tiếp theo.

Thái độ ấy của Sarah là gì? Sự ghen tuông, tâm lý “hai gái lấy chung một chồng”, sự tranh chấp của cải và địa vị của mình và dòng giống của mình trong cái gia tộc đó.

Giả sử nếu Sarah vẫn hòa thuận, vui vẻ với hai mẹ con Hagar, thì thế nào cũng sẽ vì một lý do nào đó mà hai mẹ con Hagar phải đi khỏi nhà để sinh cơ lập nghiệp ở một nơi khác. Vì điều đó đã được an bài. Vì đã an bài rồi, nên Thiên Chúa mới bảo Abraham có thể nghe lời bà vợ Sarah. Nếu không hiểu lý do ấy thì người thiếu đức tin sẽ cho rằng đó là một việc vô đạo đức. Nhưng nếu Sarah không trực tiếp gây ra vấn đề đó trên logic bề mặt của sự việc, thì cá nhân Sarah sẽ tránh được cái nghiệp quả từ hành động, thái độ không tốt của mình.

Lại nói chuyện mối hiềm khích của người Ả Rập với người Do Thái có phải từ sự việc này không? Trên bề mặt thì là như vậy. Nhưng điều đó chẳng phải cũng đã được an bài rồi sao? Hãy đọc Sáng Thế Ký, chương 16 bản Kinh Thánh Tiếng Việt thì sẽ rõ.

“Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông đối mặt cùng hết thảy anh em mình”. Ngôn sứ đã nói với Hagar về Ishmael, ông tổ của người Ả Rập như vậy.

Xin bạn đọc nhớ cho rằng: Đa số người Ả Rập theo Đạo Hồi chứ không phải tất cả. Cũng không phải tất cả người Ả Rập ghét người Do Thái và ngược lại. Nhưng trong Kinh Koran của Đạo Hồi, tôn giáo chính của người Ả Rập, có nhiều điểm giải thích bất đồng với Kinh Thánh. Chẳng hạn, họ cho rằng Ishmael mới là đứa con mà Thiên Chúa đã hứa cho Abraham chứ không phải Isaac. Gọi là “con trai của lời hứa”. Do vậy, ông tổ Ishmael của họ mới xứng đáng được hưởng hết ân huệ về địa vị và quyền lợi từ tổ phụ Abraham.

Lại là một vụ kiện phế trưởng lập thứ chăng?

Nhưng điều này không hoàn toàn giải thích cho mâu thuẫn gay gắt giữa người Ả Rập và người Do Thái hiện nay. Trong lịch sử hàng ngàn năm tại Trung Đông, người Ả Rập và người Do Thái đã sống trong mối liên hệ tương đối hòa bình và không có những đối kháng gì với nhau. Chỉ đến sau Thế Chiến II, khi Liên Hợp Quốc quyết định lấy một phần nước Israel cho người Do Thái, vùng đất lúc ấy đang thuộc về người Palestin, dòng giống Ả Rập, thì mới khơi dậy sự chống đối từ những nước Ả Rập xung quanh. Và như chúng ta đã biết đã có những cuộc chiến giữa quốc gia Do Thái và các quốc gia Ả Rập vào những năm 1967, 1973 và dai dẳng tranh chấp suốt từ đó đến nay.

Cũng là một cái loạn trong trật tự khác mà người thường chúng ta không nhìn ra được.

Nhưng thôi, với sự việc đó chúng ta cũng chỉ biết lặng thầm cầu nguyện cho họ có thể bình tâm mà giải quyết với nhau theo cách hòa bình. Chúng ta hãy quay lại với diễn biến câu chuyện trong kỳ tới để biết được lý do vì sao trong Thiên Chúa Giáo, người ta đã coi Abraham là một người ngoan đạo nhất, người đã trải qua thử thách kinh tâm động phách về đức tin với Thiên Chúa.

Bình Nguyên

Exit mobile version