Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện xưa về “Xuân Thu Ngũ Bá” để lại cho hậu nhân những bài học đáng giá (P.1)

Theo “Sử ký” ghi chép, “Xuân Thu Ngũ Bá” là chỉ 5 vị bá chủ thời Xuân Thu, bao gồm: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Tống Tương Công. Mỗi nhân vật đều để lại một câu chuyện ý nghĩa đều là bài học đáng giá cho hậu nhân. 

Điển tích xưa kể rằng, thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Hầu Cơ Xương khi đi săn, gặp Khương Thái Công (hay còn gọi là Lã Vọng) đang ngồi câu cá ở phía bắc sông Vị. Sau cuộc gặp gỡ, Tây Bá Hầu rất hài lòng và ngưỡng mộ tài năng của Khương Thái Công. Tây Bá Hầu cảm thấy rằng Thái Công không hề tầm thường, ông như thể là một vị Thánh nhân, vậy nên quyết định đích thân đến nhà mời Khương Thái Công làm quân sư trợ giúp mình. Nhưng Khương Thái Công lại muốn Cơ Xương tự mình kéo xe mới bằng lòng chấp nhận.

Tây Bá Hầu Cơ Xương luôn trọng người hiền tài đức độ, không nói gì thêm liền mời Khương Thái Công lên xe. Hậu nhân sau này thường có câu thơ rằng:

Lễ sỹ tôn hiền ấy Văn Vương
Dựng nghiệp nhà Chu tám trăm năm.
Bề tôi trên xe ngồi ngắm cảnh,
Quân vương kéo xe chạy trên đường.

Có người nói 301 bước đầu tiên Văn Vương bước đi rất thận trọng vững chắc, thế nên “Tây Chu” dân giàu nước mạnh, phồn vinh hưng thịnh 301 năm;  507 bước sau đó thì lảo đảo nghiêng ngả, cho nên trong lịch sử 507 năm thời Đông Chu mới xuất hiện “Chiến quốc thất hùng”, “Xuân Thu Ngũ Bá”.

Tây Bá Hầu Cơ Xương kéo xe mời Khương Thái Công xuống núi. (Ảnh: soundofhope.org)

Chu U Vương (771 – 781 TCN) là vị quân vương cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Tây Chu, từ đây mở màn cho thời kỳ Xuân Thu, Thiên tử suy yếu, chư hầu hưng thịnh: Chu Vương thất thế binh lực suy yếu, quyền uy không còn nên không thể chấn chỉnh thiên hạ và hiệu triệu chư hầu. Vậy nên một số nước chư hầu hùng mạnh vì tranh đoạt thiên hạ mà mở ra thời kỳ tranh bá đoạt vị vô cùng quyết liệt, cùng nhau liên kết tung hoành ngang dọc, đánh Đông dẹp Bắc, trong đó có một số chư hầu lần lượt trở thành bá chủ mỗi phương.

Theo “Sử ký” ghi chép, “Xuân Thu Ngũ Bá” là: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Tống Tương Công. Dĩ nhiên các phiên bản khác nhau cũng có chỗ khác biệt.

1. Tề Hoàn Công biết cách trọng dùng người tài nhưng đến cuối đời lại tín dùng kẻ tiểu nhân, để rồi nhận lấy kết cuộc bi thảm

Tề Hoàn công (715 –  643 TCN), tên thật là Khương Tiểu Bạch, là con thứ của Tề Hy Công và là em của Tề Tương Công, mẹ ông là người nước Cử. Ông là vị quân chủ thứ 15 của nước Tề – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 685 TCN đến năm 643 TCN, tổng cộng 42 năm. Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Ông thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách Ngũ bá.

Tề Hoàn Công là cháu đời thứ 12 của Khương Thái Công Lã Thượng. Sự nghiệp tranh đoạt ngôi vị của ông và công tử Củ bắt đầu từ khi anh trai cả Tề Tương Công và Công Tôn Vô Tri lần lượt chết vì nội chiến.

Tề Hoàn Công từng nói với Bào Thúc Nha: “Quản Trọng từng bắn ta một tên, mối thù này ta chưa quên, mũi tên ta vẫn còn giữ, làm sao có thể dùng hắn được? Đợi hắn về đây, ta sẽ xé hắn ra trăm nghìn mảnh”.

Bào Thúc Nha đáp: “Dĩ nhiên vì Công tử Củ, ông ta đã bắn quân thượng, bây giờ nếu ngài trọng dụng ông ta thì ông ta sẽ vì ngài mà đem mũi tên đó bắn cả thiên hạ!”.

Thế nên mặc dù Quản Trọng là kẻ thù của Tề Hoàn Công, nhưng lại được Tề Hoàn Công trọng dụng phong làm tể tướng, thúc đẩy cải cách, thực hành chính sách kết hợp quân sự và chính trị, chế độ quân dân hợp nhất, nước Tề từng bước hùng mạnh.

Năm 681 TCN, Hoàn Công cùng bốn nước chư hầu Tống, Trần, Thái, Chu hội họp tại Bắc Hạnh để dẹp yên loạn lạc. Sau khi nước Tống vi phạm hiệp ước đồng minh, Tề Hoàn Công lấy danh nghĩa Chu Thiên tử và một số các nước chư hầu cùng xuất quân chinh phạt Tống, khiến cho nước Tống phải cầu hòa, đây là lần đầu tiên “Chín nước chư hầu hội hợp”. Năm 679 TCN, Tề Hoàn Công và các nước chư hầu cùng đồng ý hợp tác liên minh tại Quyên Thành (một huyện ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), bắt đầu từ đây Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Mặt khác, Tề Hoàn Công còn tiêu diệt các nước nhỏ như Đàm, Toại, Chương. Dưới chính sách quản lý tài tình của Quản Trọng, nước Tề quốc lực phát triển không ngừng, trở thành cường quốc hùng mạnh.

Quản Trọng có một câu nói rất nổi tiếng: “Kho đầy mới biết lễ tiết, áo cơm đủ mới biết vinh nhục”, cũng chính là: Dân chúng chỉ có trước tiên được ăn no, mặc ấm rồi mới biết lễ tiết, mới nghĩ đến vinh nhục.

Từ khi đào thoát chạy nạn giả chết, đến lúc đoạt được ngôi vị và trọng dụng cừu địch, cho đến cuối cùng trở thành bá chủ xưng hùng, Tề Hoàn Công mang trên thân một tấm lòng rộng mở độ lượng bao dung, hoàn toàn đủ tư cách khiến cho ông trở thành người đứng đầu trong Ngũ Bá. Đương nhiên, cũng có người nói Tề Hoàn Công xưng bá là do may mắn được Quản Trọng trợ giúp. Nhưng nếu như Tề Hoàn Công chẳng biết cách dùng người, thì Quản Trọng cũng không có cơ hội để phát huy tài năng. Chỉ tiếc sau khi Quản Trọng mất, lúc tuổi già Tề Hoàn Công lại tin dùng kẻ tiểu nhân, cuối đời phải chết thảm, có thể nói khí tiết tuổi già khó lưu giữ, không thể so với trước đây.

Tề Hoàn công được coi là vị quân chủ có lòng bao dung nhất thiên hạ thời bấy giờ và có cương vị bá chủ chư hầu lâu nhất. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

2. Tấn Văn Công quang minh chính đại, quyết đoán chuẩn mực

Tấn Văn Công (671 – 628 TCN) họ Cơ, tên Trùng Nhĩ, con trai trưởng của Tấn Hiến Công. Ông là chính trị gia trứ danh vào thời kỳ Xuân Thu, lưu vong 19 năm, được các thủ hạ Triệu Thôi (tiên tổ nước Triệu), Hồ Yển, Giả Đà, Tiên Chẩn, Ngụy Vũ Tử (tiên tổ nước Ngụy), Giới Chi Thôi phò tá trở thành một trong Xuân Thu Ngũ Bá.

Có người nói Tấn Văn Công Trùng Nhĩ lưu vong lận đận bên ngoài 19 năm, từ khi “Ly Cơ gây họa loạn” ông bắt đầu sống kiếp lưu vong. Khi trở về nước Tấn đoạt lại ngôi vị, lúc này ông đã 63 tuổi. Cha ông là Tấn Hiến Công vì sủng ái Ly Cơ người nước Nhung nên đã giết hại Thái tử Thân Sinh và lập Hề Tề làm Thái tử, thế nên Trùng Nhĩ và em trai Di Ngô buộc phải trốn chạy sang quê mẹ. Tấn Hiến Công sau khi chết, nước Tấn rơi vào nội loạn, Di Ngô lên ngôi lấy danh hiệu Tấn Huệ Công, nhưng sau đó lại sai người ám sát Trùng Nhĩ. Thế là trong 19 năm Trùng Nhĩ phải lưu vong khắp 8 nước chư hầu. Cuối cùng dưới sự giúp đỡ của nước Tần, ông quay trở về nước Tấn tranh đoạt lại ngôi vị.

Sau khi kế vị, Tấn Văn Công tiến hành thay đổi, cải cách phát triển đất nước, ông ra sức cất nhắc trọng dụng những người hiền tài, ban thưởng cho các công thần có công đi theo phò tá mình, người công lớn được phong ấp, người công nhỏ được tước vị. Trận đại chiến ở thành Bộc Dương (tên huyện ở tỉnh Hồ Nam) nước Tấn đánh bại nước Sở, từ đó Tấn Văn Công chính thức trở thành bá chủ.

Tấn Văn Công cả một đời lưu lạc trải qua muôn sóng gió, thành đạt muộn màng. Trong thời gian 19 năm lưu vong đến các nước chư hầu, ông đã chứng kiến rất nhiều sự việc và học hỏi được không ít điều, vì để đạt được kế hoạch lớn mộng bá nghiệp sau này mà đặt định một nền móng vững chắc. Mặc dù ông tại vị trong thời gian ngắn ngủi 9 năm nhưng nước Tấn lại có thể kéo dài 150 năm cường thịnh.

(Còn tiếp)

Theo Đường Khiết – soundofhope.org
Tuệ Liên biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version