Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện luân hồi: Con cái sinh ra là do duyên nợ

Xét về nghiệp quả nhân duyên giữa cha mẹ và con cái, Phật gia cho rằng: Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là có 4 loại, một là đến để báo ơn, hai là đến để đòi nợ, ba là đến để trả nợ, bốn là đến để báo oán. Nếu không có duyên nợ thì không có gặp gỡ.

Hãy cùng xem câu chuyện dưới đây

Trước đây ở vùng Giang Hữu có một vị thương nhân họ Chúc, tên là Chúc Tam Tư. Một ngày, anh ta đến ngôi chùa cổ dạo chơi thì gặp được hai vị lão hòa thượng ở trong chùa.

Chúc Tam Tư ngồi đàm luận với hai vị hòa thượng được một lúc, thì một vị lão hòa thượng nói: “Ta chờ thí chủ đã rất lâu rồi. Trước đây, ta nợ thí chủ ba mươi đồng, nay phải hoàn trả lại cho thí chủ.”

Chúc Tam Tư sững người, đang lúc không biết nên tin hay không tin thì vị hòa thượng kia lại nói: “Ta cũng đã chờ đợi thí chủ từ lâu. Trước đây, thí chủ có nợ ta ba trăm đồng, cũng nên hoàn trả lại cho ta!”

Chúc Tam Tư lúc trước chưa từng gặp qua hai vị lão hòa thượng này nên nói: “Hai vị hòa thượng, các ngài nhầm rồi! Tôi thực sự chưa từng đến chùa này và cũng chưa từng gặp hai vị!” Nói xong, anh ta vội ra về và coi như không có chuyện gì xảy ra cả.

Khoảng một năm sau, vợ chồng Chúc Tam Tư sinh hạ được hai cậu con trai. Bởi vì trước ngày vợ sinh con, anh ta từng nằm mộng thấy có hai vị hòa thượng đi vào nhà mình nên đặt tên cho hai đứa bé là Tăng Bảo và Tăng Hựu. Tăng có nghĩa là chỉ nhà sư, tăng nhân, còn “Bảo” và “Hựu” là bảo vệ, phù hộ. Chúc Tam Tư đặt tên con như vậy với mong muốn là sau này hai đứa trẻ được che chở, bảo vệ.

Thấm thoát cũng hơn 10 năm trôi qua, hai đứa trẻ đều đã trở thành hai chàng trai khôi ngô tuấn tú, nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Tăng Bảo vô cùng vất vả, chịu khó, kiếm được bao nhiêu tiền, cậu ta đều đưa hết cho cha mẹ. Trong khi đó cậu em là Tăng Hựu lại lười biếng vô cùng, chỉ ăn uống, chơi bời, cuối cùng đã đem số tiền mà Tăng Bảo kiếm được tiêu hết sạch không còn đồng nào.

Tăng Bảo vô cùng tức giận và khó chịu, một thời gian sau thì bị mắc bệnh hiểm nghèo. Khi Tăng Bảo hấp hối, vợ chồng Chúc Tam Tư vô cùng đau khổ, ôm con khóc suốt không thôi.

Sau khi Tăng Bảo mất, vợ chồng Chúc Tam Tư như không còn thiết sống, vì đứa con ngoan ngoãn chịu khó lại ra đi khi còn rất trẻ. Mấy hôm sau, Chúc Tam Tư nằm mộng thấy Tăng Bảo hiện về. Trong giấc mộng, cậu nói: “Cha mẹ đừng quá đau buồn! Kiếp trước cha là Lâm Đạt Sinh, vô cùng giàu có. Con đã từng vay của cha ba mươi đồng, chưa trả được thì đã chết. Thật may mắn là con không có suy nghĩ lừa gạt cha, nên đã không bị đầu thai làm súc sinh. Kiếp này con đến làm con cha, chăm chỉ chịu khó làm việc kiếm tiền trả cho cha gần 20 năm qua. Hiện tại, nợ đã hoàn trả xong rồi, nên con phải đi!” Nói xong, Tăng Bảo bước ra ngoài cửa và nhanh chóng biến mất.

Hai vợ chồng Chúc Tam Tư suy nghĩ lại những gì đã xảy ra từ khi Tăng Bảo ra đời thì cảm thấy rất hợp lý. Vì thế mà trong lòng họ cũng vơi bớt nỗi thống khổ mất con. Nhưng chẳng được bao lâu thì bất hạnh lại ập xuống gia đình họ, người con thứ hai là Tăng Hựu cũng bị bệnh nặng mà qua đời.

Hai vợ chồng Chúc Tam Tự liền đến ngôi chùa cổ trước đó để hỏi vị sư trụ trì xem, gia đình họ sao lại gặp nhiều tai ương như vậy. Sư trụ trì nói rằng: “Người con thứ hai của thí chủ đến là để đòi nợ kiếp trước mà thí chủ chưa trả hết. Vì thế mà kiếp này cậu ta đến với gia đình thí chủ không làm gì cả lại còn hoang phí tiêu hết tiền của gia đình. Bây giờ thí chủ đã trả hết rồi, hai người không còn nợ gì nhau, nên cậu ấy phải rời đi!”

Vợ chồng Chúc Tam Tư nghe xong mà không đành lòng, liền khóc nức nở than rằng: “Hai anh em nó đều rời bỏ vợ chồng tôi mà đi, để lại hai vợ chồng già chúng tôi biết sống làm sao?”

Vị sư trụ trì trầm tĩnh nói: “Hai đứa nhỏ, một là đến để đòi nợ, một là đến để trả nợ, nợ hoàn trả xong thì chúng rời đi, đó là duyên nợ từ kiếp trước. Thí chủ nếu muốn sống lâu và có con để kế thừa gia nghiệp thì phải làm nhiều việc thiện, tích đức.”

Từ đó, hai vợ chồng Chúc Tam Tư luôn cố gắng hành thiện, tích đức. Quả nhiên mấy năm sau, hai vợ chồng họ lại sinh được hai người con trai vừa chăm chỉ, vừa hiếu thảo, tận tâm phụng dưỡng đến tận lúc cha mẹ qua đời.

Nhan Chi Thôi, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng thời kỳ Nam Bắc triều từng nói rằng: “Thân thể của con người tuy rằng đã chết nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại mãi. Con người khi còn sống trên đời thường cho rằng chết là hết, không còn liên quan gì đến đời này nữa. Nhưng kỳ thực, con người sau khi chết thì linh hồn có quan hệ mật thiết với đời trước, tựa như sáng sớm và buổi tối vậy!”

Ở đời những chuyện như linh hồn người chết xuất hiện trong giấc mộng của người sống. Hay người sống cầu xin linh hồn người chết ban cho đồ ăn, cầu xin ban phúc và được linh nghiệm, kỳ thực cũng không phải là chuyện hiếm. Con người phải trải qua lục đạo luân hồi, đời này là người, đời sau có thể là cỏ cây hoa lá… tất cả là tùy vào duyên nợ mà gặp lại nhau. Điều này có thể một số người không tin Thần linh sẽ cho là không đúng. Nhưng kỳ thực, đạo lý sinh tử luân hồi là giống với quan hệ nhân quả mà Phật gia giảng đến.

Bên nhà Phật cũng giảng rằng, con người chết đi là phải trải qua lục đạo luân hồi, người đời này nghèo hèn thống khổ là bởi vì kiếp trước đã không hành thiện tích đức, khuyết thiếu bố thí cho người khác. Vậy thì chúng ta đang sống trong đời này, sao còn không cố gắng để xây dựng “một mảnh đất an nhàn yên vui” cho đời sau đây?

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version