Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện “Con thuyền Noah” phiên bản Việt Nam

Con tàu Noah được các nhà khoa học tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Huyền ký về trận đại hồng thủy không chỉ có trong Kinh Thánh, mà còn được ghi nhận ở rất nhiều dân tộc và quốc gia trên thế giới như Pháp, Hy Lạp, Iceland, Ấn Độ, v.v… Ít ai biết rằng, dân gian Việt Nam cũng lưu truyền một câu chuyện tương tự, mà vết tích của nó còn hiện hữu đến ngày nay.

Ngày xưa, ở xã Nam Mẫu có mở một hội “vô già” cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim v.v… để cầu phúc cho mấy ngày hội. Hôm ấy, xuất hiện ở đám hội một bà già ăn mày. Người ta không biết bà ta từ đâu lại. Bộ dạng thật là gớm ghiếc: những mảnh vải vá víu của bà không đủ che tấm thân gầy còm và lở loét. Mùi hôi thối xông ra rất khó chịu. Đến đâu, bà cũng thều thào mấy câu: “Đói lắm các ông các bà ơi!”. Rồi cầm cái rá, bà giơ ra khắp bốn phía, đầy vẻ cầu khẩn.

Nhưng mãi đến chiều, người đàn bà đó vẫn chẳng xin được tí gì. Đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Đám trẻ tuổi nhất là các cô gái cho bà là hủi nên trốn như trốn dịch. Hễ thấy bà đâu là họ xô nhau chạy đi chỗ khác. Mấy bà đang lễ thì rất bực tức. Họ ngừng những tiếng “Nam mô Phật” lại và quay ra mắng xối xả vào bà sao dám đi sát vào người. Cuối cùng, bọn hương lý sai tuần phu đuổi bà đi. Bà không thể kiên gan được trước những trận mưa roi của bọn tuần, đành phải lê mình ra khỏi đám hội. Sau khi ra khỏi đám hội, người đàn bà ấy thất thểu bước vào xóm. Cũng như ở đám hội, vào nhà nào, bà cũng bị hắt hủi.

Mấy nhà giàu có đóng chặt cửa lại và thả chó ra. May sao đến ngã ba, bà gặp hai mẹ con bà góa vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn mày tội nghiệp, người mẹ đưa về nhà lấy cơm nguội cho ăn. Khuya hôm đó, hai mẹ con đang ngủ thì người đàn bà ấy lại gọi cửa. bà xin ngủ nhờ một đêm vì mọi chỗ, người ta đều cấm cửa không cho vào. Hai mẹ con vui lòng đón người ấy vào nhà, lấy cơm cho ăn và trải chiếu ở một cái chõng cho bà ngả lưng. Còn mẹ con thì nằm tạm ở một chỗ khác.

Người đàn bà vừa nằm là ngủ liền, tiếng bà ngáy như sấm. Hai mẹ con nhìn ra thấy cái chõng sáng rực lên trong bóng tối. Đây không phải là một bà ăn mày già yếu lở loét nữa mà là một con giao long đang cuộn mình lù lù một đống, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Người mẹ rụng rời kinh hãi, nhưng vì chỗ ở của mình cách biệt với làng xóm, không biết kêu cứu ai, đành trùm chăn kín mít, phó mặc cho may rủi. Nhưng đến sáng hôm sau, khi người mẹ nhìn ra thì chả thấy giao long đâu cả. Trên chõng, bà ăn mày già đã dậy và sắp sửa ra đi. Trước khi từ biệt, bà bỗng lên tiếng:

– Chúng nó thờ Phật mà kỳ thực là buôn Phật. Chúng nó xứng đáng phải chịu trầm luân. Chỉ có hai mẹ con nhà ngươi là tốt bụng. Hãy cầm lấy gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh chỗ ở và nội trong đêm hôm nay chớ đi đâu cả. Hoặc nếu có đi thì đưa nhau lên đỉnh núi cao mà tránh.

Người mẹ băn khoăn hỏi thêm:

– Nhưng làm thế nào để cứu mọi người được?

Người đàn bà ấy ngần ngừ hồi lâu rồi lấy từ trong áo một hạt thóc ra cắn tách đôi vỏ trấu đưa cho hai mẹ con và nói:

– Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp hai mẹ con làm việc thiện.

Người mẹ toan hỏi thêm thì vụt một cái đã không thấy người đàn bà hủi đâu nữa. Hai mẹ con vội làm theo lời dặn rồi đi kể chuyện cho mấy người gần đó biết. Họ nghe nói chỉ mỉm cười, cho là một chuyện bâng quơ.

Quả nhiên, tối hôm đó giữa đám hội náo nhiệt, lúc người ta đang tấp nập lễ bái thì bất ngờ có một dòng nước từ dưới đất phun lên ngay chính giữa đàn tràng. Nước càng phun càng mạnh làm lở dần đất ở xung quanh. Mọi người ngơ ngác không hiểu thế nào, tưởng là phép Phật hiển hiện nên càng vái lấy vái để. Nhưng dòng nước mỗi lúc một mạnh nuốt hết người và vật. Chỉ trong nháy mắt đã ngập bằng một cái ao. Thấy thế, mọi người hoảng hốt bỏ cả lễ bái đua nhau chạy. Nhưng họ không thể chạy được nữa. ở dưới chân họ đất nứt nẻ, rung động hất họ ngã xuống. Bỗng chốc một tiếng ầm dữ dội phát ra, đất đá, nhà cửa, người vật đều chìm nghỉm, nước tung tóe mù trời. Một con giao long to lớn từ mặt nước nhô lên bay vòng quanh xã Nam Mẫu. Trong khi đó thì nền nhà, chuồng lợn, chuồng gà của mẹ con người đàn bà từ thiện kia mỗi lúc một nâng cao hơn mực nước.

Đau xót trước cảnh nước lụt, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, họ bỗng thấy hai mảnh vỏ biến ngay thành hai chiếc thuyền. Thế rồi, mặc gió mặc mưa, họ chèo đi mọi nơi cố sức vớt những người bị nạn. Chỗ đất sụt ấy ngày nay là hồ Ba Bể ở Bắc Cạn, còn cái nền nhà ấy tức là một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ mà người địa phương thường gọi là Pò-già-mải (Theo Nguyễn Đổng Chi).

Hồ Ba Bể còn đến ngày nay, như một lời nhắc nhở của thiên địa dành cho con người… (Ảnh: internet)

Cách đây hàng nghìn năm, phương tiện giao thông và liên lạc giữa các vùng đất trên thế giới là vô cùng hạn chế, vì sao lại có sự tương đồng đáng kinh ngạc trong truyền thuyết của nhiều nền văn minh đến vậy? Có hay chăng huyền cơ trong ấy? Có lẽ quý độc giả đã tìm thấy câu trả lời của riêng mình.

Mã Lương

Xem thêm

Exit mobile version