Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện cái chợ

Ừ nhỉ, chợ quê ta thì có gì đặc biệt? Ngày ngày vẫn họp, ngày nào cũng đông, hoạt động cả năm chẳng ngày nào ngưng nghỉ, hàng hóa bày bán thì phong phú vô cùng, kẻ bán người mua đông như trẩy hội… Có thể ai đó nói như thế, và nghĩ vậy thì cũng là điều bình thường, nhưng nếu họ có mặt ở chợ vào một thời chưa xa lắm thì sẽ thấy có nhiều điều thú vị…

Điều đầu tiên là chợ quê ta không có tên, không như chợ ở các vùng xung quanh, chợ nào cũng có danh, ví dụ như chợ Thông, chợ Lựa, chợ Huyện hay chợ Viềng. Người nơi khác gọi theo địa danh là chợ Thuận Vi, người Nam Định bên kia sông thì gọi là chợ Gòi, một cái tên lạ lẫm mà trong chúng ta nhiều người cũng không biết. Còn dân quê ta thì cứ nôm na gọi là chợ Nhà, nào là đi chợ “nhà”, ra chợ “nhà” mà tôi cũng không hiểu chữ “nhà” này là tính từ hay danh từ trong ngôn ngữ nữa. Có lẽ chữ chợ Nhà đã là tên riêng của chợ, là cách gọi của ông cha ta từ lâu lắm rồi…

Chẳng ai biết chính xác chợ có từ bao giờ và lại nằm ở vị trí không được trung tâm cho lắm, người dưới Toàn Thắng, Tiền Phong hoặc khu dưới của Bách Tính, Thuận Nghiệp đi chợ thì hơi xa. Chợ xưa nhỏ hơn một chút so với bây giờ nhưng thông thoáng hơn, khu bên dưới còn là thổ cư của một số gia đình, giữa chợ có cái quán không biết được xây từ bao giờ, quán thứ hai xưa là một tòa nhà lớn được dùng để làm cửa hàng bách hóa của xã thời bao cấp. Các bờ tường cạnh đường cũng đã có từ thủa xưa, cửa hàng quán xá không có nhiều như bây giờ.

Chợ được họp gọn gàng chứ không tràn ra đường, nơi đó khi xưa để dành cho người thiên hạ đem rơm rạ đến bán. Chợ xưa không họp vào ngày đầu năm – tức mồng một Tết Nguyên đán, lúc đó chợ là thiên đường cho lũ trẻ vui chơi, lũ con trai thì đánh đáo bằng những đồng 5 xu, 2 xu có lỗ với đồng cái bằng chì tròn và nặng. Rồi những năm chiến tranh, thời Mỹ ném bom miền Bắc, chợ cũng phải sơ tán, dân ta họp chợ trên đường, khi thì dọc theo đường ra Trung Hòa, lúc dọc đường Chiến Thắng kéo dài vượt qua khu Chùa – tức khu ủy ban nhân dân hay trạm xá bây giờ. Mùa nước lũ chợ vẫn họp, người ta mua bán trên thuyền, hàng hóa vẫn đủ cả, cảnh tượng tựa như vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long…

Chợ Thuận Vi ta cũng có nhiều thứ độc đáo lắm, ví như một số loại bánh khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác, như bánh bèo hay bánh hấp chẳng hạn, đều là những thứ bánh rẻ tiền nhưng ngon đặc trưng, rất phù hợp với túi tiền của người lao động. Bánh cuốn Thuận Vi thì khỏi nói, chẳng người Bách Thuận nào khi sinh sống xa quê mà quên được món này. Tôi đã từng thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Vân Đình đã có tiếng tăm, nhưng chẳng nơi đâu sánh được với bánh quê mình. Bánh cuốn những nơi đó được mùi thơm của thịt nướng che lấp đi, chứ nếu ăn mỗi bánh chay thì chán ngắt; trong khi đó bánh quê ta chỉ cần thêm bát nước mắm chanh ớt là có thể ăn đến no chẳng cần đến chả thịt.

Tôi đi xa quê đã lâu, nhưng mỗi khi có dịp trở lại là luôn yêu cầu người nhà cho ăn những loại bánh của quê hương. Nào là bánh cuốn mềm vá béo ngậy; bánh tẻ thật ngon, khi bóc ra có màu xanh bắt mắt và ruột trắng tinh, khi ăn có cảm giác cứng giòn chứ không nhão; nào là bánh chưng; nào là bánh nếp có hình dáng như cái chóp nón ngộ nghĩnh, các cháu tôi từ Hà Nội về thấy lạ lắm, chúng gọi là bánh chưng Gù. Xưa chợ quê ta còn có loại bánh rất đặc trưng nữa, tuy không ngon lắm nhưng được cái bình dân, chỉ cần vài hào thôi là cũng lưng lưng cái bụng, đó là bánh đúc, được làm từ gạo hay ngô, khi ăn thì chấm với mắm tôm…

Mải miên man với các loại bánh trái mà tôi suýt quên điều hay nhất chỉ có ở chợ quê ta ngày ấy, đó là, trong khi các vùng quê khác dùng cân hoặc đôi khi là cái đấu gỗ để mua bán gạo cám, thì dân mình lại dùng cái bơ, gọi là bơ 8 lạng. Tôi chẳng biết một bơ có đủ tám lạng hay thừa thiếu mà chỉ thấy thú vị về cách mua bán bằng bơ này. Khi đong bơ người ta còn lấy tay be xung quanh cho gạo đầy thêm, người bán thì gạt xuống, kẻ mua thì cho thêm, nhìn tức cười lắm. Rồi cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ hỉ hả, chẳng thấy ai vì đầy vơi mà cãi cọ bao giờ. Đấy cũng là nét đẹp của văn hóa quê ta.

Chợ Thuận Vi, chợ quê ta khi xưa là thế đấy, ai bảo là không có gì đặc biệt, không có gì để nhớ?

Nguyễn Như Thạnh (Cộng hòa Séc)


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version