Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé và con nhện: Ở trong sâu thẳm, trời xanh là công bằng nhất

Thời nhà Tống, ở phủ Lâm An có một gia đình bán gạo xin được một cậu con nuôi. Ở phía sau của cửa hàng gạo có một cái bếp. Ngày đầu tiên cậu bé đến sống ở nhà này, lúc cậu ngồi trong phòng bếp ăn cơm thì có một con nhện từ trên nóc nhà đi theo sợi tơ mà xuống bàn ăn.

Bởi vì thấy hiếu kỳ nên cậu bé đã để bát cơm ra cho con nhện này ăn. Con nhện ăn xong rất nhanh rồi nó lại theo tơ nhện mà bò lên trên.

Từ đó về sau, mỗi khi cậu bé ăn cơm thì con nhện này lại không mời mà tới. Cậu bé lại cho nó ăn cơm và vì thế mà con nhện cũng lớn lên to khỏe.

Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cậu bé đã lớn lên thành một cậu thanh niên cường tráng. Bởi vì cũng đã đến tuổi lập nghiệp và lấy vợ nên cậu thanh niên này đã đi nơi khác làm ăn.

Khi anh ta đã sửa soạn ba lô đồ dùng cá nhân đầy đủ, liền ra ăn cơm. Lúc này, con nhện kia lại tới. Cậu thanh niên vẫn cho nó ăn cơm như thường lệ và còn nói lời từ biệt nó. Không ngờ, nghe xong, con nhện không những không ăn nữa mà còn lăn ra chết. Cậu thanh niên cảm thấy luyến tiếc và thương xót con nhện nên đã cho nó vào ba lô và mang theo.

Ngày hôm sau, cậu thanh niên ngồi thuyền trên sông Tiền Đường. Khi thuyền đi được nửa thời gian, đột nhiên mây đen kéo đến, sóng cả dữ dội. Những con thuyền xung quanh đều bị chìm nghỉm, duy chỉ có con thuyền mà cậu ta ngồi là vững vàng đi tới bờ bên kia sông. Mọi người trên thuyền đều vô cùng cảm tạ trời xanh phù hộ, cứu mạng. Trong số họ có một thương nhân lưu lạc giang hồ lâu năm nói: “Hôm nay thật quá may mắn, nhất định là trên thuyền này có người mang theo bảo vật gì rồi!”

Mọi người trên thuyền bàn tán xôn xao và không có một ai nhận là mình đã mang theo bảo vật gì, chỉ có cậu thanh niên nói mình có mang theo một con nhện. Cậu ta mở ba lô ra để lấy con nhện cho mọi người xem. Người thương nhân kia vừa nhìn thấy con nhện liền kinh động nghĩ: “Hóa ra chính là “định phong châu” này cứu được mạng người, đây chính là bảo vật vô giá!”

Hóa ra chính là “định phong châu” (Ảnh: vương gia ích/Đại Kỷ Nguyên)

Người thương nhân nổi lòng tham nói với cậu thanh niên kia: “Cậu đem theo con nhện chết cũng không để làm gì, chi bằng hãy cho ta, ta sẽ cho cậu 20 lượng bạc.” Cậu thanh niên không nỡ lòng nhưng lại đang thiếu tiền để cưới vợ nên đành đồng ý.

Nháy mắt đã 18 năm trôi qua, năm đó trời liên tiếp đổ mưa hai tháng liền, khiến nước lũ tràn ngập khắp nơi. Rất nhiều người đã bắt đầu chạy nạn. Năm đó, người thương nhân kia cũng chạy nạn cùng mọi người, ông hiện tại đã hai bàn tay trắng, chỉ còn duy nhất cô con gái.

Một hôm, người thương nhân kia đi đến một nhà giàu trong một ngôi làng để xin ăn. Ông không ngờ, chủ nhà này lại là người thanh niên ngồi cùng thuyền năm xưa. Hai người nhận ra nhau liền xúc động vô cùng. Người thanh niên năm đó về đến quê hương cưới vợ, bây giờ người con của họ cũng đã trưởng thành. Chủ nhà đã nhiệt tình tiếp đãi hai cha con người thương nhân năm xưa và còn để cho họ được ở lại trong nhà.

Người thương nhân xưa vô cùng cảm động và cũng vô cùng hổ thẹn. Ông nói với chủ nhà: “Năm đó tôi đã nhận ra con nhện của cậu chính là bảo bối có giá trị, nhưng chỉ dùng 20 lượng mà lừa gạt mua lại của cậu. Chắc là bởi vì ông trời đã nhìn thấy lòng tham của tôi nên trừng phạt. Bây giờ lũ lụt cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản của chúng tôi. Hai cha con tôi phải đi ăn mày. Hôm nay trời xanh đã khiến tôi hiểu ra và cũng là “vật quy nguyên chủ”.”

Nghe người thương nhân năm xưa nói xong, chủ nhà vui vẻ nói: “Ở trong sâu thẳm, trời xanh là công bằng nhất. Nếu đã không phải là của mình thì đừng cưỡng cầu, còn nếu đã là của mình thì ném đi cũng không mất.”

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version