Đại Kỷ Nguyên

Cảnh giới nhân sinh: Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn

Người thành công thường là người có nội tâm mạnh mẽ, mà người có nội tâm mạnh mẽ thường sẽ có 3 đặc điểm lớn sau đây.

Khổng Tử đã từng nói chuyện với các đệ tử của mình về sự can đảm của bậc quân tử: “Biết nghèo là do mệnh, biết khổ là có lúc, gặp đại nạn không sợ hãi, chính là bậc thánh nhân trí dũng vậy”. Theo quan điểm đó, thành bại của một người phụ thuộc vào nội tâm của anh ta, mà sức mạnh của nội tâm bắt nguồn từ sự thấu hiểu nhân sinh, có thể nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn để chờ thời, cuối cùng thì tâm sẽ bình lặng như nước.

Lắng nghe số phận mà làm mọi việc

Nội tâm mạnh mẽ, sẽ có dũng cảm để đối mặt với thực tế, gặp phải chuyện gì cũng cố gắng giải quyết bằng tất cả sức lực của mình, nhưng cũng chính vì biết mệnh Trời mà có tiết chế không tham vọng.

Luận ngữ của Khổng Tử có viết: “Không biết số phận, cũng không phải là quân tử”. Thiên mệnh, bất luận là theo quan điểm của Đạo giáo hay Nho giáo, đều là cấp bậc cao nhất của đạo học. Khổng Tử tin rằng “Ngũ thập tri Thiên mệnh” nghĩa là ở độ tuổi 50, khi đã trải qua những nỗi đau khổ của thế gian, phải biết như thế nào là đúng là sai, đồng thời khuyên răn mọi người cách sống, dựa vào số mệnh mà hành động, đừng cố cưỡng cầu.

“Người quân tử hành động trong địa vị hiện tại của mình, không mong ước gì ở ngoài. Vốn sẵn giàu sang, hành động theo giàu sang; vốn sẵn nghèo hèn, hành động theo nghèo hèn; vốn sẵn là di địch (quê mùa, man di), hành động theo di địch; vốn sẵn hoạn nạn, hành động theo hoạn nạn. Người quân tử không vào đâu mà không được vui lòng” – (Trung Dung, chương 14).

“Quân tử dễ dàng ở cuộc đời sau này, tiểu nhân đắc ý chỉ được ngay tức khắc” – (Trung Dung, chương 14), ý nói người quân tử bình tâm và chọn cho mình một vị trí bình thản nhất để chờ vận mệnh đến, còn kẻ tiểu nhân, mạo hiểm đi cưỡng đoạt, tranh đấu, cuối cùng chỉ được trong tích tắc rồi lại không có gì. Con người khi đối mặt với khó khăn, lòng sẽ nảy sinh nỗi sợ hãi, chủ yếu là cảm giác sợ mất đi mọi thứ, Khổng Tử đã đưa ra một cách chữa trị, đó là: Làm hết sức mình, nhưng vẫn lắng nghe vận mệnh.

Mặc dù nỗ lực hết sức nhưng không quá kỳ vọng vào kết quả, nhận biết tình hình và để nó thuận theo tự nhiên.

Đại Kỷ Nguyên minh họa.

Kiên định, nhẫn nại

Người xưa xét việc thành công hay thất bại là có liên quan tới 3 yếu tố: Thiên thời, Địa lợi nhân hòa. Và Thiên thời ở vị trí đầu tiên là có lý do.

Khi một người có thể nhẫn nhịn và im lặng chờ đợi, chủ yếu là vì anh ta tin rằng một thời điểm thích hợp sẽ mang đến cho anh ta những điều tốt đẹp. Chỉ đáng tiếc là, thời đến vận chuyển không phải chỉ qua một đêm, thời gian quá lâu khiến nhiều người mất đi lòng kiên nhẫn, biến thành thất vọng và đau buồn. Trong Luận ngữ, Khổng Tử có viết một câu nói nổi tiếng: “Qua những ngày tháng lạnh lẽo rồi mới biết cây tùng, cây bách”. Những lời này là muốn nói với mọi người trên thế gian: Trong những ngày tháng khó khăn nhất, kiên nhẫn vượt qua, bạn mới biết mình mạnh mẽ đến thế nào.

Nguồn gốc của sức mạnh bên trong nằm ở sự tin tưởng vào khả năng của chính mình. Tất nhiên, nó cũng không thể tách rời khỏi sự kiên nhẫn chờ đợi nỗ lực được đền đáp.

“Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”

Năm đó, Phạm Trọng Yêm viết trong Nhạc Dương Lâu ký: “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”. Khi đó ông đang ở trong những năm tháng khó khăn nhất của đời người, bị cách chức và bị giam giữ tại Đặng Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. 10 chữ này của ông lại không hề phản ánh khó khăn mà ông đang trải qua lúc đó, trái lại, cho thấy sự bình thản của người quân tử, điều này cho thấy nội tâm của Phạm Công quá kiên cường.

Ảnh minh họa: Epochtimes.

Các nhà hiền triết Trung hoa, từ xưa đến nay, phàm có thể lưu danh vì lòng dạ quảng đại, nội tâm thông đạt, đều là có một phần “siêu thoát tiêu sái” (trong sạch thanh cao, vượt khỏi thế tục), tâm tình đạm bạc. Trang Tử thời chiến quốc, Bách Lý Hề nhà Tần thời Xuân Thu, đến Đào Tiềm thời Tấn và Lưu Tống, rồi đến Tô Đông Pha thời Tống, Bạch Cư Dị đời nhà Đường và cả văn sỹ thời hiện đại Hồ Thích, cuộc đời của họ đã trải qua không biết bao nhiêu hoàng hôn sau những đám mây đen nhưng chính đạo lý “không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn” đã thắp sáng ngọn nến cuối cùng trong cuộc đời họ.

Trung dung được Nho giáo ủng hộ, cũng tương đồng với cách Đạo gia nói về tiêu diêu, hay cái “vô” kinh điển của Phật giáo, đều là cách tu luyện bản thân sâu sắc, và đó là tư tưởng có thể giúp bạn vượt qua mọi khó nạn của cuộc đời.

Con người sống trên thế gian này, không thể cầu nguyện cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ, con đường đi bằng phẳng. Khi bạn đang ở giữa chông gai, nếu có thể, đừng quên những lời này của Khổng Tử: “Nội tâm thật sự mạnh mẽ, không phải là dùng vũ lực đấu tranh với khó khăn, mà là sự dũng cảm của bậc thánh nhân khi gặp đại nạn không cảm thấy sợ hãi”. Sau đó dần dần thấm nhuần những tư tưởng mà Khổng Tử đã khổ công đúc kết vào trong trái tim bạn. 

Ngọc Linh
Theo NTDTV

Exit mobile version