Đại Kỷ Nguyên

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 3): Có Ngộ Không thần thông quảng đại, vì sao Đường Tăng vẫn phải đi bộ sang Tây Thiên?

“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Chứng kiến hành trình thỉnh kinh 14 năm mưa dập gió vùi, rất nhiều người từng cảm thán:

‘Cả ba đồ đệ của Đường Tăng đều thần thông quảng đại, trong nháy mắt đã có thể đến nơi đất Phật, vì sao không cưỡi mây lướt gió đưa Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh? Hà cớ gì cứ phải long đong lận đận, dầm sương dãi nắng, lội suối trèo đèo, kinh qua đủ mọi trắc trở, thu qua đông đến, cay đắng ngọt bùi, trải qua đủ 81 kiếp nạn làm chi?’.

Quả vậy, Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không có thể đi được mười vạn tám nghìn dặm, chỉ trong giây lát là đến Linh Sơn Phật quốc. Có lẽ chẳng cần đến Sa Tăng hay Bát Giới, chỉ một Cân Đẩu Vân ấy đã có thể mang đầy đủ kinh thư về Đông Thổ Đại Đường. 14 năm gió tuyết phong ba đã có thể rút ngắn lại chưa đầy một tích tắc, há chẳng phải quá tốt hay sao? Hầu hết những độc giả yêu thích “Tây Du Ký” đều có chung một thắc mắc này.

Đoạn hội thoại giữa Ngộ Không và Bát Giới, ở sông Lưu Sa. (Ảnh: youtube.com)

Nhưng kỳ thực, câu hỏi ấy đã được Ngô Thừa Ân giải đáp ngay trong hồi thứ 22: “Bát Giới đại chiến sông Lưu Sa, Mộc Soa vâng lệnh bắt Ngộ Tĩnh”. Lúc ấy, thầy trò Đường Tăng đã qua khỏi Hoàng Phong lĩnh thẳng tiến về phía Tây. Thời giờ thấm thoắt, hết hạ sang thu, chỉ thấy ve kêu liễu rủ, sao đại hỏa rời về Tây. Ba thầy trò đang đi thì nhìn thấy con sông mênh mông nước chảy, sóng vỗ nhấp nhô, chính là Lưu Sa Hà nơi thầy trò sẽ thu phục Ngộ Tĩnh. Bởi sông Lưu Sa quá rộng lớn, lại thêm yêu quái (Sa Tăng) cản đường, thầy trò không thể lập tức sang được bờ bên kia. Trong nguyên tác viết:

Hành Giả nói: “Chú hiểu làm sao được! Mỗi một cân đẩu vân của lão Tôn đi được mười vạn tám nghìn dặm. Năm bảy nghìn dặm đối với lão Tôn chỉ có hai cái gật đầu, một cái vặn mình là tới nơi, có gì là khó!”.

Bát Giới nói: “Này anh, nếu dễ như vậy, thì anh cõng quách sư phụ, gật đầu, cúi người vài cái là sang qua, việc gì phải đánh nhau vất vả với yêu quái nữa?”.

Hành Giả nói: “Chú cũng biết cưỡi mây, sao chú không cõng quách sư phụ đi?”.

Bát Giới nói: “Sư phụ thịt xương phàm tục nặng như núi Thái Sơn, tôi cõng làm sao được, phải nhờ cân đẩu vân của anh mới được.

Hành Giả nói:

“Phép cân đẩu vân của tôi cũng từa tựa như phép cưỡi mây vậy, chỉ có điều đi được xa hơn thôi. Chú không cõng được, thì tôi cũng chịu không cõng được. Từ xưa đã có câu nói: “Khiển Thái Sơn khinh như giới tử, huề phàm phu nan thoát hồng trần”[1] (Cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt người phàm khó thoát bụi hồng), đến như con yêu quái độc ác kia, dẫu có phép thuật cũng chỉ loanh quanh đi trên mặt đất thôi, không thể dắt nó lên trên không mà đi được. Những phép ấy lão Tôn này biết hết, kể cả phép tàng hình độn thổ nữa. Riêng sư phụ thì còn phải trải khắp các nước, chưa thể thoát khỏi bể khổ ngay được, vì vậy một tấc, một bước cũng khó. Chú và tôi chỉ là người đi bảo hộ, giữ gìn tính mạng thầy an toàn, chứ không gánh đỡ khổ não cho thầy được, mà cũng không tự lấy được kinh đâu, dù có đến trước gặp đức Phật, thì Phật cũng chẳng giao kinh cho chú và tôi. Thế mới gọi là: “Nhược tương dong dịch đắc, Tiện tác đẳng nhàn khan”[2] (Nếu có được quá dễ dàng, thì người ta chỉ coi đó là vật xem những lúc rỗi nhàn)”.

Đoạn hội thoại giữa Ngộ Không và Bát Giới, chỉ dăm ba câu nhưng đã trả lời cho câu hỏi chúng ta đang bàn đến: Vì sao Đường Tăng phải khó nhọc sang Tây Thiên thỉnh kinh? Và vì sao con đường ấy là phải trải qua trong ma nạn?

Đó là bởi…

1. Cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt người phàm khó thoát bụi hồng

Ý tứ của câu nói trên là, Đường Tăng dẫu sao cũng là người đang tu hành, thân xác phàm nặng nề hơn cả núi Thái Sơn, không thể dùng thần thông để quá độ sang Tây Thiên được.

Có một điều đặc biệt là, trong Tây Du Ký, không ít lần Ngô Thừa Ân dùng hình ảnh ngọn núi để nói đến thân xác phàm tục của con người. Một lần là khi Ngộ Không đạo náo thiên cung rồi bị đè dưới Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Ngũ Hành là chỉ Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành cũng giống như bị chôn vùi nơi trần thế. Muốn thoát khỏi cõi hồng trần thì chỉ có tu luyện. Do đó chỉ duy nhất Đường Tăng mới có thể cứu Ngộ Không ra khỏi núi Ngũ Hành. Ý nghĩa ở đây không phải là Ngộ Không đã thoát khỏi cõi trần, mà là chủ thân thể đã bắt đầu tu luyện. Cũng vì lý do này, mà Ngũ Hành Sơn về sau được đổi thành Lưỡng Giới Sơn (ngọn núi giữa hai ranh giới) để ám chỉ giới tuyến trước và sau khi tu luyện.

Một lần khác là dùng hình ảnh Hoả Diệm Sơn để nói về trạng thái của người tu hành. Hoả Diệm Sơn là tâm hoả, dùng quạt Ba Tiêu để quạt nước mưa dập tắt lửa Diệm Sơn cũng chính là một lý trong Đạo gia: “Thủy hỏa ký tế”, mượn điều tức để đạt đến “bình tức tâm hỏa” (khiến lửa giận lắng lại). Còn lần này, thân xác phàm được so sánh với núi Thái Sơn, Bát Giới không cõng được, mà ngay cả Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không cũng không thể cõng cho được.

Vì sao lại như vậy? Phật gia giảng: Con người là đến trong “nghiệp cuộn lấy nghiệp”, người thường mang trên thân đầy nghiệp lực. Trong tôn giáo và các nền văn hoá cổ xưa cũng cho rằng, ở phương Đông, Nữ Oa dùng bùn dưới sông để nặn thành hình người, còn ở phương Tây thì Chúa Trời dùng đất sét để tạo ra Adam. Con người vẫn tự hào coi bản thân mình là cao quý, nhưng kỳ thực trong con mắt chư Thần thì hết thảy những gì nơi trần thế chỉ giống như bùn đất mà thôi.

Bởi con người quá mê mờ trong cát bụi phồn hoa, đắm mình trong cái hư vinh ảo ảnh ấy mà quên mất đường trở về nhà, nên Phật gia mới giảng về tu luyện, muốn thoát khỏi cõi hồng trần thì chỉ có tu luyện. (Ảnh: phimmoi.net)

Trong kinh sách viết Phật quốc là lưu ly trong suốt, đâu đâu cũng là châu báu bạc vàng, những thiên nhân trong đó là thân kim cương từ hoa sen báu sinh ra, ai ai cũng mang đầy đủ 32 tướng hảo đại nhân, trí huệ vô biên, họ sống trong cõi cực lạc hưởng niềm vui thanh tịnh. Thân người dơ bẩn là thế trong con mắt chư Thần, trong khi Phật quốc và Thiên giới lại thánh khiết nhường ấy, vậy con người sao có thể mang xác phàm mà đến nơi Phật quốc? Nói một cách hình ảnh thì con người sinh ra từ bùn đất, cả cuộc đời lại lăn lộn trong bùn đất, khi chết đi rồi lại hoà tan vào bùn đất. Do đó người ta mới gọi đây là cõi “hồng trần” (紅塵), cũng chính là bụi bặm chốn trần ai.

Bởi con người quá mê mờ trong cát bụi phồn hoa, đắm mình trong cái hư vinh ảo ảnh ấy mà quên mất đường trở về nhà, nên Phật gia mới giảng về tu luyện. Nhưng hễ nói đến tu luyện thì rất nhiều người bèn lắc đầu xua tay, cho đó là điều mê tín. Kỳ thực, tu luyện không phải là bảo bạn hãy vứt bỏ thân quyến, vứt bỏ tiền tài, vào chùa quy y, mà chính là tu TÂM. Nếu bạn vẫn sống trong xã hội, vẫn làm các công việc như một người bình thường, nhưng cái tâm của bạn không bị mê đắm trong đó, không bị các loại lợi ích và cám dỗ dẫn dụ, bạn lại có thể bảo tồn được cái tâm thuần khiết tựa pha lê, thì chẳng phải cũng chính là “tu” sao?

Sống trong cám dỗ mà không bị cuốn vào vòng xoáy của cám dỗ, thì chẳng phải bạn đang thăng hoa, đạt tới cảnh giới của một bậc Thánh giả đó sao? Nhưng bởi vì con người quá chấp mê bất ngộ, nên mới nói rằng người vẫn còn mang nặng tâm phàm tục thì cho dù Thần tiên đến trước mặt cũng không thể cứu độ được. Do đó mới nói: “Cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt người phàm khó thoát bụi hồng”.

2. Nếu có được quá dễ dàng, chẳng khác vật xem lúc rỗi nhàn

Lại nói, vì con người là kẻ phàm phu tục tử nên mới cần phải tu luyện, và cũng chỉ có tu luyện mới có thể thăng hoa sinh mệnh, trút bỏ những thứ bùn lầy dơ bẩn để đạt đến sự thuần tịnh của thân tâm, sự thánh khiết của tâm hồn. Những Thiên nhân trên thượng giới, cũng vì phạm tội mà rơi rớt xuống trần gian rồi phải tu luyện mới có thể hồi thiên.

Ví dụ như, Đường Tăng vốn là một đệ tử của đức Phật Thích Ca, vì khinh mạn Phật Pháp nên mới phải đầu thai làm người để tu luyện; Bát Giới từng là Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên Đình, vì trêu ghẹo Hằng Nga, phạm tội trời nên cũng phải xuống trần gian mà tu luyện; Sa Tăng cũng vậy, là Quyển Liêm đại tướng trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu, vì lỡ tay làm vỡ chén lưu ly mà bị đày xuống hạ giới, sau đó phải tu luyện mới có thể trở về. Rất nhiều yêu ma quỷ quái trong truyện cũng như vậy, ví dụ như Hoàng Bào Quái vốn là Khuê Mộc Lang, một trong Nhị Thập Bát Tú, đã phạm luật Thiên Đình, vì động tình với ngọc nữ ở điện Phi Hương mà phải hạ trần, nhưng vì không tu luyện nên chỉ có thể làm yêu quái mà thôi.

Đường Tăng phải bước từng bước khó nhọc sang Tây Thiên mà thỉnh kinh, trải qua đủ 81 kiếp nạn thì mới xứng đắc được chân kinh. (Ảnh: khampha.vn)

Nhưng tu luyện ấy là gì? Chính là phải trải qua ma nạn. Một người phàm thân đầy nghiệp lực, muốn trở thành thần tiên thật gian khó biết bao!!! Xưa nay vẫn cho rằng, cái hiếm thì mới quý, cái khó đạt được thì mới khiến người ta trân trọng suốt đời. Con đường thỉnh kinh của Đường Tăng, chín chín tám mươi mốt kiếp nạn chúng ta đều đã biết, nay không nhắc lại nữa, mà chỉ mượn câu chuyện ví von này để nói về cái khó của tu hành:

Trong Kinh Trung Bộ viết, có người quăng một khúc cây xuống biển, trên khúc cây ấy lại có một cái lỗ. Một ngọn gió từ phương Đông thổi nó dạt về hướng Tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó dạt về hướng Đông; một ngọn gió từ phía Bắc thổi nó trôi qua phía Nam; một ngọn gió từ phía Nam lại thổi nó trôi qua phía Bắc. Cứ thế, khúc cây lênh đênh trôi dạt trên biển. Trong biển ấy lại có một con rùa mù, 100 năm mới nhô đầu lên mặt nước một lần. Liệu, có khi nào con rùa ấy trồi lên có thể đút đầu vào đúng cái lỗ ấy được không? Xác suất này xảy ra mới thật hy hữu làm sao! Ấy vậy mà, thân người mất rồi, được sinh làm người trở lại còn khó hơn cả việc con rùa mù chui cổ vào lỗ cây ấy.

Hơn 2000 năm trước, chúa Jesus cũng từng nói với các tông đồ rằng, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn cả người giàu vào nước Thiên Chúa. Đó là để nói, tu luyện gian khó nhường nào. Thế nên, trong hơn 7 tỉ người trên thế giới, bao nhiêu người đủ can đảm để bước vào tu hành? Và trong con số ít ỏi ấy, lại có bao nhiêu người có thể thành Đạo? Xưa có câu rằng: Số xuất gia nhiều như lông trâu, nhưng người đắc Đạo lại chỉ như sừng thỏ (“Xuất gia như ngưu mao, đắc đạo như thố giác”).

Con người trong luân hồi lục đạo, được thân người đã chẳng dễ dàng; nếu may mắn đắc được thân người rồi, thì gặp chính Pháp chính Đạo cũng khó lắm thay; đã có cơ duyên tu trong chính Pháp, có thể viên mãn công thành, thì quả thực là một kỳ tích vĩ đại làm chấn động cả mười phương thế giới. Trong Tây Du Ký, Đường Tăng đã phải thốt lên rằng: “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan sinh, chính Pháp nan ngộ; toàn thử tam giả, hạnh mạc đại yên” nghĩa là: Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp; nếu được cả ba điều, thì may mắn lắm thay!

Thế nên, Đường Tăng phải bước từng bước khó nhọc sang Tây Thiên mà thỉnh kinh, trải qua đủ 81 kiếp nạn thì mới xứng đắc được chân kinh. Ấy chính là:

Chân kinh ắt có chân nhân lấy, xác mệt tâm lao thả rỗng không
(“Chân kinh tất đắc chân nhân thủ, ý nhượng tâm lao tổng thị hư”[3]).

Hồng Liên

[1] Nguyên tác, hồi thứ 22: 遣泰山輕如芥子,攜凡夫難脫紅塵
[2] Nguyên tác, hồi thứ 22: 若將容易得,便作等閑看
[3] Nguyên tác, hồi thứ 77: 真經必得真人取,意嚷心勞總是虛

Exit mobile version