Đại Kỷ Nguyên

Cách người đàn ông này thành lập trường mầm non 100 năm trước có khiến ta xấu hổ về thế hệ mình?

Cách đây gần 100 năm, có một ngôi trường mầm non ưu tú ra đời bởi một nhà giáo dục học trẻ tuổi đã gây tiếng vang trong xã hội. Những cuốn sách của ông là nền tảng nghiên cứu tâm lý học trẻ em trên toàn thế giới. Vậy người đàn ông ấy là ai, mà khi nhìn về trường mầm non do ông thành lập nhiều người không khỏi xấu hổ?

Không màng “giấc mơ Mỹ”, về quê hương vì chỉ muốn cải cách giáo dục

Năm 1919, một thanh niên 27 tuổi vừa nhận được bằng thạc sĩ giáo dục học của trường đại học Colimbia, Mỹ, đã không màng “giấc mơ Mỹ” mà biết bao người ao ước, quay về quê hương Trung Quốc để dạy học, dù khi đó đang là thời loạn. Đó là Trần Hạc Cầm, người nổi tiếng trong việc đi đầu về nghiên cứu tâm lý học trẻ em, gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Ông luôn chủ trương thúc đẩy cải cách giáo dục theo hướng mới kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, theo sát tâm lý trẻ em dựa trên các công trình nghiên cứu của mình. Ngoài ra ông còn là một người giản dị, chuẩn mực, dễ gần, được nhiều sinh viên yêu mến.

Trần Hạc Cầm (5 tháng 3 năm 1892), ông sinh ra ở thị trấn Bách Quan, huyện Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, năm 1917 ông học tại học viện giáo dục đại học Colombia, New York , nhận được bằng thạc sĩ về giáo dục.

Dùng con ruột làm ‘đối tượng’ nghiên cứu tâm lý hành vi của trẻ em

Năm 1920, con trai đầu lòng của Trần Hạc Cầm chào đời. Sự ra đời của con trai không những đem lại cho ông niềm vui “lần đầu làm cha”, cũng hình thành việc thói quen quan sát trẻ em của ông, khiến cho việc nghiên cứu giáo dục trẻ em của ông ngày càng thêm sâu sắc.

“Thành quả” của ông chính là những ghi chép tương tự như sau: “Sinh vào 2h09 sáng sớm ngày 26 tháng 12 năm 1920, sau khi sinh ra 2 giây thì khóc, cứ như vậy khóc đến 2h19, tổng thời gian khóc là 10 phút đồng hồ, sau lại cứ khóc đứt đoạn, sau khi sinh ra được 45 phút thì ngáp, sau khi sinh 2 tiếng 44 phút lại ngáp, tiếp đó ngáp tổng cộng 6 lần”.

Trải qua 808 ngày quan sát thực nghiệm, ông đã viết ra một quyển sách sớm nhất Trung Quốc về nghiên cứu tâm lý và giáo dục trẻ em, sau gần một thế kỉ vẫn lưu truyền đến ngày nay, gọi là “Nghiên cứu tâm lý học trẻ em”. Các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ nhỏ từ thời kỳ sơ sinh của Trần Hạc Cầm đã trở thành gương mẫu cho việc nghiên cứu trẻ em sau này.

Thành lập trường mầm non ưu tú dựa trên những nghiên cứu của mình

Năm 1923, tất cả các trường mầm non ở Nam Kinh đều bị Tây hóa giáo hội, không có bất kì một ngôi trường mầm non nào mang bản sắc truyền thống. Điều này khiến ông nảy ra suy nghĩ muốn thành lập một ngôi trường mầm non mang đặc điểm của Trung Hoa.

Trần Hạc Cầm tóm tắt những điều trường mầm non cần có trong 13 phương diện dưới đây:

  1. Trải qua tuổi thơ phong phú;
  2. Động tác hữu dụng;
  3. Môi trường hoàn hảo;
  4. Kiểm tra thể chất và trí lực;
  5. Hợp tác cùng gia đình;
  6. Dùng các trò chơi để dạy học;
  7. Phương pháp giảng dạy gián tiếp, hàm súc;
  8. Hướng dẫn chính xác;
  9. Chuẩn bị đầy đủ;
  10. Tư tưởng mỹ thuật;
  11. Kiến thức y tế;
  12. Hòa nhã, gần gũi;
  13. Thái độ thích hợp, chuyên nghiệp.

Với những yêu cầu thiết yếu đó, Trần Hạc Cầm đã cùng bảy người bạn chung chí hướng lập ra hội Đổng Sự, gây quỹ mua đất, bắt đầu chiêu sinh, chính thức thành lập trường mầm non Cổ Lâu Nam Kinh. Ông thành lập trường mầm non không phải vì danh lợi mà chỉ là vì “lý tưởng giáo dục”.

Ông thành lập trường mầm non không phải vì danh lợi mà chỉ là vì “lý tưởng giáo dục”. (Ảnh: naer.edu.tw)

Trường mầm non Cổ Lâu Nam Kinh thành lập, cơ bản thực hiện được ý tưởng trường mầm non mang bản sắc Trung Quốc của Trần Hạc Cầm: “khuôn viên mầm non mang kiến trúc Trung Hoa, cải tạo những món đồ chơi phương Tây bằng phương thức của Trung Hoa, sáng tạo ra tất cả hoạt động của trường mầm non Trung Hoa”.

Trong “Tóm tắt tình hình của trường mầm non Cổ Lâu Nam Kinh trong một năm”, chúng ta có thể biết được tình hình của trường mầm non lúc đó:

Trong làng mới ở phía Tây công viên Cổ Lâu, có vài mẫu đất trống, đầy ắp cây cối và cỏ xanh, có một ngôi nhà nhỏ chứa đầy đồ chơi và đồ dùng vận động.

9h sáng có thể nhìn thấy trẻ nhỏ chạy nhảy trên cỏ, nghe thấy âm thanh bập bẹ ca hát và hai, ba người lớn có tính cách trẻ con cùng với từng nhóm trẻ nô đùa, có lúc sẽ dẫn theo vài đứa trẻ đi đến bên ruộng, công viên hoặc đường lớn. Đến lúc nghe thấy tiếng chuông thì tất cả mọi người đều vào bên trong thực hiện hoạt động trong nhà. Cứ như vậy cho đến 5h chiều mới yên tĩnh lại, chỉ còn nghe tiếng vài người đang thảo luận trong cuộc họp”.

Tình yêu trẻ chính là nền tảng cho sự thành công trong giáo dục mầm non

Đối với Trần Hạc Cầm, trẻ em cần được chú ý đặc biệt, tâm lý của người trưởng thành và của trẻ nhỏ bất đồng. Thời thơ ấu không chỉ là thời gian chuẩn bị cho người trưởng thành, mà đoạn thời gian này có giá trị của riêng mình, chúng ta nên tôn trọng nhân cách của trẻ nhỏ, yêu thương bảo vệ sự ngây thơ trong sáng của chúng.

Trần Hạc Cầm chủ trương nguyên tắc dạy học “giáo dục sinh động”, đầu tiên là “phàm là những chuyện trẻ em có thể suy nghĩ thì nên để chúng tự mình suy nghĩ”, “phàm là những chuyện trẻ em có thể làm được thì để chúng tự làm”. Ông muốn trẻ em có thể trở thành một chủ thể có khả năng học tập và sáng tạo, mà không phải là “trấn áp” hay “bình giữ ấm” chỉ biết bị động tiếp nhận kiến thức.

Ông chủ trương giáo dục trẻ em cũng cần lợi dụng sự hiếu kỳ của chúng. Hiếu kỳ là cánh cửa dẫn đến tri thức, chúng ta chỉ cần dẫn dắt đúng cách. Rất nhiều cha mẹ thường hủy hoại điểm hiếu kỳ này, thường nghiêm cấm đứa trẻ “nhiều lời”, “lắm chuyện”, những hành vi này thật sự khiến người khác bất bình. Những quan điểm này thật sự quá hồ đồ và thiếu hiểu biết.

Trần Hạc Cầm không cho rằng, giáo dục tự do có thể khiến trẻ em phát triển tính cách hoàn thiện, trưởng thành theo lứa tuổi. Ông chỉ ra, giống như Robinson cô độc một mình lạc trên đảo hoang thì tính cách không thể phát triển đầy đủ. Ông tin tưởng, phàm là trẻ em đều có thể giáo dục trở thành một người có thành tựu.

Trẻ em học ở trường mầm non của ông được yêu thương và đáp ứng mọi nhu cầu cảm xúc, được phát triển một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ hứng thú khi đến lớp. (Ảnh: wikipedia.org)

Trần Hạc Cầm còn chỉ ra: Tính tình và cảm xúc của trẻ nhỏ được bồi dưỡng, rèn luyện từ thời thơ ấu. Ở trường mầm non, âm nhạc, hình ảnh, văn học và cuộc sống thực tế của trẻ em là con đường chủ yếu hình thành cảm xúc và đạo đức của chúng.

Trần Hạc Cầm còn đặc biệt đề cập đến các khóa học huấn luyện công dân ở trường mầm non, đó “chính là nền tảng bồi dưỡng làm công dân trong tương lai, vì vậy dưỡng thành tinh thần hợp tác, yêu quý đoàn thể, tinh thần yêu tổ quốc. Đồng thời cũng bồi dưỡng kỹ năng và tri thức mà một công dân cần có, xây dựng một nền tảng công dân vững chắc”.

Trường mầm non do Trần Hạc Cầm thành lập khi ấy đã gây tiếng vang lớn trong xã hội, do đó được nhiều người tin tưởng gửi con đến học và nhân rộng mô hình đến các địa khu lân cận. Trẻ em học ở trường mầm non của ông được yêu thương và đáp ứng mọi nhu cầu cảm xúc, được phát triển một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ hứng thú khi đến lớp.

Ông kết luận rằng: Giáo dục mầm non là nền tảng của mọi nền giáo dục, bởi vì đối tượng của nó là trẻ nhỏ ở độ tuổi mới biết học. Công việc này cũng giống như chăm sóc một vườn cây, liên quan đến hạnh phúc, sự nghiệp cả đời của một đứa trẻ, có quan hệ chặt chẽ đến xã hội quốc gia.

Theo soundofhope.org
Nhã Thanh biên tập

Exit mobile version