Đại Kỷ Nguyên

Bí mật hạnh phúc 80 năm của cặp vợ chồng già khiến chúng ta phải nhìn lại và thay đổi

Câu chuyện cảm động này, hy vọng bạn sẽ cảm nhận được sự bình dị, thanh bình và ấm áp… 

Gần 20 năm trước, thông qua chương trình Host Family vợ chồng tôi có quen biết một gia đình người Mỹ. Người chồng tên Wayne còn vợ là Barbara. Tuổi tác của họ cũng tầm tuổi bố mẹ của tôi ở nhà, sau được sự gợi ý của hai người, chúng tôi vui vẻ gọi họ là Dad và Mom (Cha và mẹ).

Bắt đầu từ đó, chúng tôi có thêm một gia đình người thân mới tại Mỹ, tuy không hề có quan hệ huyết thống máu mủ nhưng họ đã mang đến cho tôi những cảm giác thân thuộc nhất để cảm nhận cuộc sống và con người ở Mỹ. Điều này cũng giúp cho tôi có những hiểu biết và tư duy mới mẻ.

Cuộc sống thanh bình của 2 cụ già

Ở đây tôi xin nói một chút về cha mẹ của mẹ tôi, Barbara. Tôi và chồng ở nhà của hai ông bà thời gian khoảng 9 tháng. Trong 9 tháng này hai ông bà không hề lấy một đồng tiền nhà nào của chúng tôi, nhưng những gì chúng tôi được đón nhận thực sự không thể kể xiết, nó vượt qua khỏi danh giới của tiền bạc vật chất.

Khi chúng tôi quen biết ông bà, một người đã 82 tuổi, một người 79 tuổi. Ông bà sống trong một ngôi nhà có 2 phòng ngủ độc lập, nền nhà trong phòng được lát bằng gạch đỏ, trước nhà có một khoảng sân nhỏ, cạnh đó là một cây Phong cổ thụ cao to mang đến không gian tươi mát mùa hè, đặc biệt khi mua thu đến lá vàng đỏ rực tuyệt đẹp. Ngoài ra, trước của nhà còn có một cây hoa loa kèn màu tím có viền trắng, mỗi độ xuân về cây ra vô số những chùm hoa tím nhỏ tạo thành một không gian thơ mộng cho ngôi nhà.

Đồ đạc trong phòng được bố trí hoài cổ, sopha và rèm cửa sử dụng loại thời xưa, tivi thì không có điều khiển, muốn đổi kênh thì phải ấn nút bằng tay. Thị lực của ông không còn tốt, sau khi bước sang tuổi 70 thì không còn lái xe được nữa. Còn bà thì trí nhớ không còn được minh mẫn, nói trước quên sau, ngay cả bữa tối ăn gì đôi khi cũng không còn nhớ rõ. Nhưng trên tất cả, một điều tuyệt vời là hai người có thể bù đắp những điểm yếu khuyết cho nhau, tưởng chừng hai người mà như một.

Ông nhớ rõ mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, hôm nay thứ mấy, cần làm việc gì, có ai đến thăm, cần thanh toán hoá đơn nào? Còn bà thì phụ trách những việc như đọc và ghi chép sự việc, viết thư, ghi chi phiếu, đọc sách, đọc Thánh kinh… Máy giặt thì đặt dưới hầm nhà nên hai người cùng nhau giặt quần áo rồi đem phơi, hai ông bà ít khi dùng máy sấy. Bà là người phụ trách ngày nấu 3 bữa cơm và thu dọn bát đĩa, còn ông tuy rằng mắt không còn được sáng nhưng mà hàng ngày đều bận rộn với mảnh vườn nhỏ trước nhà. Ông trồng hoa hồng và hoa cúc, khi những cây hoa đơm bông kết nụ, ông thường cắt đem về cho bà cắm vào bình, nó mang đến cho căn phòng nhỏ tràn ngập sự tươi sáng và ấm áp.

Cuộc sống thanh bình của 2 cụ già. (Ảnh minh họa dẫn theo farhoo.com)

Khi những cây dâu trong vườn được thu hoạch, ông thường làm mứt dâu, đóng vào từng hộp nhỏ và mang đến cho con cháu. Trên bàn ăn luôn đặt sẵn một tập ghi nhớ nhỏ, giống như tập lịch để bàn, ông ghi trên đó những lời cầu nguyện và giáo huấn con cháu trong gia đình. Mỗi sáng thức dậy phải cầu nguyện cho một gia đình, sang ngày thứ hai luân phiên tới một gia đình khác. Mỗi tuần ông và bà đều đến nhà thờ hai lần để cầu nguyện và xem kinh sách. Vào những ngày đó, hai ông bà thường dậy rất sớm, mặc quần áo chỉnh tề đợi sẵn, không bao giờ để người khác phải đợi mình.

Hai ông bà lấy nhau được hơn 60 năm, sinh được 8 người con, 4 trai 4 gái. Ngoài một người con tham gia quân đội bị chết ở chiến trường, thì còn lại 7 người con đều trưởng thành và lập gia đình ổn định. Mỗi năm một lần, cả gia đình 3 thế hệ lại quây quần ấm áp bên nhau trên lễ đường, cùng nhau tỏ lòng thành kính và biết ơn với Chúa.

Tôi vốn dĩ luôn có quan niệm người Tây phương không có được quan niệm gia đình sâu sắc như người phương Đông chúng ta. Nhưng rồi ngược lại, gia đình người Mỹ này lại cho tôi thấy họ còn sâu sắc hơn rất nhiều những gia đình phương Đông khác. Con cháu của hai ông bà  thường xuyên đến thăm nom chăm sóc ông bà.

Có thể thấy rõ một điều ông bà rất vui khi được con cháu thường xuyên tới thăm. Một điều đặc biệt là ông bà không khi nào cho rằng đó là điều mà con cháu nên làm, vì vậy mà mỗi lần con cháu đến thăm, ông bà đều chân thành cảm ơn con cháu đã bớt thời gian rảnh rỗi đến thăm mình. Sau khi con cháu đến chơi ra về, tôi thường nghe ông nói: “Chúng ta thật may mắn”.

Không oán trách và thành tâm xin lỗi, cách cư xử của ông bà khiến tôi cảm động

Trên thực tế, tôi chưa hề thấy ông bà oán trách ai bao giờ. Ông hồi trẻ làm nghề thợ mộc và sửa nhà. Trước đây cả gia đình sống trong ngồi nhà 3 phòng ngủ do chính ông tự làm, 4 người con trai một phòng, 4 người con gái một phòng, hai ông bà một phòng. Ngày hai ông bà kết hôn, lễ phục đều đi thuê, ngay cả nhẫn cưới cũng là loại rẻ tiền nhất,  nhưng hơn tất cả, họ trước sau đều tương thân tương ái sống san sẻ đầm ấm hạnh phúc bên nhau.

Hai ông bà cũng từng xảy ra mâu thuẫn, do nhà chỉ có một chiếc đài thu âm, ông thì thích nghe tường thuật đá bóng, bà thì thích nghe kịch. Tuy có mâu thuẫn nhưng mà mọi chuyện qua đi rất mau chóng, tình cảm không hề mờ nhạt hơn xưa, hai người vẫn ngọt ngào tình cảm, những chuyện xung đột đôi khi cũng chỉ là gia vị của tình yêu mà thôi.

Khi tôi có thai người con trai đầu, cơ thể có nhiều phản ứng khó chịu, tính tình nóng giận thất thường. Có một ngày tôi nằm trong phòng khóc, bà nghe thấy bèn gõ cửa bước vào hỏi xem tôi có chuyện gì? Vì cảm thấy khó chịu, tôi không nói được lời nào, chỉ im lặng khóc. Bà thấy vậy nhẹ nhàng vỗ vào lưng tôi nói một câu nói mà vĩnh viễn tôi không thể nào quên: “Anne, nếu như bà có làm điều gì đó không đúng khiến cho cháu không vui thì cháu hãy rộng lượng tha thứ mà bỏ qua cho bà”. Trong hơn 20 năm làm người, tôi chưa từng một lần chứng kiến qua một vị trưởng bối nào lại đứng ra xin lỗi con cháu của mình, điều này khiến cho tôi thật bất ngờ và cảm động.

Bà có một thân hình gầy, dáng người bé nhỏ nhưng lại mang một tấm lòng khoan dung nhân hậu, điều này khiến cho tôi vô cùng kính trọng. Đã mười mấy năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại sự viêc này đều khiến tôi xúc động. Sau này khi có con cái, những lúc trách mắng nhầm con cái điều gì đó tôi, đều không ngại ngần mà nhận sai. Biết sai mà nhận, điều đó không làm cho con cái coi thường chúng ta mà ngược lại càng làm cho chúng tôn trọng chúng ta hơn.

Không oán trách và thành tâm xin lỗi, cách cư xử của ông bà khiến tôi cảm động. (Ảnh minh họa dẫn theo farhoo.com)

Có một lần tôi hỏi bà, 8 lần mang thai như vậy bà có bị thai nghén hay buồn nôn gì không? Bà trả lời rằng bà không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ rằng có ai đó hỏi mình sao lại sinh nhiều như vậy, thì bà thường trả lời rằng đó là vì bà được gả cho một người đàn ông sống hết mực tình cảm và chân thành.

Ông là người sống nhẹ nhàng tình cảm, hết mực chân thành, tuy cả đời đều làm công việc chân tay nhưng dáng vẻ bề ngoài lại luôn như một vị giáo sư trí thức. Đặc biệt là nét chữ của ông, ngay ngắn thẳng hàng rất đẹp, chữ viết ra nhìn giống như một tác phẩm in ấn vậy.

Trong quá trình ở cùng ông bà, chúng tôi có hai lần xung đột về văn hoá. Một lần tôi hầm củ cải, vì là củ cải hầm nên mùi vị của nó rất đặc biệt, lại vào mùa đông, người già thường không mở cửa sổ, khi mùi củ cải hầm lan toả khắp nhà, hai ông bà không có chỗ nào để tránh được nên chỉ đành ngồi chịu đựng ở trong phòng. Nhưng ông bà cũng không hề yêu cầu chúng tôi đừng nấu món đó nữa, và cũng không trách gì chúng tôi. Sau khi biết sự việc tôi vô cùng áy náy và xin lỗi ông bà, ông bà chỉ nói rằng bản thân họ không quen mùi vị đó mà thôi.

Một lần khác, chồng tôi đem thảm trải nhà đi hút bụi, cứ nghĩ rằng giúp ông bà làm việc nhà thì ông bà sẽ vui, không ngờ việc đó khiến ông tức giận, thực sự rất tức giận. Ông cho rằng chúng tôi nghĩ ông bà già vô dụng, những việc này thường đều là ông làm, nay lại để người khác làm. Lúc này chồng tôi chỉ còn cách thành thật xin lỗi ông bà, lần sau nếu có làm việc gì đó sẽ hỏi ý kiến ông bà trước.

Chứng kiến lễ tang của ông khiến tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình

Ông lao động siêng năng cả đời, vào một ngày năm ông 85 tuổi, khi vừa làm việc ngoài vườn vào nhà, ông nói ông cảm thấy khó chịu rồi được đưa đến bệnh viện. Sau đó hai tuần thì ông mất, khi ông nằm viện chúng tôi có ghé thăm ông một lần, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm túi mật, lúc đầu cứ nghĩ là bệnh nhẹ không sao nhưng rồi bệnh tình chuyển biến ông bị viêm phổi nặng hơn.

Khi mẹ gọi cho tôi thông báo tin này, tôi sững người không biết phải nói gì! Chúng tôi và ông từ nay âm dương cách biệt rồi sao? Tại sao tôi không đến thăm ông nhiều hơn? Mẹ biết tôi đau buồn thì quay sang an ủi tôi: “Anne, bây giờ ông đang ở một nơi tốt đẹp và mỹ diệu không gì sánh nổi, con đừng đau buồn nữa”.  Cảm giác không được nhìn ông lần cuối thực sự khiến tôi rất buồn.

Tôi vừa khóc vừa hỏi mẹ là tôi nên mặc đồ gì đến lễ đường, có mặc đồ đen không? Mẹ bảo không cần mặc đồ đen, hãy mặc quần áo nào có màu sắc đẹp nhất đến chúc ông con về nhà của mình trên thiên đường, bắt đầu một hành trình của sinh mệnh mới.

Trong quá trình nói chuyện, tôi đột nhiên nhớ lại một chuyện, khi chúng tôi sống ở nhà ông bà, từng thấy ông để lại một bức thư trên bàn dưới căn hầm làm việc. Bên trên phong bì có ghi: “My Funeral” (lễ tang của tôi), miệng phong bì để nguyên không dán, tôi cũng không mở bức thư ra để xem nội dung viết gì. Tôi nghĩ đó khả năng là liên quan đến tang lễ của ông. Tôi đem sư việc này nói với mẹ, mẹ kêu tốt quá, tại vì mọi người đều không biết ông có sắp xếp gì cho tang lễ của mình không, khi hỏi bà nhưng bà cũng không biết. Sau đó mẹ cho tôi xem nội dung bức thư, đúng là liên quan đến việc lo hậu sự của của ông, trong thư có vẽ sơ đồ những ai là người khênh quan tài và hai câu Thánh kinh mà ông thích thích.

Thứ 7 tuần đó, lần đầu tiên trong đời tôi tham dự đám tang ở đây. Có một tín đồ người Mỹ làm chủ tang lễ đọc lời cầu nguyện. Tại lễ đường có rất nhiều người thân, con cháu và những người trong giáo hội, tất cả khoảng ba, bốn trăm người đứng chật cả lễ đường. Có rất nhiều người trẻ như chúng tôi đều gọi ông là ‘Grandpa’. Khi chúng tôi đến nơi, quan tài của ông được để tại trước sảnh lễ đường, xung quanh được trang trí rất nhiều hoa tươi, nắp quan tài được mở, ông nằm trong đó với dáng vẻ an lành như người đang ngủ. Mọi người xếp hàng đến nhìn ông lần cuối, có người đứng lặng lẽ nhìn ông, có người thì nhẹ nhàng chạm vào tay ông rồi nói lời từ biệt. Tuy rằng vẫn nhìn thấy nhiều người trong lễ đường khóc nhưng tuyệt đối không hề có một tiếng động hay tiếng khóc lớn nào, chỉ có những tiếng nói chuyện trao đổi hết sức nhẹ nhàng.

Ngoài đàn ông mặc Âu phục màu đậm ra thì quả nhiên toàn bộ phụ nữ đều mặc váy có nhiều mắc sắc khác nhau. Khi buổi lễ bắt đầu mọi người đều ngồi xuống hết, có đôi lúc các con của ông run rẩy trước quan tài của cha mình nhưng vẻ mặt lại hết sức trầm tĩnh. Cuối cùng mọi người hôn tạp biệt ông rồi đậy nắp quan tài. Trong tiếng kèn nhạc tiễn đưa, một bên ba người con trai, một bên ba người con gái cùng nâng chiếc quan tài lên tiễn đưa cha mình đến trước lễ đường, đi đúng như sơ đồ vẽ của ông yêu cầu.

Trong tang lễ có người đọc kinh, có người nói vài lời tiễn đưa, cuối cùng người con trai cả của ông tên là Roger lên nói vài lời đã để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người.  Bác Roger kể lại hồi nhỏ, mỗi tối trước khi đi ngủ, Cha mình đều yêu cầu các con lắng nghe mẹ đọc Thánh kinh rồi mới được đi ngủ. Nhưng do cha làm việc cả ngày mệt nên thường là Mẹ chưa đọc hết thì Cha đã ngủ trên ghế sopha rồi. Mọi người khi nghe đến đây đều cười, điều này thực sự khiến tôi bất ngờ và cảm động, tôi tham gia qua rất nhiều những sự kiện hôi họp hay nghi lễ, nghe qua rất nhiều những lời nói chúc tụng hay tiễn đưa nhau đều cảm thấy thật ngượng ngập không có sự chân thành. Nhưng trong buổi lễ truy điệu này tôi nghe được bao nhiêu lời ca ngợi công đức hay tuyên dương đều cảm thấy tự nhiên và chân thành.

Tôi không ngờ mọi người có thể chân thành đến vậy, tôi phát hiện những lời nói của bác Roger càng khiến cho tình cảm của mình dành cho ông càng ấm áp hơn. Tiếp đó bác Roger còn nói: “Cha tôi không phải là một người hoàn mỹ, nhưng bây giờ trong vòng tay của Chúa, Cha là người hoàn mỹ nhất”.

“Cha tôi không phải là một người hoàn mỹ, nhưng bây giờ trong vòng tay của Chúa, Cha là người hoàn mỹ nhất”. (Ảnh dẫn theo churchinvungtau.com)

Lời nói ấy thật tuyệt vời, nghe đến đây tôi chợt minh bạch một chân lý. Tại sao tín đồ của đạo Kitô lại không sợ nhận những sai sót của bản thân? Vì họ luôn có cảm giác được an toàn, cho dù họ có bao nhiễu điều thiếu sót thì họ vẫn tin tưởng rằng Đức Chúa trời của họ vẫn luôn yêu thương che chở cho họ. Hơn nữa bất kể họ làm điều gì thì Đức Chúa trời của họ đều biết. Sau cùng bác Roger nói thêm rằng cha của họ chỉ là tạm thời chia tay, sau cùng sẽ gặp lại.

Buổi lễ kết thúc, 6 người con đưa ông ra khỏi lễ đường, đưa lên xe tang đến nghĩa trang. Mỗi chiếc xe đi theo đều được gắn một chiếc cờ nhỏ trên nóc xe, tất cả có mấy chục chiếc xe đi dọc trên đường, không cần phải dừng lại khi có đèn đỏ và cũng không bị các xe khác cản trở. Toàn bộ cuộc hành trình đến khu nghĩa trang ngoại ô thành phố đều thuận lợi, sau khi cầu nguyện một lần nữa, quan tài của ông được đưa vào lòng đất trong tiếng nhạc và vòng tay thân thương của người thân bạn bè, mỗi người đều thả một bông hoa lên nắp quan tài để tiễn biệt ông.

Tuy cuộc chia ly không nỡ nhưng mà trong tư tưởng của mọi người lại không hề có cảm giác âm dương cách biệt, ngược lại chỉ là cảm giác tạm xa nhau. Điều này mang đến cho tôi một cảm giác tĩnh lặng và thành bình đến lạ thường. Nó hoàn toàn khác xa với những phong tục tập quán và tư tưởng của người phương Đông chúng ta. Đây là cả một quá trình và nghi thức tiễn đưa trang nghiêm, tôi cũng hy vọng sau này khi trăm tuổi về già, lễ truy điệu của chính mình cũng được bình yên, trang nghiêm như vậy, trong tang lễ không hề có tiếng khóc than bi thương. Nhưng nếu như chúng ta không có được niềm tin vào sự vĩnh hằng của sinh mệnh, không có được tín ngưỡng văn hoá của mình, vậy thử hỏi ai có thể tiễn đưa người thân máu mủ của mình lại không đau lòng khóc thương được chứ?

Cuối cùng, tôi đã hiểu như thế nào là một người thành công

Vào hôm kỷ niệm ngày mất của ông năm thứ hai, mẹ đưa bà và vợ chồng tôi đến thăm mộ ông. Bà nhẹ nhàng phủi những chiếc lá trên bia mộ, hình ảnh đó giống như bà đang phủi những sợi tóc rụng trên vai ông xuống, trong mắt bà tràn đầy tình cảm yêu thương ấm áp. Tôi nhìn bà với ánh mắt đau buồn, có lẽ bà đang rất nhớ ông, người bạn đời của mình. Bà ngẩng đầu nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn lên bầu trời xanh thẳm, chỉ tay lên bầu trời bà nói, ông không có ở đây mà đang ở trên kia…

Sau khi ông mất, cho dù con cái khuyên nhủ thế nào, bà vẫn quyết định sống một mình trong căn nhà cũ, bởi dù sao thì nơi đó cũng lưu lại vô số những ký ức và kỷ niệm đẹp của hai người.

Nhưng sau đó không lâu, trong một lần bà đi xuống cầu thang dưới hầm giặt quần áo không may bị ngã gãy chân phải nằm viện. Sau khi phẫu thuật xong xuất viện, mẹ đã đón bà về nhà mình ở. Vậy là bà ở lại nhà con gái mình hưởng thụ tuổi già, được con cháu chăm sóc.

Từ đó chúng tôi thường đến nhà mẹ thăm bà. Bà tuy vẫn còn yếu nhưng thần sắc ngày một tốt hơn. Nhiều lần bà vừa cười vừa nói rằng mong Chúa sớm đến đón bà đi, lúc đó Mẹ thường nói rằng: “Bà phải nhẫn nại chứ, không thể chạy trước thời gian của Chúa được, thời gian của Chúa vẫn chưa đến đâu”.

Sau khi ông mất được 3 năm thì Chúa đến đón bà đi, hôm đó bà tươi cười mãn nguyện kể cho mọi người rằng, buổi trưa bà ngủ mơ, trong giấc mơ bà và ông nắm tay nhau đi trên thiên đường, ở đó con đường được trải dài bằng vàng kim lấp lánh mỹ lệ vô cùng. Sang ngày thứ 2 khi bà đang ngồi trên sopha trong phòng khách thì kêu đau bụng, mẹ đưa bà về giường nằm đắp chăn cho bà, sau đó hôn nhẹ lên trán bà nói: “Ilove you” và để bà ngủ như thường lệ, nhưng khoảng 15 phút sau quay lại thì đã thấy bà đã đi xa rồi.

Khi mẹ nói cho tôi những điều này, đối với mẹ, việc bà ra đi ngay chính ngôi nhà của mình đó là điều hạnh phúc, tại vì nó mang lại cho bà cảm giác tự tại. “Con biết không Anne, có điều kỳ lạ là cây dâm bụt lại ra hoa vào ngày hôm đó, bởi thông thường cây chỉ ra hoa vào mùa hè mà thôi”.

Tang lễ của bà được cử hành giống như của ông trước đây. Các con cháu tưởng nhớ lại công ơn nuôi dạy một đời của Cha Mẹ, biểu đạt lòng cảm tạ và yêu quý với song thân.

Cuối cùng, tôi đã hiểu như thế nào là một người thành công. (Ảnh minh họa dẫn theo farhoo.com)

Nhiều năm nay, tôi luôn nhớ về hai ông bà. Nhớ lại dáng người cao gầy nhưng đầy phong độ và ấm áp của ông, nhớ dáng người thanh mảnh đoan trang của bà. Nhớ mỗi lần hai người nói chuyên luôn luôn bắt đầu bằng câu nói “Honey”, những lời nói, những cử chỉ, những hành động của hai người luôn đầy ắp những tình cảm yêu thương chan chứa dành cho nhau. Hình ảnh hai người tóc đã đổi màu luôn dìu dắt nhau đi trong cuộc sống với nụ cười ấp áp luôn ở trên môi. Nhớ hình ảnh bà đeo kính lão đọc sách cho ông… Sau này mỗi khi nghe ai nói những từ như ‘nắm lấy tay nhau’, hay là ‘giai lão’ tôi lại nhớ đến hình ảnh của ông bà…

Ông bà không nuôi dạy, bồi dưỡng ra được người con nào học rộng làm cao, nhưng lại nuôi dưỡng ra được những người con có hiếu cho trách nhiệm, có tình yêu với cha mẹ.

Ông Bà không phải là những người giàu có nhiều tiền, không thể có tiền thuê người giúp việc chăm sóc nhà cửa hay làm vườn, nhưng họ có được sức khỏe. Hơn 80 tuổi ông bà vẫn có thể tự do làm được mọi việc trong nhà, về cuộc sống hưởng thụ vật chất họ không được giàu có đầy đủ như những người khác, nhưng lại đủ đầy giàu có về tình cảm, phong phú về tâm hồn.

Trước đây tôi luôn cho rằng, hoặc là danh tiếng hiển hách, hoặc là phú quý đầy nhà, hoặc là lưu danh vạn cổ, đó chính là sự thành công trong đời người. Nhưng bây giờ tôi đã nghĩ khác…

Một người bình thường trong cuộc sống thường nhật, nếu có thể phó xuất một cái tâm chân thật, nhận được tấm chân tình, yêu thương mọi người và được mọi người thương yêu, đi xa thì nhớ về gần thì thương, được mọi người tôn kính… thì đó chính là thành công rồi!

Theo kannewyork.com
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version