Đại Kỷ Nguyên

Bị đầu thai thành động vật vì vay tiền mà không trả

Ở một huyện của tỉnh Sơn Đông, có một người họ Lý mọi người gọi là Lý viên ngoại. Lý viên ngoại là người vừa giàu có lại có đức, lòng dạ rộng rãi, tính tình phóng khoáng, rất coi trọng lời nói.

Cùng thôn với Lý viên ngoại có một người làm ăn buôn bán họ Hồ. Bởi vì người này là con thứ tư trong gia đình nên được gọi là Hồ Tứ. Lúc Hồ Tứ thiếu vốn làm ăn buôn bán thường đến nhà Lý viên ngoại để vay tiền. Trong nhiều năm, hai người một bên cho vay, một bên hoàn trả sòng phẳng, cho nên quan hệ của họ rất tốt đẹp.

Có một năm, Hồ Tứ mượn của Lý viên ngoại 100 lượng bạc, kết quả là làm ăn lại bị thua lỗ. Vì vậy, 100 lượng bạc này Hồ Tứ không có khả năng để hoàn trả nên ông ta đã nảy sinh ra ý định muốn quỵt nợ. Trong tháng Chạp năm đó, Hồ Tứ đến nhà Lý viên ngoại chơi. Lý viên ngoại đã mang sổ sách ghi chép nợ ra và nói: “Hồ Tứ, mùa xuân năm nay anh có vay của tôi 100 lượng bạc.”

Hồ Tứ lập tức nói lại: “Lý viên ngoại, có phải là anh đã nhầm lẫn rồi không? Tôi năm nay không có vay tiền của anh đâu.

Không ngờ, Lý viên ngoại không hỏi thêm và nói luôn: “Vậy là tôi nhớ nhầm rồi!” Ông vừa nói vừa đem sổ ghi nợ 100 lượng bạc mà Hồ Tứ vay ra gạch bỏ. Hơn nữa, ông còn giữ vẻ mặt rất bình thản và tươi cười tiếp chuyện Hồ Tứ.

Vào một đêm mùa xuân năm sau, Lý viên ngoại đang nằm ngủ thì mơ thấy Hồ Tứ với nét mặt cực kỳ khốn khổ đứng trước mặt mình nói: “Lý viên ngoại, hôm nay tôi đến đây trả nợ cho anh.” Lý viên ngoại tỉnh dậy trong lòng thấy hoang mang bối rối, nhưng không hiểu ý là gì liền nằm ngủ tiếp. Nhưng có điều kỳ lạ là ông cứ chìm vào giấc ngủ thì lại mơ thấy giấc mơ y như lần đầu và cuối cùng nó khiến ông không thể tiếp tục ngủ được nữa.

Đang lúc ông còn không hiểu thế nào về giấc mơ này thì đột nhiên có tiếng gõ cửa. Người hầu trong nhà ông bước vào và vui mừng nói: “Ông chủ, con lừa cái của nhà chúng ta vừa sinh ra một con la con. Con la này rất to, cũng rất quấn quýt với người.”

Lý viên ngoại nghe xong thấy kinh động và hiểu rõ ngay giấc mơ của mình, thế là ông vội vã nói với người ở: “Hãy nhanh đi đập chết con la này đi!”

Người hầu này nghe xong lấy làm sửng sốt nghĩ: “Ông chủ đã xảy ra chuyện gì vậy nhỉ? Có phải là thần kinh không bình thường? “

Lý viên ngoại nhìn thấy người hầu đứng đấy không nhúc nhích gì liền quát to hơn: “Người có nghe thấy ta nói không? Hãy mau chóng đem con la đó đập chết đi, nhanh lên!”

Người hầu vì bị ông chủ thúc giục nên vội vàng chạy đi cầm cái cuốc, rồi đập vào đầu con la, con la lăn ra đất và chết.

Cũng tại đêm hôm đó, Hồ Tứ tự nhiên bị bệnh cấp tính chết “bất đắc kỳ tử” nhưng ngay sau đó lại lập tức sống lại. Hồ Tứ nhớ rõ sự tình mình đã chuyển sinh thành con la, nên vừa sợ hãi vừa thấy cảm kích ơn cứu mạng của Lý viên ngoại. Hồ Tứ lập tức bán hết tài sản để lấy tiền hoàn trả lại món nợ cho Lý viên ngoại.

Mấy ngày sau, Hồ Tứ cầm 100 lượng bạc đến nhà Lý viên ngoại trả nợ, nhưng Lý viên ngoại biết rõ Hồ Tứ khốn khó nên kiên quyết không nhận mà nói rằng: “Tháng chạp năm trước tôi nói là anh nợ tôi 100 lượng là nói đùa vậy thôi, anh đừng nên tưởng thật.” Hai bên giằng co rất lâu, Hồ Tứ một mực muốn trả nhưng Lý viên ngoại vẫn kiên quyết không nhận. Cuối cùng Hồ Tứ nói: “Nếu mà anh không nhận, tôi sẽ đi kiện anh!

Lý viên ngoại nghe vậy liền nói: “Anh có kiện tôi cũng không nhận!”

Sau đó không ngờ Hồ Tứ đã thực sự kiện lên huyện lệnh. Vị huyện lệnh cảm thấy vụ án này quá khác thường nên đã truy hỏi đến tận cùng. Hồ Tứ lúc này mới nói rõ đầu đuôi sự việc cho vị huyện lệnh nghe. Huyện lệnh liền sai người mời Lý viên ngoại đến nha môn và khích lệ ông nhận tiền. Lý viên ngoại vẫn nói rằng ông không cho Hồ Tứ vay số tiền đó, nên không thể nhận.

Cuối cùng vị huyện lệnh nói: “Nếu như ông không nhận thì ông phải giao nộp cho huyện 100 lượng bạc.”

Không ngờ, Lý viên ngoại lập tức vui vẻ đồng ý. Vị huyện lệnh thấy vô cùng cảm kích trước tấm lòng bao dung, rộng lượng của Lý viên ngoại nên cũng tình nguyện bỏ ra 100 lượng. Sau đó ba người họ dùng 300 lượng tiền này xây một ngôi chùa tại địa phương và đặt tên là chùa “Hiện thế báo miếu.”

Hồ Tứ từ sau sự việc đó đều một lòng hướng thiện, không còn ý nghĩ làm điều sai trái và cũng luôn biết ơn Lý viên ngoại đã cứu mạng mình. Còn Lý viên ngoại cả đời làm người tốt nên đến tận đời con cháu của ông cũng nhận được phúc báo. Người dân địa phương từ đó đều ghi nhớ câu chuyện này để làm gương noi theo, đến tận sau này vẫn còn có người nhớ câu chuyện này.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version