Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn về căn bệnh khủng khiếp khiến cả Đế chế La Mã hùng mạnh bị diệt vong

Những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ và Canada chỉ ra rằng nhiễm độc chì chính là nguyên nhân khiến giới cầm quyền quý tộc La Mã chết yểu, từ đó dẫn đến sự suy vong của đế chế này.

Trong lịch sử nhân loại, La Mã là một cái tên đáng ngưỡng mộ về mọi mặt: văn hóa, nghệ thuật, tri thức và chính trị, quân sự, kinh tế… Tuy nhiên sự suy vong đột ngột của đế chế này vào cuối thế kỷ thứ 5 khiến nhiều sử gia phải đau đầu. Đến nay, qua những nghiên cứu mới nhất, một phần nguyên nhân đã được hé lộ.

Sự hùng mạnh của La Mã

Lãnh thổ La Mã trải rộng trên lãnh thổ 3 châu lục. Ảnh: Wikipedia.

Các sử gia đều thống nhất với nhau rằng, Đế chế La Mã là một trong những chế độ chính trị hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người. Lãnh thổ của nó trải rộng khắp một nửa Châu Âu, một phần Bắc Phi và vùng Trung Đông (ngày nay là vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq).

Người La Mã vẫn luôn tự hào rằng đế chế của mình trải khắp 3 cựu lục địa (Âu, Á, Phi) và coi biển Địa Trung Hải chỉ như một cái hồ phía sau nhà. Mốc chính thức bắt đầu của đế chế La Mã là năm 27 TCN, là năm hoàng đế Augustus bắt đầu trị vì.

Cảnh ăn chơi hưởng thụ của quý tộc La Mã. Ảnh: thestudentchef.com

Ở vào thời kỳ đỉnh cao, La Mã kiểm soát một cương vực rộng gần 6,5 triệu km2 và số dân lên tới 88 triệu người. Người La Mã đã được tận hưởng 2 thế kỷ đầu tiên phát triển rực rỡ, cực thịnh với nền “Thái bình La Mã” (Pax Romania).

Khi ấy, lãnh thổ của La Mã bao trùm 54 quốc gia tính theo mốc địa giới hiện tại. Những dấu ấn mà người La Mã để lại vẫn còn ảnh hưởng tới tận ngày nay về nhiều mặt: ngôn ngữ, kiến trúc, văn hóa…

Cái chết đến từ ngay sát sườn

Người La Mã phải gánh chịu thảm họa vì thói quen sinh hoạt tưởng như vô hại của mình. Ảnh washingtonpost. com

Người ta từng đưa ra rất nhiều phỏng đoán cho sự suy vong đột ngột của La Mã vào thế kỷ thứ 5. Từ chỗ là một trong những cường quốc số một thế giới, La Mã trở nên yếu đuối lạ thường trước cuộc tấn công, xâm lăng của các bộ tộc German từ phương Bắc.

Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu Mỹ và Canada đã đưa ra một kết luận gây sốc: Đế chế La Mã sụp đổ vì nhiễm độc chì. Thời điểm ấy, chì vốn là một nguyên liệu rất phổ biến trong xã hội La Mã. Người ta dùng oxit chì để sản xuất bình, cốc, chén, mỹ phẩm hay làm những vật dụng sinh hoạt thường ngày như ống dẫn nước, thùng đựng nước hay nấu ăn.

Những đường ống nước làm bằng chì của người La Mã. Ảnh: Vanni Archive/CORBIS.

Những ghi chép cũng cho thấy người La Mã xưa thường ăn thực phẩm có chứa nhiều khí cabonic. Chất khí này khi phản ứng với chì sẽ sinh ra chì cabonat, dễ hòa tan trong nước, dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào cơ thể.

Ai cũng hiểu rõ tác hại của chì đối với con người. Khi tích tụ một dư lượng chì quá lớn trong cơ thể, người ta dễ dàng mắc các chứng bệnh nguy hiểm do ngộ độc kim loại. Khi nhiễm độc chì, phụ nữ sảy thai, đàn ông giảm số lượng tinh trùng còn trẻ nhỏ thì còi cọc, chậm phát triển, tâm thần không ổn định.

Tầng lớp quý tộc thường được tiếp xúc nhiều với chì hơn là những người bình dân. Các nghiên cứu cho thấy giới quý tộc La Mã thường mắc phải bệnh kinh niên và chết yểu. Khi ấy, tuổi thọ trung bình của các trưởng thị tộc thường chỉ là 25 tuổi.

Sông Tiber, nguồn nước của đế quốc La Mã. Ảnh: Francesco Icobelli/JAI/Corbis.

Đã có bằng chứng cho thấy ngay cả các hoàng đế La Mã cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sử sách ghi lại rằng, hoàng đế Claudius (trị vì từ năm 41 đến năm 54) có biểu hiện nhiễm độc chì rất nặng: “Claudius nói năng rất vấp, tứ chi yếu, dáng đi vụng về, có vấn đề về tâm lý và thường xuyên bị chảy dãi”. Người ta cũng thừa nhận rằng các hoàng đế cai trị trong những thế kỷ đầu công nguyên (thời điểm La Mã bắt đầu suy vong) cũng thường xuyên mắc chứng tâm thần.

Dù không phải tiếp xúc với đồ dùng bằng chì như giới quý tộc nhưng những người bình dân La Mã cũng vẫn ngộ độc chì từ thói quen sinh hoạt hàng ngày. Người dân thường lấy nước mưa từ những ống dẫn nước bằng chì. Ngoài ra, họ cũng dùng lấy nước sông Tiber (vốn nhiễm chì rất nặng) làm nguồn nước sinh hoạt chính. Các khảo sát gần đây cho thấy, nước sông Tiber có nồng độ chì cao gấp 100 lần so với nước ở những nguồn khác quanh khu vực.

La Mã suy vong vì một nguyên nhân không ai ngờ tới và hiện chỉ còn là những phế tích. Ảnh: Luigi Vaccarella/SOPA RF/SOPA/ Corbis.

Trước đây, người ta truyền miệng câu chuyện kể rằng cả thành La Mã đã được một con ngỗng cứu sống. Số là những con ngỗng đã kịp thời phát hiện ra kẻ thù từ xa và kêu lên đến khản cổ để cấp báo tin tức. Nhờ vậy mà thành La Mã được bình an vô sự. Ngỗng đã cứu người La Mã kỳ diệu bao nhiêu thì chì lại hạ độc thủ, khiến họ thảm bại đau đớn bấy nhiêu.

Hữu Bằng (Tổng hợp)

Exit mobile version