Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn Ô Long Đao huyền thoại từng giúp hoàng đế Quang Trung đại phá oanh liệt 20 vạn quân Thanh

Từng gắn liền với anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, thanh Ô Long Đao đã cùng hoàng đế triều Tây Sơn để lại những chiến tích hiển hách.

Võ tướng kiệt xuất bất bại trong suốt cuộc đời

Nguyễn Huệ (1753 – 1792), còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, bên cạnh Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình khá giả được ăn học đầy đủ, Nguyễn Huệ cùng hai người anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến (một người văn võ song toàn). Chính Văn Hiến là người đã phát hiện ra tài năng của Nguyễn Huệ, khuyến khích 3 anh em nhà Nguyễn phất cờ khởi nghĩa, xây dựng đại nghiệp.

Cả 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, rồi cả ba anh em Tây Sơn cùng sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định.

Vào thời đầu của cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Huệ được anh trai là Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc giao cho phụ trách, huấn luyện binh lính. Nhờ vào tài năng võ học cũng như am hiểu binh pháp của mình mà đội quân được ông huấn luyện biết sử dụng rất nhiều binh khí từ đao, kiếm, côn, cung, cưỡi ngựa… cũng như nắm rõ các chiến thuật đánh.

Chính vì thế, quân của Quang Trung đánh đâu là thắng đó. Điển hình là lần đại phá quân Thanh năm 1789,  trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785). Trong đó, trận Rạch Gầm – Xoài Mút là chiến thắng nhanh gọn, vĩ đại và có ý nghĩa nhất của nghĩa quân từ khi khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 1 ngày đêm, đội quân nhà Nguyễn đã đại phá hơn 300 chiến thuyền cùng 2 vạn quân Xiêm. Bên cạnh Lý Thường Kiệt, người dẫn 10 vạn quân đánh sang đất Tống (Trung Quốc) cảnh báo ý đồ xâm lược thì Quang Trung cũng là người được người phương Bắc nể vì. Chính vua Càn Long cũng sẵn sàng cắt đất nếu ông đồng ý làm con rể.

Thanh Ô Long Đao huyền thoại

Khi nói về ‘Tây Sơn thập thần vũ khí’ (tức mười vũ khí lợi hại của Tây Sơn) không thể không nhắc đến thanh Ô Long Đao của Nguyễn Huệ. Thanh đao ấy đã gắn liền với võ tướng trong suốt sự nghiệp chiến trận, binh chinh thiên hạ của ông. 

Truyền thuyết kể rằng, Nguyễn Huệ có được thanh đạo một cách khá kỳ lạ, một hôm trong lúc đi qua đèo An Khê (đèo nằm trên đường từ Quy Nhơn, Bình Định đi Pleiku, Gia Lai), bỗng trong rừng xuất hiện hai con rắn mun to lớn, mắt bằng quả dừa có màu xanh ngọc trườn ra đón đường dâng lên thanh đao quý, sau đó cúi đầu từ tạ trở lại rừng. 

Thanh Ô Long Đao có cán màu gỗ mun đen nhánh, lưỡi được rèn bằng kỳ kim, cũng mang 1 màu đen tuyền, khi đao rời vỏ, khí lạnh tỏa ra 1 vùng, lưỡi đao sắc lẹm đến lạnh người. Đao có trọng lượng rất nặng, đối với một người bình thường thì không thể nào có thể sử dụng được. 

Đây cũng là thanh đao gắn liền với những chiến công hiển hách của anh hùng áo vải. Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô long đao chém tướng quân Xiêm lên đến hàng trăm người. Đao đến đâu là quân địch ngã rạp đến đó. Đặc biệt trong trận đánh này, có sự kết hợp giữa Ô Long Đao và Huỳnh long đao tả xung hữu đột khiến quân địch kinh hồn bạt vía. Tới năm Kỷ Dậu (1789), Ô Long đao lại một lần nữa cùng Quang Trung – Nguyễn Huệ triệt hạ vô số quân Thanh xâm lược…

Đáng tiếc là tất cả các sử sách về cuộc đời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đều không hề nói đến các chiêu thức cụ thể và cách thức sử dụng Ô Long đao. Hầu hết tài liệu về các vị hoàng đế sử dụng Ô Long đao đều chỉ được mô tả một cách ước lệ, chung chung đầy huyền bí chứ rất ít những chi tiết cụ thể, rõ ràng. Và cho tới thời điểm hiện tại thì cũng chưa có một thông tin nào về cách sử dụng đao của vị anh hùng này được truyện lại cho hậu nhân.

Sánh ngang với thanh Ô Long đao của vua Quang Trung, thanh Đại Long Đao của vua Mạc Đăng Dung là hai trong những thanh đại đao huyền thoại nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam.

Thanh Long đao này dài tới 2,55m với cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60m, lưỡi dài 0,95m. Mặc dù đã bị  han rỉ và sứt mẻ sau 500 năm lịch sử nhưng thanh đại đao này vẫn còn khá nguyên vẹn và có trọng lượng khoảng 25kg. Ước tính khi chưa bị han gỉ nó có thể nặng tới hơn 30kg, sánh ngang với Thanh Long đao của Quan Vân Trường.

Trong binh khí của võ học cổ truyền, Đại đao được suy tôn là “bách quân chi nguyên soái”, có nghĩa là nguyên soái của trăm quân. Đao pháp chủ yếu có chém, bổ, miết, khều, xoay, gác, kéo, đẩy… Các loại đao pháp đều vận dụng rõ ràng ở lưỡi đao nên gọi là “đại đao xem lưỡi”. Khi thi triển đại đao, một chiêu, một thức bổ mạnh, chém rộng, một động, một tĩnh uy vũ đường đường. 

Bảo Nguyên

Xem thêm:

Exit mobile version