Đại Kỷ Nguyên

Bảo Thánh Hoàng hậu dũng cảm đối mặt với hổ bảo vệ vua Trần Nhân Tông

Nhà Trần là một trong những triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử nước ta: không chỉ có những vị đế vương và tướng lĩnh anh hùng làm nên 3 lần đại thắng giặc Nguyên Mông, mà còn có những bậc mẫu nghi thiên hạ xuất chúng.

Luận về lòng nhân đức, nhà Trần có Thuận Thánh Bảo Từ và Hiến Từ Tuyên Thánh là hai hoàng hậu để lại tiếng thơm nghìn đời. Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu tấm lòng nhân từ, yêu con vợ thứ như con ruột; còn Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu thì bao dung độ lượng, không truy lỗi người yểm bùa hại mình (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Còn nếu như luận về lòng dũng cảm, gan dạ thì có lẽ không ai bì được với Bảo Thánh hoàng hậu. Sử sách còn chép lại sự việc bà điềm tĩnh đối diện với hổ dữ và voi lớn, bảo vệ vua Trần Nhân Tông.

Bảo Thánh hoàng hậu là con gái đầu của quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Năm Giáp Tuất 1274 đời vua Trần Thánh Tông, bà được gả cho thái tử Trần Khâm. Năm Mậu Dần 1278, thái tử lên ngôi vua lấy niên hiệu là Trần Nhân Tông, bấy giờ bà được phong làm Bảo Thánh hoàng hậu.

Năm 1293, vua Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là thái tử Trần Thuyên – tức vua Trần Anh Tông – rồi lên làm thái thượng hoàng, Hoàng hậu được suy tôn làm Bảo Thánh hoàng thái hậu.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại về bà như sau:

“Thái hậu nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới.

Thượng hoàng có lần làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, hổ bỗng nhiên thoát khỏi chuồng trèo lên lầu. Người trên lầu đều tan chạy cả. Chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4, 5 thị nữ còn ở đó. Thái hậu nghĩ không khỏi bị hại, mới lấy chiếc chiếu che cho Thượng hoàng và tự che mình. Hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống không vồ hại ai cả.

Lại một lần Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lên điện, tả hữu đều sợ hãi tan chạy cả, chỉ có Thái hậu vẫn ở đó”.

(Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Bàn về chuyện này, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết:

“Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy.

Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu cho hoàng đế, có lẽ cũng không thẹn gì. Kẻ sĩ đại phu, há chẳng nghĩ làm thế nào đạt đến mức suy nghĩ chín chắn, lý lẽ sáng tỏ, để đối phó với mọi chuyển biến của sự cơ hay sao?”

“Nàng Tiệp Dư ngày xưa” mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến chính là nàng Phùng Viện, hay còn gọi là Phùng Tiệp dư (tiệp dư là một cấp bậc của phi tần) thời Hán Nguyên Đế.

Năm Kiến Chiêu nguyên niên (38 TCN), Hán Nguyên Đế cùng hậu cung cơ thiếp xem đấu thú ở quảng trường lớn. Khi đang theo dõi trận đấu thì đột nhiên một con gấu mất kiểm soát, vồ lên khán đài nơi Nguyên Đế đang ngồi. Tất cả quan thần lẫn cơ thiếp đều nhất loạt chạy tứ tán, bỏ mặc Hán Nguyên Đế, duy chỉ có Phùng Viện xả thân mình lên chắn ngang giữa Nguyên Đế và con gấu. Con gấu sau đó bị giết bởi đội vệ binh.

Khi Hán Nguyên Đế hỏi vì sao bà lại lao ra chắn mình, Phùng Viện thật thà đáp: “Thần thiếp nghe nói con gấu một khi đã muốn hại ai, thì sẽ vồ lấy mục tiêu bất chấp thứ gì khác. Thần thiếp không muốn bệ hạ bị hại, đành liều mình ra ngăn. Bệ hạ quân lâm thiên hạ, không thể bị hại, dù thần thiếp có bị chết cũng đáng”. Sau lần đó, Nguyên Đế càng yêu quý Phùng Viện hơn.

Quả như câu nói của hoàng đế Đường Thái Tông: “Tật phong tri kình thảo, bản đãng thức thành thần”, nghĩa là: Gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần vậy!

Phùng Tiệp dư và Bảo Thánh hoàng hậu đều xứng đáng là “nữ trung hào kiệt”. Một vị hoàng hậu nhu mì, hiền thục dám ngăn hổ cản voi bảo vệ hoàng đế là một hình tượng tuyệt đẹp của dũng khí, tĩnh khí và chính khí. Thế mới biết, một trái tim nhân từ và một tinh thần mạnh mẽ là bạn đồng hành của nhau.

Ngân Hà

Exit mobile version