Đại Kỷ Nguyên

Bạn biết gì về ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hay lễ Tình nhân của phương Đông?

Hôm nay là ngày 7 tháng 7 Âm lịch, cũng được biết là ngày lễ Thất tịch hay ngày lễ tình yêu của người châu Á. Vậy bạn đã biết gì về ngày đặc biệt này?

Trong văn hóa phương Đông, ngày lễ Thất tịch là ngày lễ tình yêu được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Lễ hội này gắn liền với câu chuyện của Ngưu Lang – Chức Nữ về một tình yêu xa cách nhưng vĩnh cửu. Lễ Thất Tịch còn là ngày lễ dành cho những cặp “yêu xa”, những người yêu nhau nhưng chưa thể đến bên nhau. Vì vậy, họ thường dành ngày này để tặng quà, để gửi thiệp, lời chúc hoặc dành tặng cho nhau những bất ngờ nho nhỏ, để ủ ấm và nuôi dưỡng tình yêu chân thành của mình.

Ngày hội truyền thống này bắt đầu từ thời nhà Hán (206 trước CN – 220 sau CN) tại Trung Quốc, sau đó cũng bắt đầu xuất hiện tại một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… và Việt Nam với những tên gọi khác nhau.

Lễ Qixi (Thất Tịch) Trung Quốc

Ngày này còn có các tên gọi khác như ngày Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản hay ngày Xảo tịch. Trong ngày lễ này những cô gái trẻ Trung Quốc trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt và người yêu thương chân thành.

(Ảnh: thông qua tinmoi.vn)

Khác với việc tặng hoa hồng và sô cô la trong ngày lễ Tình yêu của phương Tây, ngày này ở Trung Quốc các đôi yêu nhau thường đến Đền Bà mối để cầu nguyện. Họ mong tình yêu bền chặt và sẽ cưới được nhau. Với những ai chưa có người yêu thì cầu sẽ sớm gặp người hợp ý.

Cô dâu chú rể thể hiện truyền thống hôn nhân khóa chung ổ khóa trái tim trong một lễ cưới tập thể quốc tế theo truyền thống Trung Quốc ở tỉnh Sơn Tây. (Ảnh: thông qua chutluulai.net)

Một số nơi còn tổ chức nhiều sự kiện ghép đôi, xe duyên. Có đôi còn đưa nhau lên Vạn Lý Trường Thành để cùng khóa những đôi khóa tình yêu.

Lễ Tanabata Nhật Bản

Tanabata là lễ hội ngắm sao của Nhật Bản, có nguồn gốc từ lễ hội Qixi của Trung Quốc (Ngưu Lang Chức Nữ). Lễ hội Nhật Bản này kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang). Lễ hội được cho là du nhập vào Nhật trong thế kỷ thứ 8 và phổ biến rộng từ thời kỳ Edo.

(Ảnh: thông qua mangdoisong.com)

Phong tục tập quán liên quan đến lễ hội Tanabata Nhật Bản đã bị biến đổi theo vùng của quốc gia nhưng dù ở đâu thì lễ hội này cũng có điểm chung là nơi để mọi người gửi những lời cầu nguyện của mình và hy vọng lời cầu nguyện ấy sẽ trở thành hiện thực.

Hiện nay ở Nhật Bản, vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi lễ hội này kết thúc. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng vàng, trắng, đen.

(Ảnh: thông qua lehoithegioi.com)

Theo phong tục, những người yêu nhau còn hay xếp hình giấy theo các hình thông dụng, như cánh hạc (Orizuru), bộ Kimono bằng giấy (Kamigoromo), túi xách (Kinchaku), lưới (Toami), bao (Kuzukago),… để tặng nhau hay để trang trí cầu chúc cho may mắn và tốt lành. Ngoài ra nhiều người trẻ tuổi cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân.

Lễ Chilseok Hàn Quốc

Chilseok là một lễ hội truyền thống của Hàn Quốc rơi vào mùng 7 tháng 7 âm lịch, cũng bắt nguồn từ lễ hội Qixi ở Trung Quốc. Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.

Ngưu Lang Chức Nữ của Hàn Quốc tên là Gyeonwu và Jiknyeo. (Ảnh: thông qua ohay.tv)

Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.

Lễ Thất Tịch Việt Nam

Ngày lễ này còn được biết với tên gọi “Ông Ngâu bà Ngâu”. Vào ngày này trời thường mưa, được gọi là mưa ngâu, là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: “Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”.

(Ảnh: thông qua giadinhvietnam.com)

Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt. Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.

(Ảnh minh họa: thông qua ymoi.com)

Ở Hà Nội, vào ngày này, giới trẻ thường đổ về Chùa Hà để cầu tình. Nơi đây nổi tiếng là địa điểm cầu tình bởi sự linh ứng truyền tụng trong dân gian nhưng đồng thời cũng gắn với truyền thuyết thời Lý. Tương truyền vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này.

Thủy Tiên tổng hợp

Exit mobile version