Đại Kỷ Nguyên

Bà bị ép gả cho ông, cả đời bức xúc, lúc lâm chung nói ra lời rơi lệ

Có bạn trẻ cho rằng tình yêu chỉ là thứ phù phiếm, chợt đến chợt đi, thậm chí có người còn quả quyết: “Tôi không tin vào tình yêu!”. Nhưng bạn có biết ý nghĩa thực sự của tình yêu là gì không? Khi trao đi ái tình, bạn sẽ trông đợi gì và muốn nhận được gì? 

Nếu bạn vẫn chưa đủ vững tin, hãy để tôi kể cho bạn câu chuyện ngày xưa thời ông bà chúng mình. 

Bà kể rằng trước khi kết hôn bà chưa từng quen biết ông. Vốn là, bà đã yêu một anh chàng là con trai của ông đồ trong thị trấn. Vào thời điểm đó, gia đình ông rất nghèo, nhưng vì mối quan hệ giữa hai thế hệ nên hôn sự này đã được định sẵn. Chỉ có điều bà một mực cự tuyệt, thậm chí còn nguyện ý sẽ không bao giờ lấy chồng. Bà nói, bà không muốn để người lớn sắp xếp vận mệnh của mình.

Cuối cùng, phụ thân không còn cách nào khác đành phải trói bà bằng sợi dây màu đỏ rồi cho người đưa lên kiệu và gửi đến nhà ông. Vào đêm tân hôn, bà nhất quyết không cho ông chạm vào người, và với thái độ gay gắt bà đã ném cái chăn trên giường xuống đất. Ông không nói gì, chỉ lẳng lặng giữ chăn và ngủ trên nền gạch ngoài phòng. Cứ như thế, ông đã phải ngủ bên ngoài suốt hơn một năm trời.

Dần dần, câu chuyện của ông bà bị xóm làng dị nghị, người ta từ xì xầm to nhỏ cho đến bàn tán xôn xao khắp làng trên xóm dưới. Ông đã bị trêu chọc và còn bị hỏi rằng sàn gạch có mềm hay không. Ông biết rằng họ đang trêu chọc mình nên vỗ ngực cười ha hả cho qua, không hề tỏ ra tức giận.

Mãi gần bốn năm sau cậu con trai đầu lòng mới chào đời. Chàng trai mà bà yêu thương trước đây từng du ngoạn khắp bốn phương trời, nay cũng quay trở về quê cũ. Ông ấy nói muốn được đưa bà ‘cao chạy xa bay’, sống những tháng ngày ái ân tươi đẹp.

Ông biết nhưng không nói gì, còn bà thì nhìn cảnh gia đình và đứa con thơ đang nằm trên giường. Bà nén nước mắt chạy ra ngoài và nói với người mà bà một thời nhung nhớ rằng: “Em không thể đi được, chúng ta có duyên nhưng lại không có phận. Đây là gia đình của em, nếu em đi, gia đình này sẽ kết thúc”.

Kể từ ngày ấy, bà ở nhà chăm chồng nuôi con. Các con trai và con gái cũng lần lượt ra đời. Nhưng bà hễ mở miệng là nói một câu: Nếu ông như thế này hay như thế kia thì chúng ta sẽ ly hôn!

Trong chớp mắt, những tháng ngày bình lặng qua đi, và cuộc sống nông thôn khó khăn cũng bắt đầu ập đến. Lúc đó con trai cả chỉ là một thiếu niên, cơ thể đang tuổi ăn tuổi lớn. Một gia đình với năm, sáu nhân khẩu, ngày ngày đều bữa đói bữa no.

Cứ mãi như thế này thì không thể được, ông quyết định rời thôn theo dân làng đi làm xa xứ. Nhưng vì quyến luyến vợ con nên ông không dám rời khỏi nhà quá lâu, cứ nửa tháng ông về thăm một lần và mang một chút thức ăn về nhà. Đó là dòng ký ức mà các con của bà sẽ không bao giờ quên được: Hằng ngày bà chỉ ăn đồ thừa của con, và những thực phẩm dinh dưỡng nhất thì đều để dành cho cậu cả. Cứ khoảng một thời gian, bà lại cầm hai chiếc bánh hấp còn nóng hổi đứng ở cổng làng đợi ông trở về. Có những lúc mãi không thấy ông xuất hiện, bà đã đợi ở đó đến quá nửa đêm.

Những ngày khó khăn nhất cuối cùng cũng qua, cậu cả cũng dần dần trưởng thành. Ông bà thỉnh thoảng lại ầm ĩ với nhau, bà hễ mở miệng liền nhắc hai chữ “ly hôn”.

Một lần ông đã cười nhạo bà và nói: “Bà chỉ nói ly hôn ly hôn, bà có biết làm thế nào để ly hôn không?”. Lời nói còn chưa kết thúc, bà đã giả vờ chào ra đi khiến ông sợ hết hồn. Còn các con trai con gái chứng kiến cảnh giận dỗi rất đỗi hài hước ấy thì vui thích lắm, bật cười ha hả.

Năm ngoái bà bị ốm, ban đầu ai cũng cho rằng chỉ là cơn ốm vặt như mọi khi, nhưng không ngờ đó lại là lần bà mãi mãi ra đi.

Hôm ấy, bà nắm lấy tay ông và chào con cháu đang vây xung quanh lần cuối. Bà đảo quanh phòng một lượt, ánh mắt bà dừng lại ở khuôn mặt hiền lành đầy nếp nhăn của ông: “Nếu như gặp lại ở kiếp sau, ông có sợ không nếu tôi lại dọa bỏ đi lần nữa?”. 

Ông nói: “Không không, không đâu mà! Nếu có kiếp sau tôi sẽ không cày ruộng nữa”.

Bà hỏi: “Ông sẽ làm gì khác nếu không cày ruộng?”.

Ông nói: “Không cày ruộng, tôi sẽ học tập chăm chỉ, trở thành người có văn hóa và đưa bà đi ra ngoài ngắm xem thế giới”.

Bà mỉm cười, nhưng nước mắt tuôn rơi và nói: “Nếu có kiếp sau, tôi chắc chắn sẽ không để cha tôi trói lên kiệu nữa đâu. Tôi vẫn muốn được làm vợ ông thêm lần nữa”.

Giọng nói vừa dứt, bà buông tay ông rồi ra đi thanh thản. Ông từ từ chạm vào mặt bà, nước mắt khẽ tuôn rơi…

Yên Tử
Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Bà bị ép gả cho ông, cả đời bức xúc, lúc lâm chung nói một câu rơi lệ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi:  facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version