Trong dịp Trung thu, bạn có muốn bay lên trời hái vầng trăng sáng?! Ngày 15/8, mỗi mùa tết Trung Thu, tôi lại càng nhớ những người thân yêu của mình hơn!
Khi nói đến biểu tượng của Tết Trung Thu, người ta thường nghĩ đến điều gì nhất? Có lẽ đó là trăng sáng, Hằng Nga và câu chuyện truyền thế về Hằng Nga bay lên cung trăng. Sông Ngân âm thầm xoay đĩa ngọc, hết năm này tới năm khác, câu chuyện Hằng Nga bay lên cung trăng luôn bầu bạn với nhân gian trong dịp tết Trung Thu qua hàng ngàn năm. Hàng ngàn năm qua, Hằng Nga trong đêm trăng sáng đã để lại cho những người hâm mộ hình ảnh vĩnh cửu “ngàn dặm với thiền quyên”; Mọi người dùng bánh trung thu để tế bái Hằng Nga. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện Trung Thu đã lưu truyền suốt ngàn năm này nhé!
Hằng Nga và cung trăng
Tương truyền vào thời đại viễn cổ, Hằng Nga và Hậu Nghệ đều là sứ giả của Thần. Họ hạ thế đến cứu người. Vào thời đại vua Nghiêu, mười con yêu quái mặt trời trên Thiên Thượng tác loạn, nhất tề thăng lên bầu trời, khiến nhân gian biến thành đất cháy. Vua Nghiêu giao cho cho Hậu Nghệ nhiệm vụ bắn mặt trời. Hậu Nghệ thần dũng siêu nhân, đã liên tiếp bắn hạ 9 mặt trời, khiến cho ánh nắng phục hồi trở lại bình thường, giải quyết được khốn cảnh của nhân gian. Anh hùng Hậu Nghệ được nhân dân yêu mến đã trở thành quốc vương Hữu Cùng, còn Hằng Nga xinh đẹp như tiên nữ trở thành vương hậu, nàng ôn nhu hiền huệ, là mẫu nghi thiên hạ.
Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân đã ban cho Hậu Nghệ một loại tiên dược, một người uống nó thì có thể thăng thiên, hai người cùng uống thì có thể trường sinh bất lão nhưng không thể thăng thiên. Theo ghi chép của “Quy tàng”, một trong Tam Dịch thời thượng cổ, Hằng Nga đã uống tiên dược của Tây Vương Mẫu và bay lên trời, bay lên cung trăng trở thành Tiên nữ cung trăng. “Liên sơn”, một trong Tam Dịch, ghi rằng Hằng Nga lấy trộm thuốc, uống rồi bay lên cung trăng.
Tại sao Hằng Nga lại uống thuốc tiên một mình? Tại sao hai người bạn từng đồng hành hạ thế cứu người thì giờ lại thiên nhân cách biệt? Nghe nói rằng Hậu Nghệ vì thần kỹ bắn mặt trời của mình, mà dần dần biến trở nên kiêu ngạo và dâm đãng, không quan tâm đến trăm họ, trái lại làm ra đủ loại chuyện nguy hại bách tính. Hằng Nga không thể đánh thức Hậu Nghệ đã bị hãm nhập mê đồ, cũng không thể khiến anh ta trường sinh bất tử mà tàn hại bách tính, nên đã một mình nuốt thuốc tiên, bay lên trời, từ đó tiên phàm tương cách với Hậu Nghệ.
Truyền thuyết kể rằng ngày Hằng Nga bay lên cung trăng vào ngày 15 tháng 8 hoàng lịch, nên sự tích Hằng Nga và Tết Trung Thu đã hình thành nên sự liên kết mật thiết. Vào ngày rằm tháng Tám hoàng lịch, người đời sau dâng bánh trung thu hình tròn để cúng trăng dưới ánh trăng sáng, mong nguyện những người thân yêu tại nhân gian có thể đoàn viên, hoặc có thể cùng chia sẻ vẻ đẹp của mặt trăng dù có cách nhau hàng nghìn dặm. Không chỉ vậy, từ viễn cổ, sự tích Hằng Nga bay lên cung trăng đã xây dựng “cầu nối thông tiên” giữa phàm giới và tiên giới.
“Long thành lục” của Liễu Tông Nguyên ghi lại rằng, vào ngày rằm ngày 15 tháng 8 năm Khai Nguyên thứ sáu, Thân thiên sư thi triển đạo thuật trong hoàng cung, đưa các vị khách Đường Huyền Tông và Hồng Đô cưỡi mây bay lên trời, cùng nhau du hành đến “Quảng Hàn thanh hư chi phủ” của cung trăng. Trong làn sương khói, họ nhìn xuống Cung Quảng Hàn, trông giống như một thành phố hoàng gia hùng vĩ. Trong thời gian đó, các tiên nữ cưỡi chim loan trắng, cười đùa dưới gốc cây quế lớn ở Quảng Lĩnh, những làn sóng âm nhạc trong trẻo truyền đến tai họ. Đêm hôm sau, Đường Huyền Tông muốn đi đến Nguyệt Cung Tiên Phủ một lần nữa, nhưng không như nguyện, thế là ông đã hồi ức lại hình ảnh tiên cung Tố Nga bay nhảy trong gió và âm nhạc nghe được khi đó, biên tập lại âm luật, phổ thành khúc “Nghê thường vũ y khúc”, khúc nhạc vô cùng thanh lệ, truyền tụng vạn cổ.
Trong số những chiếc “Gương Thiên thu” do hoàng đế Đường Huyền Tông thời đó đúc tạo có “Gương Nguyệt cung”, phía sau được khắc họa hình ảnh Hằng Nga, Ngô Cương, cây quế và con cóc của cung trăng làm trang sức. Đó cũng là triển hiện cho ước mộng được thăng lên cung trăng của Đường Huyền Tông. Mặc dù không gian khác không hiển hiện ở phàm trần, người thường không thể nhìn thấy, nhưng thông qua câu chuyện của Hằng Nga, có thể khiến con người trong luân hồi triển chuyển mà không quên sự tồn tại của tiên giới, thế giới siêu phàm. Rất nhiều người tu đạo ngộ đạo thậm chí còn mong chờ ngày đắc đạo hồi thiên, được đoàn viên ở thiên quốc.
Bánh trung thu cùng mọi người đoàn viên
Người ta cúng trăng vào đêm Trung thu 15/8 như một cách để tưởng nhớ Hằng Nga và bày tỏ tâm nguyện gia đình được đoàn viên. Vậy bánh trung thu cúng trăng xuất hiện từ khi nào?
Vào thời nhà Chu, bánh được dùng để cúng trăng (tịch nguyệt) vào thời điểm giữa thu phân và trung thu. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Minh và nhà Thanh, “bánh trung thu” mới xuất hiện chuyên để cúng trăng trong dịp lễ hội Trung thu. Có thuyết nói rằng ‘bánh hồ’ từ vùng sa mạc Tây Vực thời nhà Hán là tiền thân của bánh trung thu. Vào thời nhà Hán, bánh mè được “phủ hạt hồ”, tức là chúng được rắc hạt vừng; Bạch Cư Dị của nhà Đường nói rằng bánh hồ “mới nướng giòn thơm mùi dầu mới ra lò” (“Kỳ hồ canh và Dương Vạn Châu”), kết hợp cả hai nội dung, bánh hồ có vẻ như là bánh quy mè ngày nay.
Xét theo tài liệu “Thông điển” của nhà Đường, thời nhà Đường không có “Tết Trung thu”; nhà Tống tổ chức Tết Trung thu náo nhiệt chưa từng thấy, nhưng cũng không có “bánh trung thu” như một món ăn Trung Thu chuyên biệt. Tuy nhiên, bánh hồ là món ăn vặt rất thịnh hành vào thời nhà Tống. Trong số các tiệm bánh, tiệm bánh hấp và bánh đường truyền thống, và các tiệm bánh hồ hình thành nên hai dòng chủ lưu. Thời nhà Tống cũng có món “bánh trung thu”, nhưng chúng không phải là món ăn riêng có của Trung thu, mà là món ăn nhẹ hàng ngày. (Xem “Đông Kinh mộng Hoa lục”).
Vào thời nhà Minh, Tết Trung thu còn được gọi là “Tết Đoàn viên”. Cũng trong thời đại này, thuật ngữ “bánh trung thu” xuất hiện trong cúng trăng Tết Trung thu. Khi đó, “bánh trung thu” dùng để cúng trăng có hình dạng mô phỏng mặt trăng tròn, tượng trưng cho “đoàn viên”, và kích thước của nó cũng tương tự như mặt trăng: “Ngày 15/8, bánh trung thu phải tròn”, “chiếc bánh có đường kính hai thước” (Theo “Sơ lược về cảnh vật đế kinh” của Lưu Đồng, tập 2). Thời bấy giờ, bánh trung thu là món quà được người thân, bạn bè tặng nhau, với ý nghĩa cầu phúc “trăng viên, bánh viên, người đoàn viên” (viên 圓 là tròn), truyền tải những lời chúc tốt đẹp sum họp gia đình.
Phong tục Tết Trung thu của nhà Thanh được tiếp nối đến thời nhà Minh. “Thanh gia lục” của Cố Lộc nói rằng “bánh trung thu là vật của Tết Trung thu, trái cây và dưa được ăn cùng nhau trước bữa tiệc trăng vào đêm 15”; “Ngô huyện (thuộc Tô Châu ngày nay, nơi phát tích văn hóa Ngô) ghi rằng: “Bánh trung thu gọi là bánh trăng”; “Trung thu, bánh trăng được dân gian dùng làm quà tặng để thể hiện ý nghĩa đoàn viên”. Vào thời nhà Thanh, những chiếc “bánh trăng” lớn có đường kính hơn 1 thước (33cm), nhỏ hơn một chút so với thời nhà Minh, được nướng ra màu vàng kim. Ngoài ra còn có những chiếc bánh mà trên mặt vẽ cung trăng và những nhân vật trong truyền thuyết dịp Trung thu như cóc và thỏ ngọc. Sau khi cúng trăng, người nhà sẽ cùng nhau ăn bánh trăng, có nhà lại để bánh trăng đến nửa đêm mới ăn, gọi là “bánh đoàn viên”. (Xem “Biên niên sử Yên Kinh: Bánh trăng”) Nó phản ánh tâm nguyện sâu sắc được đoàn viên trong dịp Tết trung thu.
“Cá bánh”, một trò chơi trong dịp Tết Trung Thu
Thời nhà Minh và nhà Thanh lưu hành một trò chơi xoay quanh bánh trung thu, được gọi là “Cá bánh trạng nguyên”, tục gọi là “Cá bánh”. Nó rất thịnh hành trong giới thư sinh, đặc biệt là ở miền nam Phúc Kiến. Những chiếc bánh trung thu với nhiều kích cỡ và số lượng khác nhau là giải thưởng của trò “cá bánh” này, xúc xắc được tung ra để xác định ai thắng giải lớn nhỏ.
Tương truyền, “cá bánh” có nguồn gốc từ Hồng Húc, đại tướng quân của Trịnh Thành Công và là người gốc ở cảng Kim Môn Hồng Môn (cảng Hậu Phong ngày nay). Khi Trịnh Thành Công dẫn quân tấn công Kim Lăng, Hồng Húc vì để ổn định tinh thần tình cảm cho quan binh trấn giữ ở Hạ Môn, xoa dịu nỗi nhớ nhà trong Tết Trung thu, đã sáng tạo ra trò chơi cá bánh trạng nguyên cho quan binh chơi trong dịp Tết Trung Thu. Sau này, trò chơi “cá bánh” lưu truyền khắp Hạ Môn, Tuyền Châu, Kim Môn và những nơi khác, trở thành một hoạt động giải trí dân gian đặc trưng trong dịp Trung thu.
Vào thời nhà Thanh, các sĩ tử Đài Loan khi uống rượu thưởng trăng trong Tết Trung thu, cũng chơi trò cá bánh trạng nguyên, đồng thời dùng trò chơi này để dự đoán vận may của mình trong kỳ thi năm tới. Theo “Phủ chí Đài Loan” của Khang Hy ghi: “Trung thu, thờ cúng thổ thần,… Đêm đó, các sĩ tử uống rượu ngắm trăng; họ làm những chiếc bánh bột lớn, gọi là bánh Trung thu, và viết chữ ‘Nguyên’ (元) bằng màu đỏ son, dùng xúc xắc tung bốn viên màu đỏ để thắng, có ý nghĩa là ‘Thu vi đoạt nguyên’.”
Trịnh Đại Xu, một quan hầu lần đầu tiên đến Đài Loan vào thời Càn Long, đã viết mười hai bài thơ “Phong vật ngâm”, trong đó có một đoạn miêu tả cảnh tượng Tết Trung thu đoạt bánh trạng nguyên: “Đoạt thải luân nguyên hát tứ hồng”, mô tả sống động trường cảnh một nhóm người tung xúc xắc quanh một chiếc bát tròn và hò hét ầm ĩ: “Tứ hồng! Tứ hồng!”
Nói chung, khi chơi cá bánh, cái gọi là “đỏ” chính là chỉ việc ném xúc xắc ra bốn mặt đỏ, được gọi là “tứ hồng”. Ra được “tứ hồng” là cao trào của trò chơi. Tại sao “tứ hồng” lại được dùng để biểu thị đoạt khôi trạng nguyên? Xúc xắc ngày nay thường có hai mặt màu đỏ, một mặt là “không”, và một mặt là “tứ” (4). Nghe nói khi Đường Minh Đế đang đánh bạc, ông tung ra “tứ”, khởi tử hoàn sinh (tứ phát âm giống chữ tử trong tiếng Hán), nên “tứ” có công cứu hoàng đế, vì thế đặc biệt thưởng cho mặt đỏ. Giữa sự háo hức, reo hò để tăng thêm niềm vui, “cá bánh” khiến đêm Trung thu càng thêm sôi động!
Do thể chế thi cử của triều đình chấm dứt, nên trò chơi cá bánh trạng nguyên cũng suy tàn và biến mất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó đã được hồi sinh trong các hoạt động Tết Trung thu được tổ chức ở nhiều ngôi chùa, là một phần của hoạt động du lịch ở Kim Môn, được diễn ra với sự tham gia của đại chúng, khiến cho đêm Trung thu càng sôi động và vui tươi.
Lời kết
Truyền thuyết về cung trăng và Hằng Nga trong Tết Trung Thu đã được lưu truyền trong dân gian hàng nghìn năm. Đây là một trong những câu chuyện dân gian lâu đời nhất của Trung Hoa, truyền cảm hứng cho con người truy cầu tu luyện thành tiên, phản bổn quy chân, cũng hiển thị điều then chốt để con người được thăng thiên. Bánh trung thu được thêm vào Tết Trung thu trong câu chuyện cung trăng và Hằng Nga, truyền tải ước vọng đoàn viên nồng hậu của mọi người.
Thiệu Ung, một học giả thời nhà Tống, người nổi tiếng về Dịch học và tiên thiên tượng số, trong bài thơ “Hoa Mai thi” đã ngâm:
Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai
Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai
Ý tứ là nói cánh cổng thiên đường từ vạn cổ nay đã mở ra, người nào quay về người nào đến. Câu thơ cho thấy sự tương thông tinh tế giữa con người và thiên đường, Hằng Nga lẽ nào không phải là nàng tiên dẫn đường cho chúng ta?! Hậu Nghệ lại là một sự khải thị đối ứng! Tại nhân gian, nếu con người có thể bảo trì tâm thuần chân bản lai của mình, cưỡi trên đôi cánh thiện lương, thì ắt có thể bay lên trời cao. Ngược lại nếu chấp vào danh lợi tình hận của nhân gian thì sẽ rời xa đại đạo, không tránh khỏi trầm luân. Kịch bản Trung thu được diễn lại mỗi năm này, trong ánh trăng mờ ảo, dẫn lối chúng ta siêu thoát khỏi phàm tục, và suy nghĩ xuyên việt thời không.
Nguồn tài liệu tham khảo:
*Trang web du lịch Kinmen: https://kinmen.travel/zh-tw/event-calendar/details/3568
*Lin Wenlong: “Hãy thu hoạch và uống bốn màu đỏ”, số báo điện tử thứ 125 của Cục Lưu trữ Đài Loan thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phát hành ngày 28 tháng 8 năm 103, Trung Hoa Dân Quốc. (https://www.th.gov.tw/epaper/site/page/125/1796)
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch