Đại Kỷ Nguyên

Thần thoại Hy Lạp trên những chiếc bình tuyệt đẹp

Dân tộc Hy lạp với nền văn minh rực rỡ đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt thời kỳ lịch sử lâu dài, để lại rất nhiều dấu ấn cho đến tận ngày nay.

Văn hóa Hy Lạp đã lưu lại cho hậu thế một thời kỳ vàng son trong nền văn minh phương Tây, được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày, qua những vật dụng như bình, đồ đựng thực phẩm, chai đựng lọ dầu thơm, chóe đựng chất lỏng trong các dịp lễ… Hơn 100.000 chiếc bình, tượng đài, nhà hát, bức tượng và văn tự vẫn được bảo tồn.

Xin giới thiệu với các bạn một số bình nghệ thuật tuyệt đẹp mang đậm nét văn hóa của người Hy Lạp cổ đại.

Những chiếc bình mô tả câu chuyện giữa Achilles và Ajax

Trong thần thoại Hy Lạp, Achilles là nhân vật trung tâm và là chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troia, được nhắc đến nhiều nhất trong sử thi Illiad. Achilles có một cơ thể không thể bị thương ngoại trừ gót chân. Do vậy, về sau này câu thành ngữ “gót chân Asin” thường dùng để nói về điểm yếu của mỗi người.

Trong cuốn sử thi Illiad của Homer, Ajax là anh họ của Achilles. Ajax có vóc dáng to lớn, dũng cảm, mạnh mẽ, nhanh nhạy và rất khôn ngoan. Trong chiến tranh, Ajax chỉ huy binh lính của mình mang những chiếc khiên lớn làm từ 7 lớp da bò được bọc ngoài bởi một lớp đồng. Đáng chú ý nhất, Ajax không bị thương trong bất kỳ trận chiến nào, mặc dù ông là nhân vật duy nhất không được các vị thần tham gia trận chiến gia tăng sức mạnh.

Ảnh 1: Chiếc bình gốm vẽ Achilles đang chơi cờ cùng Ajax, Asin đội mũ sắt và đang thắng cuộc.
Ảnh 2: Bình cổ Amphora với hình Ajax cõng xác Achilles

Chiếc bình nổi tiếng kể về vị thần rượu nho Dionysus

Dionysus trong thần thoại Hy lạp là vị thần rượu nho, là con trai của thần Dớt với một công chúa người trần tên Semele. Khi có thai với thần Dớt, do bị người khác xúi giục, công chúa Semele đã đòi hỏi thần Zeus bày tỏ sức mạnh thật của mình. Vì không thể thuyết phục được nàng, thần Dớt liền lộ rõ sức mạnh của mình, công chúa Semele vì là người trần nên không chịu nổi sấm sét kinh thiên động địa nên đã chết. Khi nàng chết, thần Dớt kịp thời đưa đứa bé ra khỏi bụng nàng, rồi khâu vào đùi của mình. Thế là một thời gian sau, Dionysus được sinh ra từ đùi của cha mình.

Một ngày kia đi hái nho về, chàng để tất cả nho vào chậu, rồi để ở chân tường. Khi với tay lên lấy đồ ở trên giá, chàng vô tình giẫm vào chậu nho. Vì không biết nên làm thế nào nên chàng để lại chậu nho đó trong hang rồi ra về. Vài ngày sau, chàng quay trở lại thì thấy có một mùi rất thơm toả ra từ chậu nho bị giẫm nát hôm trước. Khi uống nước nho vào thì thấy nước nho có đó có vị rất lạ và ngon. Dionysus thực sự thích thứ nước đó và đặt tên nó là rượu nho. Chàng quyết định sẽ đưa loại rượu nho này phổ biến cho tất cả mọi người. Vì vâỵ, Dionysus còn được gọi là “Tửu thần Dionysus”. Trải qua bao cuộc hành trình, những hiểu lầm, chàng đã được cha chàng là thần Dớt đón về và trở thành một vị thần trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus.

Ảnh 3: Tửu thần Dionysos trong vườn nho

Chiếc bình về tiếng hát mê hoặc của các mỹ nhân trên biển

Trong sử thi Odyssey của văn học Hy Lạp, chàng Odysseus rất muốn được nghe tiếng hát mê hoặc nhưng chết người của các mỹ nhân ngư, cho dù biết được rằng tiếng hát này sẽ khiến các thủy thủ chết chìm ngoài biển. Khi ra biển, các thuyền viên của Odysseus đều nút kín tai, chỉ riêng Odysseus buộc mình vào cột buồm để chàng có thể an toàn nghe tiếng hát. Chuyện này đã được khắc họa lại trên chiếc bình gốm này. Thân hình chàng Odysseus như đang rướn căng, đầu chàng ngẩng cao như đang say mê, khao khát được nghe thêm tiếng hát.

Ảnh 4: Chiếc bình Mỹ nhân ngư (480-470 trước công nguyên)

Trải qua các thời kỳ lịch sử, những nhà nghệ thuật, nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đều ca ngợi nghệ thuật Hy Lạp cổ đại chính là biểu hiện của thời kỳ hoàng kim của các thể loại hội họa.

Nhật Hạ tổng hợp 
Xem thêm:
Exit mobile version