Đại Kỷ Nguyên

7 món đặc sản lạ lùng chuyên dùng để cung tiến cho vua chúa Việt Nam xưa

Xưa kia, vùng nào có những  sản vật ngon, độc đáo cũng luôn nghĩ tới chuyện mang cung tiến vào cung vua trước tiên. Vì thế, mỗi bữa ăn của vua chúa các món đều đa dạng với nhiều món quý hiếm, đặc biệt.

Ở Trung Quốc, người ta định ra 8 món ăn quý hiếm, cầu kì dành cho vua chúa, quý tộc gọi là “Bát trân”. Đó là những món ăn thuộc vào hàng tuyệt phẩm, người bình dân không cách nào đụng đũa nổi. Bát trân Trung Quốc gồm: Long can (gan rồng), phượng tủy (tủy phượng), báo thai (bào thai báo), lí vĩ (đuôi cá chép), hào chích (chảm chim cú), tinh thần (môi đười ươi), hùng chưởng (bàn tay gấu), tô lạc thiền (ve nấu sữa béo).

Còn ở Việt Nam, sử sách ghi chép về ẩm thực cung đình không nhiều. Nhiều món ăn cung đình xưa hiện cũng đã thất truyền. Tuy nhiên, trong những lời truyền miệng và tài liệu ít ỏi còn lại, người ta có thể thấy Bát trân của Việt Nam cũng không hề thua kém Trung Quốc. Danh sách những món ăn tiến vua dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những loại thực phẩm mà vua chúa thời xưa vẫn thường thưởng thức.

1. Sá Sùng 

Ít ai biết rằng, từ thời xưa, sá sùng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan hoặc những người giàu mới đủ điều kiện sử dụng bởi công dụng đặc biệt là tăng cường sinh lực. Loài vật thân mềm này chỉ sống tại những bãi cát ven biển trên đảo Quan Lạn và Minh Châu (Quảng Ninh) và chỉ được khai thác vào tháng 3 đến tháng 7.

Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 – 10cm. Cá biệt có con dài đến 15 – 40cm, nặng từ 1- 3kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Lớp da sá sùng thay đổi màu sắc tùy theo môi trường ở, nếu dùng tay sờ vào thấy mềm và mát. Ngoài công dụng chữa bệnh, sá sùng còn được dùng để chế biến thuốc hay nấu nước phở cho ngọt, nấu nước dùng ngon cho nhiều món trong dịp Tết.

Tuy nhiên, việc khai thác sá sùng không phải đơn giản, bởi chỉ những người phụ nữ mới có thể khai thác được thứ của hiếm này – chứ nam giới bắt sá sùng thì sẽ tự nhiên mất hút. Bên cạnh đó, cư dân biển chỉ có thể dùng mai để đào, chứ không dùng được các loại máy móc nào hỗ trợ. Có lẽ chính bởi nguồn khai thác không lớn và thủ công nên hiện nay giá của một kg sá sùng dao động khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/kg.

2. Gà Đông Tảo

Gà Đông Tảo (Đông Cảo) là một giống gà đặc hữu và quý hiếm thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, to và thô như chân voi, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái). Theo tương truyền, người dân xưa thường dùng gà Đông Tảo để cúng tế, hội hè, hay tiến vua bởi mùi vị thơm ngon đặc biệt.

Thịt gà Đông Tảo có phần thịt thơm ngon là bởi gà được thả chạy nhảy, không bị nuôi nhốt, ăn cám tự nhiên. Khối lượng thịt ức nhiều, đỏ hồng, bắp đùi gà bó cơ cuồn cuộn, không có gân, không dai. Gà Đông Tảo thuần chủng có đặc điểm thân hình to lớn, chân to nặng trịch, xù xì, bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc.

Tuy nhiên, giá thành của loại gà Đông Tảo thuần chủng thuộc loại cao. Mỗi kg gà Đông Tảo xuất tại vườn có giá khoảng 600.000 – 1 triệu đồng/kg tùy loại. Với những chú gà trống Đông Tảo thuần chủng có tướng đẹp, chân to, oai vệ từ 4 – 5,5kg/con có giá 5 – 10 triệu đồng và có thể cao hơn. Hiện tại, gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam, đang được bảo tồn nguồn gen nhằm duy trì và phát triển.

3. Cá Anh Vũ

Cá Anh Vũ là một trong những loài cá quý hiếm, được coi là sản vật tiến vua thời xưa. Theo một số tài liệu ghi lại, vào thời Hùng Vương thứ ba, một ngư dân bắt được con cá lạ ở khu vực ngã ba sông Việt Trì – nơi hội tụ của ba con sông lớn – sông Thao, sông Lô, sông Đà.

Chú cá mình vảy xanh óng ánh, bụng vẩy màu trắng, môi giống môi lợn. Thấy lạ, ngư dân này đem tiến vua, khi ăn, vua tấm tắc khen thịt cá ngọt đậm đà, có vị thơm khác hẳn loài cá khác. Cá Anh Vũ có kích thước trung bình, dài khoảng 31 – 67cm, thân dày, thuôn dần phía đuôi, có hai đôi râu, trọng lượng có thể lên tới 5kg. Thân cá màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, có môi dưới rộng hình tam giác, với nhiều gai thịt tròn nổi. Dân gian truyền nhau rằng: “Nếu Sâm cầm là niềm tự hào của hồ Tây thì cá Anh Vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc“.

Thức ăn của loài cá này chủ yếu là tảo lục, tảo khuê và các loại động vật không xương sống nhỏ sống dưới nước, chúng lấy thức ăn bằng cách dùng môi cạo các thứ bám trên đá. Theo những ngư dân lão luyện, “chính chiếc môi ấy chính là bộ phận ngon và đắt nhất của cá Anh Vũ”. Hiện nay, ở ngoài tự nhiên, cá anh vũ không còn nhiều. Người ta đã cho nhân giống và nuôi nhốt trong các ao, bể nhân tạo. Dù vậy, giá mỗi kg cá anh vũ vẫn cao ngất ngưởng: 2 – 3 triệu/kg.

4. Gà chín cựa

Nói đến gà chín cựa, hẳn không ít độc giả sẽ nhớ ngay đến chi tiết Vua Hùng đòi Sơn Tinh – Thủy Tinh sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”… để được cầu hôn với nàng Mị Nương.

Mặc dù nguồn gốc thật của giống gà này chưa được xác thực nhưng hiện gà chín cựa đang được nuôi nhiều ở Lạng Sơn, Phú Thọ. Giống gà chín cựa có kích cỡ nhỏ và thường nặng không quá 1,5kg. Mào gà đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh, đôi mắt sáng, khá hung dữ và hiếu chiến.

Điểm đặc trưng của giống gà này là chân to, chắc và mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên. Các cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu hay nanh lợn rừng.

Gà có đầy đủ chín cựa thì khá hiếm và rất quý – chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là gà bảy, tám cựa. Tuy nhiên, giá thành của một chú gà nhiều cựa khá lớn, lên tới khoảng 1 triệu đồng/kg. Với gia đình nào sở hữu chú gà chín cựa chính hiệu, giá thành của nó có thể đội lên tới hàng chục triệu đồng.

5. Nem công

Công (còn gọi là Khổng tước), là loài chim thường sống trên đồi, gò cao hoặc ở những nơi rậm rạp, kín đáo trong rừng. Như thế ngày xưa, việc săn bắt chim công là không dễ dàng. Gói nem là phương pháp chế biến thực phẩm truyền thống của người Việt. Người ta dùng nhiệt độ và các gia vị để làm chín thịt bằng cách lên men chúng.

 

Nem công cũng như vậy. Người ta giã mịn thịt đùi công rồi gói vào lá chuối hay ủ lên men kèm các loại gia vị như tỏi, riềng, hạt tiêu… Thịt công giúp giải độc, được các bậc đế vương cực kì ưa dùng.

6. Chim sâm cầm

Là một loài chim di cư từ phương Bắc, sống thành đàn ở những nơi có nước như ao, hồ, nhiều thủy sinh. Chim sâm cầm được biết đến như một loại thực phẩm quý hiếm chỉ dành cho các bậc vua chúa thời xưa.

Sở dĩ gọi là sâm cầm là bởi người ta cho rằng loài chim này thường bay lên núi tìm ăn sâm quý. Thịt chim sâm cầm được cho là thập toàn đại bổ. Trông hình dáng sâm cầm khá giống vịt trời nhưng đầu và cổ phủ lông đen, mắt đỏ, mỏ vàng, chân có màng, bơi lội rất giỏi. Chân chim cao, màu lục xám nhạt với 4 ngón, 2 ngón giữa có 3 đốt, 2 ngón bên có 2 đốt, các ngón đều có màng mỏng khá rộng. Chim mang kích cỡ vừa phải, nặng khoảng 0,5 – 0,8kg, thân bầu, nhỏ hơn con vịt trời.

Sử sách chép rằng, vua Tự Đức xưa kia đặc biệt yêu thích món chim sâm cầm này và ra lệnh cho dân ở hồ Tây săn để tiến cống. Ngày nay, sâm cầm ngày càng trở nên hiếm ngoài tự nhiên. Giá của nó khá đắt đỏ: 1,8 triệu đồng/kg.

7. Cá chìa vôi

Cá chìa vôi biển là một loại cá nước lợ, sống ở vùng nước xoáy, nơi hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nó thân hình giống cá điêu hồng, tuy nhiên thân cá dày và vảy có màu vàng óng. Con nặng nhất mà một ngư dân bắt được lên đến 14kg. Sau khi giao phối, cá chìa vôi cái chuyển trứng đã thụ tinh sang cơ thể cá đực rồi nuôi dưỡng trong mạch máu đến khi chúng thành cá con.

Vây lưng là vũ khí tự vệ của cá chìa vôi. Khi cá lớn, vây lưng sẽ phát triển thành xương dài bằng gang tay và sắc nhọn, chìa lên trên giống như cây dùng quệt vôi ăn trầu nên được gọi là chìa vôi. Thịt cá chìa vôi rất thơm ngon và là nguồn cung cấp nhiều chất đạm, ít chất béo, nhiều vitamin như niacin, B6 và khoáng chất như canxi, sắt… giúp tạo hồng cầu và kích hoạt hệ miễn dịch. Cá cũng chứa một lượng acid béo omega -3 đáng kể.

Cá chìa vôi là một hải đặc sản quý của vùng biển và ngày càng khan hiếm. Chính vì vậy mà giá thành của món ăn này cũng ngày một tăng cao. Cá chìa vôi được giới thượng lưu săn đón với mức giá từ 1 – 1,3 triệu đồng/kg.

Clip hay: 26 Món ăn kinh dị nhất thế giới 

 

Hà Châu tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version