Đại Kỷ Nguyên

12 chữ quý báu trong đời, người thông minh nhất định phải nhớ

Chúng ta có lúc cảm thấy rối bời, làm thế nào để đối nhân xử thế trong cuộc sống vội vã này? Dưới đây là 6 từ vựng triết lý kinh điển tu thân dưỡng tính, chỉ 12 chữ, nhưng cả đời học cũng không hết.

Xin lỗi

Nho gia giảng “Kẻ biết mình thì không oán người”, hay “Bậc quân tử trách bản thân, kẻ tiểu nhân trách người khác”, học được xin lỗi là đã đạt tầng thứ cao của người quân tử rồi.

Bất cứ việc gì, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ bản thân mình, chứ không lấy người khác làm lý do. Xin lỗi vì lỗi lầm của người khác, không chỉ là một cảnh giới tinh thần, còn là một cảnh giới nhân sinh.

Phật gia giảng, Phật tại tâm, tu Phật chính là tu cái tâm mình. Trước lỗi lầm của người khác, tự soi bản thân mình xem còn có khởi cái tâm bực tức, oán trách, hay hả hê không, thấy tâm mình còn bất thiện không, sẽ tìm ra điểm tu chưa tốt, nên xin lỗi vậy. Cứ như vậy không ngừng hoàn thiện mình sẽ dần đạt đến cảnh giới của bậc Giác giả.

Bất cứ việc gì, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ bản thân mình (ảnh: Unsplash).

Chuyên nhất

Trong cuộc sống, bất kể là tình yêu hay là công việc, cần phải có đức tính chuyên nhất, không cho phép bất kỳ cặn bã nào lẫn vào trong đó. Tất cả mọi việc chuyên nhất mới là bức tranh đẹp nhất, là mỹ tửu thơm ngon nhất chốn nhân gian.

Chúng ta đôi khi đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay, rốt cuộc xôi hỏng bỏng không. Khi chuyên tâm, toàn tâm toàn ý vào một việc, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhất, nhanh nhất, lúc đó lại có thể bắt đầu việc khác. Chuyên nhất là cách làm thông minh nhất, hiệu quả cao nhất.

Tối giản

Vạn thế dài dằng dặc, cái gì là đẹp nhất? Sự vật hiện tượng biến đổi khôn lường, chỉ hiển hiện ra cái kỳ lạ trong chớp mắt. Nhưng cái đẹp của sự tối giản, vạn cổ chẳng suy chuyển. “Thượng thiện nhược thủy” (Cái thiện cao nhất như nước), gương mặt tràn trề ánh sáng ấm áp, trong lòng thuần tịnh, là cảnh giới cao nhất của nhân sinh.

Đại Đạo chí giản chí dị (Đại Đạo đơn giản nhất, dung dị nhất). Chúng ta do không nắm được Đại Đạo (đường lớn), cứ đi theo các con đường nhỏ, ngõ hẹp, nên thường phức tạp hóa, rườm rà hóa vấn để. Cũng bởi vậy mà tự mình trói buộc tư tưởng bằng những tri thức phức tạp, lại cứ lầm tưởng là cao siêu lắm.

Khí chất

Không cứ có địa vị là có khí chất, khí chất là cái áo của tấm lòng.

Khi nội tâm thuần thiện, tu tâm thủ đức, thì biểu hiện ra ngoài vẻ trang trọng. Người xưa nói “Đức cao vọng trọng” là như vậy.  

Khi nội tâm thuần thiện, tu tâm thủ đức, thì biểu hiện ra ngoài vẻ trang trọng (ảnh: DKN).

Cuốn hút không được xây dựng bằng tiền tài, mà là nhờ bản thân nội tại của hàm dưỡng.

Người có hàm dưỡng luôn giữ được cái tâm bình lặng trước mọi sóng gió cuộc đời, có sức cuốn hút với mọi người. Họ tựa như bến cảng an toàn cho tàu thuyền neo đậu tránh giông bão cuộc đời.

Điềm đạm

Điềm đạm, không phải là vẻ bề ngoài giả tạo mà ra, mà là sự thể hiện của khí chất.

Người điềm đạm như đầm nước tĩnh, chẳng điều gì làm cho nổi sóng, chẳng việc gì động đến cái tâm họ được. Phải trải qua khổ công ma luyện tâm tính giữa dòng đời ô trọc rất lâu dài mới có thể đạt đến được. Đây cũng là cảnh giới của bậc đắc Đạo.

Tha thứ

“Phong lai sơ trúc,
Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm,
Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện
Sự khứ nhi tâm tùy không”.

Dịch:

Gió qua lay trúc
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh
Người quân tử cũng vậy
Việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi.

(Trích từ “Thái căn đàm” – Tác giả Hồng Tự Thành)

Tha thứ người khác thì khoáng đạt, tha thứ bản thân thì nhẹ lòng. Có lúc, chúng ta muốn tha thứ một người, nhưng không phải thực sự mong muốn tha thứ người đó, mà là không muốn bị mất người đó.

Tha thứ người khác thì khoáng đạt, tha thứ bản thân thì nhẹ lòng (ảnh: Pixabay).

Sự va vấp giữa người với người là không tránh khỏi, người rộng lượng bao dung, biết buông bỏ, thì mới biết tha thứ, mới giữ được lòng luôn thảnh thơi.

***

12 điều trên tuy đơn giản nhưng có lẽ chúng ta học và vận dụng cả đời cũng không hết. Đối với một số điều, bạn phải bỏ ra rất nhiều như công sức, chất xám, thời gian và đôi khi còn phải trải qua đau khổ, mệt mỏi, thất vọng để lĩnh hội. Đến lúc ấy bạn sẽ thấy mình muốn trưởng thành cần phải học rất nhiều điều từ cuộc sống.

Cuộc sống xung quanh ta đều thay đổi mỗi ngày. Tạo hoá ban cho tất cả các sinh mệnh đều có giá trị riêng, chỉ là bạn chưa biết đến giá trị thực của nó nên bỏ qua. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh và học hỏi từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Cuộc sống chính là người thầy giỏi nhất cho tất cả chúng ta.

Exit mobile version