Đại Kỷ Nguyên

‘Ngậm máu phun người’- 100 năm sau khi Bao Thanh Thiên mất, có một vụ án oan thấu cả trời xanh…

Nhạc Phi, vị tướng quân lỗi lạc của Trung Hoa là một huyền thoại về lòng tận trung báo quốc. Nhạc Phi được nhớ đến vì những chiến tích, lòng trung nghĩa với đất nước và hiếu thảo với mẹ già.

Nhạc Phi sinh năm 1103 vào cuối triều Bắc Tống, người huyện Thang Âm, Tương Châu (nay là tỉnh Hà Nam). Cha mẹ ông là những người nông dân áo vải. Từ nhỏ ông đã sống đời đạm bạc, tằn tiện. Tính tình Nhạc Phi ôn hòa, đôn hậu, hay giúp đỡ người nghèo khó. Thuở hàn vi, Nhạc Phi đã rất thích đọc binh thư của Tôn Vũ, Ngô Khởi. Thầy của ông đều là những danh tướng như Chu Đồng, Tần Quảng.

Đầu thế kỷ 12, nhà Tống dần suy yếu. Khi Nhạc Phi lớn lên, Trung Hoa bấy giờ thường xuyên bị nhà Kim tấn công xâm lấn bờ cõi từ phương Bắc. Trong thời gian này, triều đình nhà Tống khẩn thiết chiêu binh để bảo vệ đất nước.

Chàng trai trẻ Nhạc Phi bị giằng xé giữa đi chiến đấu vì đất nước hay ở lại chăm sóc mẹ già. Chuyện kể rằng Nhạc mẫu đã động viên con trai hãy trân quý vinh dự được bảo vệ đất nước. Ngày lên đường, bà yêu cầu Nhạc Phi cởi áo và xăm lên lưng con trai bốn chữ: “Tận trung báo quốc” để ông phụng sự đất nước với lòng trung thành hết mực. Tuy vậy, khi Nhạc Phi chưa kịp thi thố tài năng thì người Kim đã đánh chiếm xong Biện Kinh, tiêu diệt Bắc Tống.

Khi quân Kim xâm lược kinh thành Khai Phong của Bắc Tống và bắt giữ Hoàng đế vào năm 1127, em trai của Hoàng đế đã trốn thoát, chạy xuống bờ nam sông Trường Giang, lập nên nhà Nam Tống.

Tướng quân Nhạc Phi đã trở thành biểu tượng của niềm hy vọng trong suốt những năm tháng gian nan này. Người ta tin rằng, một lần chỉ với 500 quân, ông đã đánh bại 10 vạn quân Kim, buộc quân địch phải rút lui. Sử cũ chép lại, Nhạc Phi đã giao chiến với quân Kim cả thảy 126 trận lớn nhỏ và toàn thắng.

Dưới sự chỉ huy của Nhạc Phi, những lộ quân Bắc phạt của nhà Tống đã thu hồi được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở lưu vực sông Hoàng Hà từ tay quân Kim. Nhân dân khắp nơi chào đón và đua nhau tham gia vào quân đội của Nhạc Phi.


Tạo hình Nhạc Phi trên phim. Ảnh: Internet. 

Nhạc Phi liên tục dâng sớ xin vua Cao Tông bắc phạt thu hồi lại giang sơn đã mất. Nhưng phe chủ hòa trong triều đình liên tục gạt đi ý định đó bất chấp những chiến thắng vang dội của Nhạc Phi trên trận địa.

Nhạc Phi không chỉ được biết đến bởi lòng quả cảm, mà ông còn là một bậc quân tử với phấm chất đạo đức cao thượng. Ông quan tâm đến binh sỹ và đích thân thăm hỏi khi họ ốm đau. Ông sẵn lòng giúp đỡ những gia đình có binh lính tử trận. Nhưng ông cũng nghiêm khắc với quân lính. Khi quân đội hành quân qua các làng mạc, ông nghiêm cấm họ không được cướp bóc của dân chúng.


Mẹ Nhạc Phi xăm lên mình con 4 chữ “Tận trung báo quốc”. Ảnh: Internet. 

Nhạc Phi cũng được nhớ đến vì lòng nhân từ với muôn dân trăm họ. Sau khi dẹp tan một cuộc nổi loạn lúc nhà Nam Tống mới thành lập, Nhạc Phi đã thỉnh cầu Hoàng đế Cao Tông tha tội chết cho những người dân trong thị trấn.

Cuối cùng ông đã thuyết phục được Hoàng đế chỉ hành quyết những ai châm ngòi cho cuộc nổi loạn. Chuyện kể rằng Hoàng đế Cao Tông còn đích thân ban tặng Nhạc Phi một lá cờ ngợi ca lòng trung thành của ông với Hoàng đế và với lợi ích của muôn dân.

Nhưng những chiến công hiển hách của Nhạc Phi đã khiến một số quan lại hủ bại trong triều đình ghen tức. Họ vu cáo ông với Hoàng đế Cao Tông. Vì thế, Nhạc Phi đã bị gọi trở lại hoàng cung và bị tước bỏ binh quyền. Một lần khi đang trên đà truy kích quân Kim, Nhạc Phi nhận được tới 12 đạo chiếu triệu hồi về kinh chỉ trong một ngày.


Đền thờ Nhạc Phi. Ảnh: Internet.

Sau khi điều Nhạc Phi trở về, phong làm Khu mật sứ (mà thực chất là tước đoạt hết binh quyền), vua Cao Tông nghe theo lời xúc xiểm của Tần Cối đã nghi ngờ và buộc tội Nhạc Phi. Người Kim vốn hận và sợ Nhạc Phi thấu xương tủy, đã đưa ra điều kiện nghị hòa với Nam Tống là phải giết chết Nhạc Phi.

Năm 1142, Nhạc Phi và con trai mình là Nhạc Vân đã bị Tần Cối hạ độc giết chết tại đình Phong Ba, thuộc Đại lý tự Lâm An. Khi ấy, ông mới chỉ 39 tuổi. Người dân tiếc thương trước cái chết của người anh hùng và vô cùng khinh miệt Tần Cối.


Tượng Nhạc Phi trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Ảnh: Wikipedia. 

Sau này, khi bị nguyên soái Hàn Thế Trung chất vấn về lý do xử tội Nhạc Phi, Tần Cối đáp: “Không có nhưng cũng không cần có”. Ba chữ “không cần có” (mạc tu hữu) từ đó gắn liền với Nhạc Phi và thường được người đời sau dùng để chỉ những lời buộc tội vô căn cứ, ngụy tạo, ngậm máu phun người.

Theo các ghi chép lịch sử, 21 năm sau khi Nhạc Phi mất, Hoàng đế Hiếu Tông đã minh oan cho ông và một lần nữa khẳng định lòng trung thành của Nhạc tướng quân. Vì tội ác của mình, Tần Cối và vợ cùng hai quan triều đình bị đúc thành tượng sắt, quỳ gối trước bia mộ của Nhạc Phi, đời đời bị người dân phỉ báng, khinh miệt.

Mã Lương – Hữu Bằng

Tham khảo: NTD Tiếng Việt (kênh Youtube)

Exit mobile version