Đại Kỷ Nguyên

Xác ướp Peru cổ đại làm chấn động các nhà nghiên cứu với các gen kháng thuốc kháng sinh

Xác ướp. (Ảnh: Zysman/iStock). Phông nền: Ảnh minh họa DNA. (Ảnh: Svisio/iStock)

Một xác ướp được phát hiện tại di chỉ cổ đại Cusco, Peru đã làm chấn động các nhà khoa học với thành phần được tìm thấy bên trong phần ruột. Các gen kháng thuốc kháng sinh đã được tìm thấy trong đại tràng của xác ướp thời tiền Colombo này. Những biến đổi gen này đã xảy ra một cách tự nhiên, từ khá lâu trước khi xuất hiện thuốc kháng sinh hiện đại.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tiến hành nghiên cứu xác ướp từ thế kỷ 11 này, vốn được phát hiện tại kinh đô Cusco của Đế quốc Inca cổ đại. Nghiên cứu của họ nhằm mục đích phân tích hệ sinh thái vi sinh (microbiome) của di thể, vốn được bảo quản tự nhiên trong điều kiện khí hậu khô ráo, mát mẻ của dãy núi Andes, theo kênh Discovery News.

Xác ướp này, được nhận diện là một người phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 23 vào thời điểm tử vong, đã được chuyển tới nước Ý vào cuối thế kỷ 19, và hiến tặng cho một bảo tàng, ở đó nó được lưu trữ cùng 11 xác ướp khác.

Kết quả một cuộc khám nghiệm tử thi đã tiết lộ quả tim, thực quản và đại tràng được bảo quản của người phụ nữ trẻ này có kích cỡ to hơn bình thường, cho thấy cô có thể đã mắc chứng bệnh Chagas mãn tính, một ký sinh trùng nguy hiểm lây nhiễm qua những con côn trùng hút máu gọi là Triatominae, hay còn được gọi là “bọ xít hút máu” (kissing bugs). Ký sinh trùng này vẫn hiện đang là nỗi ám ảnh của 6-7 triệu người trên thế giới.

Ký sinh trùng Triatominae. (Ảnh: Wikimedia)

Thông qua phân tích và nhận dạng DNA từ đại tràng và mẫu phân của xác ướp, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có lẽ bệnh Chagas là nguyên nhân gây ra cái chết của cô, tuy rằng cô cũng mắc phải bệnh tim giai đoạn cuối, bệnh phình đại tràng (megacolon) và bệnh phì đại thực quản (megaesophagus). Các nhà khoa học cho rằng có thể cô đã được chữa trị bằng những loại thuốc nguyên thủy, chẳng hạn như lá cây coca. Các kết quả thử nghiệm độc tính sắp tới trên búi tóc của cô có khả năng sẽ cho biết thêm về thành phần thuốc hay chất gây nghiện tác động đến thần kinh (Psychoactive drugs) nào đó cô có thể đã sử dụng.

Kết quả phân tích bổ sung đã tiết lộ một loại bệnh do vi khuẩn khác—vi khuẩn Clostridium difficile (nguồn gốc của nhiễm trùng vi khuẩn C. difficile, vốn gây bệnh tiêu chảy và viêm ruột kết), cũng như một số loại vi-rút papilloma ở người (HPV).

Rất nhiều gen kháng thuốc kháng sinh được tìm thấy trong phần di thể của người phụ nữ cổ đại này sẽ khiến việc điều trị bằng thuốc kháng sinh hiện đại mất đi tính hiệu quả. Những biến đổi gen này được cho là đã “xảy ra một cách tự nhiên trong các vi khuẩn 1.000 năm tuổi và không nhất định có liên quan tới việc lạm dụng thuốc kháng sinh”. Những phát hiện này đã được đăng tải gần đây trên tạp chí khoa học PLOS ONE.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện đang là một mối lo ngại lớn.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện đang là một mối lo ngại lớn. Các nhà nghiên cứu đang réo lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết phải giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh, vì chúng ta có thể sẽ nhanh chóng phải đối diện với một thế giới trong đó các bệnh nhân xuất hiện phản ứng kháng thuốc. Mối lo ngại này đã được miêu tả như một “trận sóng thần câm lặng đang trực chờ nhấn chìm thuốc hiện đại” trong một bài viết vào tháng 8 vừa qua trên tờ The Guardian.

Ngoài việc kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh, các chuyên gia cũng đang tìm kiếm những nguồn thuốc kháng sinh mới mà con người vẫn chưa xuất hiện phản ứng kháng thuốc. Hi vọng rằng việc phát hiện các gen kháng thuốc kháng sinh trong con người thời cổ đại, ví như được tìm thấy trong xác ướp Peru từ thế kỷ 11 này, có thể giúp ích trong công cuộc tìm kiếm trong tương lai.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Exit mobile version