Đại Kỷ Nguyên

Giải Lunar Xprize trị giá 30 triệu USD của Google không tìm ra người chiến thắng sau 10 năm

Sau hơn một thập kỷ, cuộc thi Lunar Xprize với giá trị giải thưởng lên tới 30 triệu USD do Google là nhà tài trợ chính vẫn không tìm thấy người chiến thắng.

Năm 2007 Google và công ty XPRIZE đã mở một cuộc thi Lunar Xprize thu hút sự quan tâm của giới khoa học toàn cầu. Mục tiêu của cuộc thi rất đơn giản là hoàn thành sứ mệnh đưa tàu vũ trụ cùng robot lên Mặt trăng, thám hiểm bề mặt trong phạm vi bán kính khoảng 500 mét và gửi hình ảnh cùng video độ phân giải cao về Trái đất.

Google đòi hỏi đưa một xe tự hành lên mặt trăng… (Ảnh: blog.kinaxis.com)

Cuộc thi còn được gọi với chương trình Moon 2.0. Bất cứ cá nhân hay tập thể nào làm được điều này sẽ được Google trao giải thưởng lên đến 30 triệu USD. Trong đó đội đầu tiên hoàn thành mục tiêu được sẽ nhận 20 triệu USD còn 10 triệu USD sẽ dành cho các giải thưởng quan trọng khác.

Mặc dù Google đã liên tục gia hạn nhiều lần kể từ năm 2012 đến nay và lần gần nhất sẽ là ngày 31/3/2018. Thậm chí một số giải thưởng phụ khác cũng được bổ sung vào nhưng cho đến đầu năm 2017 cuộc thi chỉ còn lại 5 đội thi đấu với nhau.

Nhiều đội đã tham gia chương trình nhưng không thành công (Ảnh: Iflscience)

Cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhưng chương trình Moon 2.0 của Google không thành công như mong đợi. Việc chế tạo một con tàu vũ trụ theo các yêu cầu của Google đưa ra thực tế khó khăn và khá tốn kém. Không có bất cứ đội nào hoàn thành được nhiệm vụ của họ. Sau khi tham khảo ý kiến của những nhóm tiềm năng nhất trong cuộc thi Ông Peter H. Diamandis người sáng lập và chủ tịch điều hành của XPRIZE đã thông báo kết thúc Lunar Xprize. 30 triệu USD của XPRIZE và Google vẫn còn nguyên vẹn.

Mặc dù chương trình không thành công nhưng những người tham gia cuộc thi đã ghi nhận sự táo bạo của dự án cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ phía Google và XPRIZE trong suốt thời gian qua. Họ cũng thu được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá trong quá trình phát triển các ý tưởng.

Nhật Minh

Exit mobile version