Đại Kỷ Nguyên

Quả cầu lửa khổng lồ: Sự thật đằng sau vệt sáng bí ẩn ở Scotland (Video)

sáng

(Ảnh: PaulFleet/iStock)

Vào khoảng 18:45 hôm thứ hai, ngày 29/2, rất nhiều người dân ở Scotland và miền bắc nước Anh đã may mắn được chứng kiến một cảnh tượng ngoạn mục. Một quả cầu lửa đã xoẹt qua bầu trời, nhấp nháy khoảng vài lần trước khi mờ đi.

Cảnh tượng này có thể được nhìn thấy, phía bắc lên đến quần đảo Shetland và Orkney, phía nam xuống đến thành phố Newcastle. Nhiều người đã đăng tải thước phim của họ lên mạng, cho phép hàng triệu người trên thế giới chiêm ngưỡng cảnh tượng này.

Quả cầu lửa này có phải là một UFO không? Hay là một loại công nghệ cao bí mật nào đó của quân đội? Không phải. Đây là một thiên thạch từ không gian va phải bầu khí quyển của Trái Đất. Hệ Mặt Trời có đầy rẫy các mảnh vụn loại này: các tảng đá và tảng băng sót lại từ quá trình hình thành các hành tinh vào khoảng 5 tỷ năm trước, hay các mảnh vụn tiểu hành tinh bị rơi ra trong các vụ va chạm gần đây hơn trong vũ trụ. Trái Đất vẫn thường luôn thu nhận và tích lũy những mảnh vụn loại này.

Phổ biến nhất là những hạt phần tử nhỏ bằng hạt cát phát ra các tia sáng ngắn ngủi – một ngôi sao băng – khi chúng tiến nhập vào bầu khí quyển Trái Đất và bốc cháy. Nếu bạn đứng bên ngoài và quan sát bầu trời trong một đêm quang mây, bạn sẽ có thể nhìn thấy một vài đốm sáng như vậy mỗi giờ đồng hồ. Nếu thật sự may mắn bạn sẽ có thể nhìn thấy một cơn mưa sao băng, khi Trái Đất di chuyển qua quỹ đạo của một ngôi sao chổi vốn sẽ để lại đằng sau một vệt bụi và đá (mưa sao băng) sau khi lượng băng của nó bốc hơi dưới sức nóng của Mặt Trời.

Quả cầu lửa vào tháng hai vừa qua

Quay lại Scotland, khi các mảnh vụn không gian lớn hơn lạc vào bầu khí quyển Trái Đất, chúng sẽ tạo ra các ngôi sao băng ngoạn mục khi bốc cháy. Chúng được gọi là quả cầu lửa hay “đạn lửa” (bolide). Đánh giá từ thước phim trên mạng, Scotland đã chứng kiến một quả cầu lửa với đường kính khoảng 10 cm. Có lẽ nó đã di chuyển tại mức vận tốc khoảng 30 km/s, bốc cháy nhờ ma sát với không khí khi lao xuống Trái Đất. Một số thước phim cho thấy nó đã vỡ thành hàng chục mảnh vụn nhỏ hơn trước khi tản mất. Đôi lúc điều này có thể tạo nên các thiên thạch – các mẩu đá tồn tại sau chuyến hạ cách rực cháy để tiếp xúc với bề mặt Trái Đất – nhưng dường như không phải trong trường hợp này.

Sau chớp sáng sao băng, một số người đã nghe thấy một tiếng nổ hay tiếng ầm ầm. Đây là một tiếng nổ siêu thanh, giống với khi một máy bay vượt qua vận tốc âm thanh. Một báo cáo trên mạng nói rằng âm thanh này đã được nghe thấy 90 giây sau khi tia chớp xuất hiện. Nếu vậy, sao băng này nằm cách đó 18 dặm, vì âm thanh di chuyển được khoảng một dặm mỗi 5 giây trong môi trường không khí. Giống như nghe thấy tiếng sấm sau một tia sét, bạn có thể ước lượng khoảng cách bằng cách đếm số giây cách quãng rồi chia cho 5.

https://youtu.be/EIoXlFKiysk

Cảnh tượng ngoạn mục này là một món quà đặc biệt, chỉ xảy ra khoảng vài lần mỗi năm ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất. Trong cả cuộc đời tôi mới chỉ thấy một ngôi sao băng sáng hơn thế này, vào khoảng 30 năm trước tại sa mạc Mohave ở bang California (Mỹ), nơi tôi đến để chụp ảnh một ngôi sao băng. Tôi nhớ lúc đó mình đã cúi người xuống để nhặt một thứ gì đó thì đột nhiên khung cảnh sáng bừng lên như trong ánh sáng ban ngày. Tôi đã bị chấn động khoảng một vài giây trước khi quay xung quanh và nhìn thấy các mảnh vụn còn lại của quả cầu lửa trút xuống bầu trời.

Lúc nào nên lo lắng

Ngôi sao băng trên bầu trời Scotland là một cảnh tượng khá ngắn ngủi và đẹp, và may thay không tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng các thiên thạch lớn hơn rất nhiều lại có thể mang tính hủy diệt. Ngày 15/2/2013, một thiên thạch với đường kính 20m đã được ghi nhận bay ngang qua bầu trời thành phố Chelyabinsk, miền trung nước Nga. Vụ nổ và sóng xung kích là đủ mạnh để phá vỡ các kính cửa sổ. Nhiều người đã bị thương nặng, bị cắt bởi những mảnh kính (nếu bạn nhìn thấy một luồng ánh sáng chói bất ngờ bên ngoài cửa sổ, hãy tránh xa các món đồ bằng kính).

Một sự kiện như vậy có thể sẽ xảy ra sau mỗi vài thập kỷ. Vụ va chạm lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử, sự kiện Tunguska vào năm 1908, đã san phẳng các cánh rừng ở Siberia trong phạm vi 100 dặm. Các vụ va chạm thậm chí còn lớn hơn nữa có thể mang đến một thảm họa toàn cầu. Khoảng 60 triệu năm trước, ở khu vực hiện nay là bán đảo Yucatan ở Mexico, một vụ va chạm đã tạo nên một miệng hố rộng 10o dặm. Vụ va chạm này đã gây nên sóng thần, bao phủ toàn bộ hành tinh bằng các mảnh vụn, che khuất ánh sáng Mặt Trời đủ lâu để làm biến đổi khí hậu trong nhiều năm, và được cho là đã gây nên hay thúc đẩy sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Các nhà thiên văn hiện đang tìm kiếm trên bầu trời cho các vật thể di chuyển lờ mờ cắt ngang qua quỹ đạo Trái Đất và có thể gây nên một thảm họa địa phương hay toàn cầu trong tương lai. Nếu chúng ta có thể phát hiện được những thứ này đủ sớm, chúng ta sẽ có thể đánh chệch quỹ đạo vật thể này một chút bằng một con tàu thăm dò để khiến nó đi lệch khỏi Trái Đất. Và đây sẽ điều tốt nhất.

Keith Horne là giáo sư thiên văn học tại Đại học St. Andrews ở Anh.

Tác giả: Keith Horne, Đại học St. Andrews.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version