Đại Kỷ Nguyên

Tính chất âm nhạc kỳ diệu của các tảng đá cự thạch Stonehenge

Di chỉ tảng cự thạch Stonehenge ở Anh. (Ảnh: Darren Hendley/iStock/Thinkstock)

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia (Royal College of Art – RCA) ở London, Anh đã khám phá ra các tính chất âm nhạc kỳ diệu của các tảng đá dùng để dựng lập di chỉ cự thạch Stonehenge.

Khi được gõ các tảng đá này sẽ phát ra âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống và tiếng cồng chiêng. Người ta cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến những người thợ xây dựng chịu khó lặn lội một quãng đường xa xôi đến vậy để khai thác các tảng đá từ xứ Wales và mang chúng về địa điểm xây dựng ở đồng bằng Salisbury, Anh (cách đó cả trăm km).

Trong nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Thời gian và Tâm trí (Journal of Time and Mind), lần đầu tiên các chuyên gia đã tiến hành các thí nghiệm thính âm tại di chỉ bằng cách gõ vào các tảng đá màu xanh dương với các viên đá búa thạch anh nhỏ để thử nghiệm các tính chất âm thanh của chúng. Họ khám phá ra rằng các tảng đá đã tạo nên các âm thanh của kim loại và của gỗ tại các nốt nhạc khác nhau. Những tảng đá này được gọi là ‘đàn đá’ hay ‘thạch cầm’.

(Ảnh: George Nash)

“Các thanh âm khác nhau có thể phát ra tại những vị trí khác nhau trên cùng một tảng đá”, các nhà nghiên cứu nói.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mảnh vật liệu hình vuông đặc biệt để bảo vệ bề mặt các tảng đá, nhưng điều thú vị là, một số tảng đá đã cho thấy bằng chứng từng bị gõ trước đây.

Các nhà nghiên cứu đã gõ nhẹ vào các tảng đá với một chiếc búa hình tròn đặc biệt làm từ đá thạch anh. Một miếng vật liệu hình vuông màu xanh dương được áp lên trên để bảo vệ bề mặt tảng đá. Họ đã ghi lại các âm thanh sử dụng các microphone như trong hình bên trái. (Ảnh: George Nash)

Các nhà điều tra tin rằng loại ‘năng lượng âm thanh’ này có thể là lý do chính yếu giải thích cho nguyên nhân vì sao những tảng đá này đã được vận chuyển gần 300 km từ Preseli đến đồng bằng Salisbury, vì cho tới nay các nhà khảo cổ vẫn chưa thể hiểu được tại sao lại phải vận chuyển những tảng đá từ xa xôi đến vậy, trong khi có rất nhiều tảng đá ở địa phương có thể dùng để xây dựng công trình. Vì một số lý do nào đó, các tảng đá màu xanh dương đã được nhìn nhận là có tính chất khá đặc biệt.

Công trình đá Stonehenge tại hạt Wiltshire ở nước Anh. (Ảnh: Adriano Aurelio Araujo/Flickr)

“Không có gì mâu thuẫn khi nói rằng con người tiền sử có thể đã biết về các tính năng của tảng đá. Chúng ta có thể nhìn thấy các vết lõm trên các tảng đá – khu vực này vẫn còn nguyên vẹn đến một mức độ đáng kinh ngạc”, phó giáo sư Jon Wozencroft từ RCA nhận định.

Các nhà nghiên cứu lo rằng các tính chất âm nhạc của các tảng đá có thể đã bị làm hư hại khi một số trong chúng được cố định bằng bê tông vào những năm 1950 và việc ghim các tảng đá vào bê tông sẽ tác động đến khả năng dội âm của chúng.

“Bạn sẽ không cảm nhận được tính vang dội của thanh âm’ nhưng khi ông gõ nhẹ nhàng vào các tảng đá trong thí nghiệm, chúng thật sự đã dội âm, tuy rằng một số tính chất âm thanh đã bị bóp nghẹt”, PGS Wozencroft nói.

Ở xứ Wales, nơi các tảng đá không được gắn hay cố định tại vị trí, ông nói rằng các âm thanh được tạo ra bởi các tảng đá khi gõ có thể được nghe thấy cách xa cả nửa dặm. Ông đưa ra giả thuyết cho rằng con người thời kỳ đồ đá có thể đã sử dụng các tảng đá để liên lạc với nhau qua khoảng cách xa, vì có những dấu vết trên các tảng đá cho thấy chúng đã được gõ từ một niên đại cực kỳ xa xưa.

Các phiến đá xanh tại vỉa đá Carn Menyn, xứ Wales, Vương quốc Anh. (Ảnh: Wikimedia)

Một trong những nhà nghiên cứu chính, Paul Devereux hiện đang hoàn thành một cuốn sách, với tựa đề Các cây trống đá (Drums of Stone), trong đó kể lại câu chuyện đầy đủ về các tảng đá âm nhạc trong những nền văn hóa truyền thống và cổ đại.

Để nghe các thanh âm khi gõ vào các tảng đá tại Stonehenge, hãy nhấp vào đây.

Xem độc tấu đàn đá:

 

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version