Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện sóng hấp dẫn giành giải Nobel Vật lý 2017

Giải Nobel Vật lý 2017 vừa được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ cho công trình khám phá ra sóng hấp dẫn.

Theo Iflscience, Rainer Weiss là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts trong khi Kip Thorne và Barry Barish đến từ Viện Công nghệ California. Giải Nobel được trao cho các nhà khoa học vì thành tựu khám phá và quan sát trực tiếp được sóng hấp dẫn, những gợn sóng trong kết cấu không – thời gian đã được Albert Einstein đưa ra giả thiết về sự tồn tại nhưng chưa từng được quan sát.

Bộ ba được vinh danh vì xây dựng Đài quan trắc Sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO) và phát hiện ra sóng hấp dẫn.

Tiến sĩ Rainer Weiss, giáo sư Vật lý trường MIT (trái) và tiếp sĩ Kip Thorne của trường Caltech là hai trong ba người vừa chia giải Nobel Vật lý 2017 (Ảnh: REUTERS)

Sóng hấp dẫn là các gợn sóng trong không gian – thời gian, lan tỏa trong vũ trụ với tốc độ ánh sáng, được nhà bác học Einstein tiên đoán 100 năm trước trong Thuyết Tương đối rộng. Các nhà thiên văn học đã săn lùng sóng hấp dẫn trong nhiều thập kỷ qua.

LIGO đã phát hiện ra sóng hấp dẫn vào ngày 12/8/2015. Sóng hấp dẫn này xuất phát từ hai lỗ đen va chạm vào nhau. Hai lỗ đen này có khối lượng lớn gấp 30 lần mặt trời, nằm ở vị trí cách trái đất khoảng 1,3 tỷ năm ánh sáng.

Sóng hấp dẫn xuất hiện khi hai hố đen hút lại gần và quay xung quanh nhau (Ảnh: Soha)

Giải thưởng trị giá 9 triệu kronor (tương đương 1,1 triệu USD) sẽ được chia đều cho 3 nhà khoa học.

Năm ngoái, giải Nobel Vật lý thuộc về ba nhà khoa học người Anh đang làm việc tại Mỹ là David Thouless của Đại học Washington ở Seattle, Duncan Haldane của Đại học Princeton ở New Jersey và Michael Kosterlitz của Đại học Brown ở Providence cho các đống góp của mình liên quan đến việc phát hiện quá trình chuyển hoá tô pô và các pha tô pô của vật chất.

Mùa giải Nobel năm 2017 đã chính thức khởi động vào ngày 2/10 với lĩnh vực Y học thuộc về các nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young cho những khám phá về cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học.

Giải Nobel Hóa học là giải tiếp theo sẽ được Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố vào chiều mai (4/10).

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version