Bạn có từng tự hỏi hóa thạch khủng long bạo chúa bạn từng nhìn thấy trong viện bảo tàng là một ‘quý ông’ hay ‘quý bà’? Ngay cả với các nhà cổ sinh vật học đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu các hóa thạch khủng long, đây vẫn là một câu hỏi khó, bởi những mảnh xương hiếm khi tiết lộ giới tính của chủ thể.
“Dù đây là một bí mật nhạy cảm, nhưng chúng ta gần như không biết gì về các đặc điểm giới tính của các loài khủng long đã tuyệt chủng. Loài khủng long sẽ không do dự phát đi những tín hiệu giao phối, khi phát tiếng chuông, tiếng huýt sáo, hay dùng sừng, mào và tua gai, nhưng ngay cả như vậy chúng ta vẫn chưa thể có một phương pháp đáng tin cậy để phân biệt giữa con đực và con cái.” Bà Lindsay Lanzo, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học Tự Nhiên North Carolina (North Carolina Museum of Natural Science), nói trong một tuyên bố.
Nhà cổ sinh vật học, bà Lindsay Zanno nghiên cứu sự phát triển của khủng long. (Ảnh: N&O file photo)
[Ads1]
“Hiện giờ chúng ta đã có thể chứng minh những con khủng long đang mang thai có một đặc điểm hóa học đặc trưng, và chúng ta cần một nỗ lực đồng bộ để tìm hiểu cặn kẽ hơn”.
—Bà Lindsay Zanno, nhà cổ sinh vật học
Năm 2005, các nhà nghiên cứu từ Đại học North Carolina State (Mỹ) cho rằng họ đã tìm thấy một chiếc xương tủy có niên đại 68 triệu năm tuổi của một con khủng long bạo chúa. Chiếc xương tủy này nằm bên trong một chiếc xương đùi.
Xương tủy là một mô xương đặc biệt được hình thành tại bề mặt màng xương của khoang tủy (Medullary cavity) của những con chim mái trước và trong thời kỳ đẻ trứng, đóng vai trò như một kho dự trữ canxi để hình thành lớp vỏ trứng cứng chắc.
Xương tủy chỉ xuất hiện ở chim mái vào thời kỳ đẻ trứng, và có thành phần cấu tạo hóa học khác biệt so với các loại xương khác. Khi trứng được đẻ xong, xương tủy sẽ biến mất không vết tích.
Xem thêm:
Xương tủy chứa chất keratan sulfate, một chất không hiện diện trong các loại xương khác, nhưng ban đầu người ta cho rằng không một thành phần hóa học nào trong xương khủng long có thể sót lại sau hàng triệu năm. Tuy nhiên hiện nay, kết quả một phân tích hóa học đã xác nhận nghi vấn của các nhà nghiên cứu, khi phát hiện được chất keratan sulfate trong hóa thạch khủng long bạo chúa, một chất cũng được tìm thấy trong mô tủy xương của đà điểu và gà. Phát hiện này đã xác nhận mẫu mô thu thập được từ con khủng long bạo chúa chính là xương tủy.
Ảnh minh họa một con khủng long bạo chúa đang mang thai. (Ảnh: Mark Hallett)
Tính chất tạm thời của xương tủy khiến loại xương này khó có thể được tìm thấy trong các hóa thạch, và phát hiện này là một ‘ân huệ’ đối với các nhà khoa học muốn nghiên cứu sự khác biệt giới tính trong quần thể khủng long và cách thức đẻ trứng của chúng.
“Chỉ duy việc có thể xác định chắc chắn một con khủng long là giống cái đã mở ra rất nhiều khả năng mới. Hiện giờ chúng ta đã có thể chứng minh những con khủng long đang mang thai có một đặc điểm hóa học đặc trưng, và chúng ta cần một nỗ lực đồng bộ để tìm hiểu cặn kẽ hơn”, Bà Zanno chia sẻ.
Bằng chứng thị giác cho thấy chiếc xương đùi có chứa mô tủy, nhưng hình dáng bên ngoài có thể gây nhầm lẫn; một số căn bệnh như xương hóa đá (một chứng bệnh rối loạn di truyền cực hiếm khi xương trở nên cứng hơn, đặc hơn, trái ngược với chứng loãng xương) khiến nó trông giống như hóa thạch của một con chim trống với cùng loại mô tương tự, do đó yêu cầu phải tiến hành các phân tích hóa học. Tuy nhiên, không phải ai cũng háo hức phá vỡ các hóa thạch xương khủng long để tiến hành những phân tích như vậy. Riêng trong trường hợp này, mẫu hóa thạch xương đùi của con khủng long đã được phát hiện trong tình trạng bị vỡ nứt từ trước.
Tác giả: Jonathan Zhou, Đại Kỷ nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: