Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện một đại dương ngầm khổng lồ trên Sao Diêm Vương

Khu vực hình trái tim của Sao Diêm vương có thể có 1 đại dương ngầm khổng lồ

Hãng tin Reuters cho biết các nhà khoa học vừa tìm ra bằng chứng cho thấy Sao Diêm vương có chứa một đại dương ngầm dưới bề mặt đóng băng của nó, với lượng nước có thể không thua kém các đại dương của Trái đất.

Theo các bài báo được đăng ngày 16/11 trên tạp chí khoa học Nature, khu vực phát hiện đại dương ngầm trên Sao Diêm vương là vùng đất hình trái tim có địa hình bằng phẳng của hành tinh nhỏ bé và xa xôi trong hệ mặt trời này.

Phát hiện này đã bổ sung thêm Sao Diêm vương vào danh sách các hành tinh trong hệ mặt trời có khả năng chứa đại dương ngầm và có thể có sự sống.

Nhà nghiên cứu Francis Nimmo, một nhà khoa học về thiên thể từ Đại học California Santa Cruz, cho biết Sao Diêm vương có thể có một đại dương ngập đầy băng, nằm dưới độ sâu khoảng 150-200 km dưới bề mặt đóng băng của hành tinh này. Lớp nước của đại dương đó có thể dày 100 km.

“Trái tim” của Sao Diêm vương tiết lộ hành tinh này có đại dương ngầm. Ảnh: CSmonitor

Nhà khoa học Richard Binzel từ Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng do đại dương được bao phủ bởi rất nhiều băng, nên Sao Diêm vương không phải nơi lý tưởng cho sự sống. Tuy nhiên, ông Binzel cho biết không điều gì là không thể.

Nước được coi là một trong những thành tố không thể thiếu của sự sống.

Khám phá mới này được tìm ra dựa trên phân tích các hình ảnh và dữ liệu do tàu vũ trụ New Horizons của NASA thu thập khi nó bay qua Sao Diêm vương và một loạt các mặt trăng của hành tinh này vào tháng 7/2015.

Tàu vũ trụ New Horizons của NASA truyền dữ liệu về Trái đất. Ảnh: NASA

“Nó cho thấy tự nhiên sáng tạo hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng, đó là lý do tại sao chúng ta phải đi và khám phá”, ông Binzel nói.

Dù cách xa Mặt trời hơn 40 lần so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, nhưng Sao Diêm vương vẫn có đủ nhiệt phóng xạ sót lại từ lúc nó hình thành cách đây khoảng 4,6 tỷ năm để giữ cho nước ở thể lỏng.

Nhà khoa học Nimmo giải thích rằng Sao Diêm vương có đủ đá để có thể tạo ra một lượng nhiệt lớn và lớp vỏ băng dày vài trăm km là một chất cách nhiệt tốt, khiến nhiệt không bị thoát ra.

“Do đó một đại dương nằm sâu bên dưới bề mặt không phải là điều gì quá bất ngờ, đặc biệt nếu đại dương đó chứa ammonia, thứ hoạt động như chất chống đóng băng”, ông nói.

Các nhà khoa học trước đó đã cố gắng tìm cách lý giải tại sao một lưu vực rộng tới 1.000 km được gọi là Sputnik Planitia, trong đó có chứa một khu vực hình trái tim kỳ lạ, lại nằm ở vị trí hiện tại gần xích đạo của Sao Diêm vương.

Các mô hình vi tính đã cho thấy lưu vực đó có khả năng bị lấp đầy băng, khiến Sao Diêm vương khi quay đã làm nứt lớp vỏ. Các phân tích cho thấy điều đó chỉ có thể xảy ra khi hành tinh này có một đại dương bên dưới bề mặt.

Hạo Nhân

Xem thêm:

Exit mobile version