Một loài tắc kè mới được phát hiện trên đảo Madagascar có phương thức lẩn trốn kẻ săn mồi vô cùng độc đáo – trút bỏ toàn bộ lớp vảy trong tức thời.
Geckolepis megalepis là một trong số những loài ‘tắc kè vảy cá’ thuộc chi Geckolepis, với khả năng trút bỏ vảy để chạy trốn kẻ thù. Các loài tắc kè khác cùng họ đều sở hữu khả năng này, nhưng chỉ loài G. megalepis mới được xác định lại có thể làm được điều này với tốc độ cực nhanh, không ai sánh kịp.
“Nhìn từ xa nó trông giống một con cá, nhưng đến khi chạm vào, nó lại trông giống một cái ức gà trụi lông”, nhà nghiên cứu Mark D. Scherz từ Đại học Ludwig Maximilian München (Đức) trao đổi với tờ New York Times.
Trong nghiên cứu được công bố mới đây, Scherz và nhóm của ông đã xác định loài tắc kè bản địa trên đảo Madagascar này là một loài độc lập, và đây là lần đầu tiên một thành viên mới của chi Geckolepis được phát hiện trong suốt 75 năm qua – một phần là do đặc tính trơn trượt này khiến chúng rất khó bị bắt .
Điều khiến lớp vảy của tắc kè Geckolepis có thể tách rời một cách dễ dàng là do mỗi chiếc vảy chỉ được ‘gắn hờ’ vào cơ thể dọc theo “các khu vực tách rời” được định trước trên làn da.
Cơ chế tự vệ này của G. megalepis vượt trội hơn hẳn những người họ hàng, bởi miếng vảy của nó là lớn nhất trong số những loài tắc kè vảy cá nói riêng và trong họ tắc kè nói chung.
Kích thước một miếng vảy của nó có thể dài đến 8% chiều dài cơ thể.
Vì diện tích bề mặt một miếng vảy là rất lớn khi so với diện tích toàn bộ vùng da phủ vảy, do đó lực ma sát tạo ra khi miếng vảy khổng lồ chà sát vào bất kỳ bề mặt tiếp xúc nào cũng là lớn hơn. Do đó nhóm nghiêm cứu đưa ra giả thuyết cho rằng G. megalepis có khả năng “thoát xác” nhanh hơn và dễ dàng hơn so với bất kỳ thành viên nào trong họ của nó.
Điều này có nghĩa là lớp vảy không dùng để tự vệ, mà thay vào đó đóng vai trò đánh lừa kẻ săn mồi đang đến gần.
“Có thể bạn cho rằng lớp vảy đóng vai trò phòng vệ, nhưng thực ra đó chỉ là mồi nhử để chặn răng hay móng vuốt của kẻ săn mồi. Trong khi hàm răng hay móng vuốt kẻ săn mồi bị mắc vào lớp vảy, con tắc kè sẽ trút bỏ lớp vảy và thoát thân trong tích tắc”, Scherz trao đổi với tờ New York Times.
Tất nhiên, sau khi trút bỏ lớp vảy, con tắc kè trông khá yếu ớt, nhưng nó sẽ rất nhanh chóng tái tạo lớp vảy mới để khôi phục lại ‘phong độ cũ’.
Một trong những thách thức khi nghiên cứu megalepis G. là tìm ra cách thức phân biệt nó với các loài tắc kè khác. Điều này tương đối khó vì lớp vảy của nó, vốn là biện pháp chủ chốt để xác định chủng loài tắc kè, có thể trút bỏ rất dễ dàng,
Trong quá khứ, các nhà khoa học đã dùng bông gòn để bắt tắc kè vảy cá một cách nhẹ nhàng nhất có thể, để không làm rụng lớp vảy.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã dùng đến máy chụp cắt lớp vi tính (micro-CT) để chụp X-quang 3 chiều phần nội tạng bên trong con tắc kè.
“Với tắc kè Geckolepis, bạn cần phải động não một chút. Rất khó để nhận diện loài tắc kè này. Vì vậy, chúng tôi phải dùng đến micro-CT để chụp toàn bộ phần xương và tìm kiếm các dấu hiệu nhận dạng”, Scherz giải thích trong một thông cáo báo chí.
Các đặc điểm hộp sọ trên ảnh chụp đã giúp nhóm nghiên cứu phân biệt G. megalepis với các loài tắc kè vảy cá khác.
Không chỉ sở hữu tốc độ trút vảy rất nhanh, loài tắc kè này còn có khả năng tái tạo lớp vảy cũng rất mau chóng.
Theo đó, trong khi những loài tắc kè vảy cá khác mất rất nhiều thời gian để tái tạo lớp vảy, G. megalepis chỉ cần một vài tuần, đồng thời hoàn toàn không để lại sẹo.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tái tạo lớp vảy dùng một lần này khiến chúng hao tổn rất nhiều năng lượng, nhưng dù sao vẫn tốt hơn rất nhiều so với viễn cảnh mất đi mạng sống. Vì vậy, đây có thể coi là một kỹ năng sinh tồn hữu ích và đầy thú vị.
Tôn Kiên (theo Ifl Science)
Xem thêm: