Các nhà khoa học đã phát hiện loài ếch phát quang đầu tiên trên thế giới trong vùng rừng Amazon. Tỏa ra một màu xanh lục kỳ dị khi được chiếu đèn tia cực tím, các nhà khoa học cho rằng đây có thể là đặc điểm khá phổ biến trong giới động vật lưỡng cư.
Loài ếch này, với tên gọi ếch cây polka-dot, thường có màu xanh lục nhạt, điểm xuyết các đốm đỏ, trắng và vàng. Chúng cư trú rất đông tại vùng lòng chảo Amazon, một loài động vật phổ biến ven mép sông và kênh rạch. Nhưng chỉ khi các nhà nghiên cứu phân tích sắc tố trên da loài ếch thì họ mới có một phát hiện đáng kinh ngạc. Khi họ chiếu đèn tia cực tím vào loài sinh vật, họ nhận thấy nó phát quang.
Xem xét kỹ khả năng phát quang của loài ếch, các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bernardino Rivadavia ở Buenos Aires (Argentina) đã xác định được 3 loại phân tử trong mô bạch huyết, da và các chất tiết ra từ tuyến bạch cầu giúp tạo cho chúng sắc xanh lục này.
Tuy nhiên, lý do đằng sau khả năng phát quang này thì lại hơi khó nhận biết. Các nhà nghiên cứu phát hiện nó phát ra một lượng ánh sáng đáng kể, tương đương khoảng 18% ánh sáng đêm trăng tròn, hay 30% ánh sáng lúc chạng vạng, mà đối với loài ếch thì chừng đó là đủ để “hiện nguyên hình”. Do đó, các nhà nghiên cứu ngờ rằng khả năng này có thể đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa các cá thể động vật lưỡng cư.
Tuy rằng khả năng phát quang sinh học, trong đó các loài sinh vật chủ động phát ra ánh sáng thông qua quá trình hóa học, đã được ghi nhận tương đối đầy đủ ở động vật có xương sống, đặc biệt là cá, nhưng khả năng phát quang – cụ thể là phát huỳnh quang (fluorescence) – ở động vật lưỡng cư lại hiếm gặp hơn rất nhiều. Phát huỳnh quang là khả năng hấp thụ ánh sáng có bước sóng ngắn rồi phát trở lại tại bước sóng dài hơn, nghĩa là chúng có thiên hướng phát ra ánh sáng màu xanh lục hoặc màu vàng.
Cho tới nay các nhà khoa học đã ghi nhận được một vài loài động vật có xương sống sở hữu khả năng này, ví như Cá mập Swell ở vùng biển phía đông Thái Bình Dương hay thậm chí một loài rùa. Tuy rằng khả năng này thường xuất hiện ở những loài động vật cư trú dưới biển sâu (nơi thiếu ánh sáng), nhưng nó không bị giới hạn trong môi trường biển, vì ngay cả một số loài vẹt cũng sở hữu bộ lông phát quang.
Tuy nhiên, khám phá mới này đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy một loài động vật lưỡng cư có khả năng phát quang. Và các nhà nghiên cứu ngờ rằng ếch cây polka-dot không phải là loài duy nhất sở hữu khả năng này. Họ phỏng đoán có rất nhiều loài ếch khác sở hữu làn da trong mờ có thể âm thầm phát sáng bên ngoài tầm mắt chúng ta.
“Tôi thật sự hy vọng các đồng nghiệp sẽ tỏ ra hứng thú với hiện tượng này, và bắt đầu mang theo mình một đèn pin tia cực tím khi công tác thực địa”, đồng tác giả nghiên cứu Julián Faivovich cho hay.
Công trình của họ được công bố trên Tập san của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Quý Khải
Xem thêm: