Vùng đất kỳ bí của Kazakhstan đã trao tặng chúng ta một món quà hiếm có – một con ngựa một sừng!
Theo tờ Economic Times, loài sinh vật được biết đến như ngựa một sừng Siberia, với danh pháp Elasmotherium sibiricum, thuộc chi thú xương mỏng, thực sự đã tồn tại vào khoảng 350.000 năm trước. Loài sinh vật này được cho là đã tuyệt chủng vào giai đoạn này, nhưng các nhà khảo cổ vừa mới khai quật được một hộp sọ cho thấy chúng vẫn còn tung hoành trên Trái Đất sau thời kỳ đó rất lâu, cụ thể là vào khoảng 29.000 năm trước.
Loài động vật cao 1,8 m này thực sự có một cái sừng khổng lồ nhô ra phía trước trán, tuy nhiên, nó trông giống một con tê giác nhiều hơn là một con ngựa một sừng.
Con vật này khá đồ sộ, với trọng lượng khoảng 3,6 tấn và chiều dài khoảng 4,5 m, nhưng đây là một loài động vật khá hiền lành, sinh sống chủ yếu bằng ăn cỏ.
Theo trang Science Alert, các nhà nghiên cứu cho rằng hóa thạch ngựa một sừng mới khai quật này là của một con đực, nhưng họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây tử vong.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Ứng dụng Hoa Kỳ, Andrey Shpanski, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Tomsk của Nga nói, “Nhiều khả năng, phía nam của khu vực Tây Siberia là một refúgium (một nơi các quần thể sinh vật có thể sinh tồn qua một thời kỳ có môi trường sống không thuận lợi, ví như trong thời kỳ băng giá), nơi loài tê giác này có thể sinh tồn lâu hơn so với đồng loại ở các nơi khác. Một khả năng khác là chúng có thể đã di cư và trú ngụ một thời gian tại các khu vực xa hơn về phía Nam”.
Mẫu hóa thạch này cho thấy loài động vật có vú này có kích thước lớn, ở chóp đỉnh trong số các phỏng đoán trước đây. Việc phân tích hộp sọ hóa thạch này có thể cung cấp thông tin quan trọng để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài động vật này, nhưng điều quan trọng hơn là, làm cách nào nó có thể tồn tại lâu đến vậy.
Theo Yourdailydish
Thu Hiền
Xem thêm: