Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện hóa thạch ếch 40 triệu năm tuổi tại Nam Cực

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Khám phá khu vực đảo Seymour, gần Bán đảo Nam Cực, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ về sự sống trong quá khứ hàng triệu năm trước – Hóa thạch ếch. Phát hiện này mang đến những thông tin mới về khí hậu thời cổ đại.

Báo VnExpress cho biết, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 23/4, các nhà cổ sinh vật học phát hiện những mảnh xương chậu và xương sọ ếch trên đảo Seymour, gần mũi của bán đảo Nam Cực.

Phát hiện mới đáng chú ý vì hình dạng xương ếch cho thấy nó thuộc họ Calyptocephalellidae, ngày nay phân bố ở những nơi khí hậu ấm và ẩm thuộc dãy Andes, Chile. Điều này cho thấy khí hậu Nam Cực 40 triệu năm trước cũng tương tự.

Nhà cổ sinh vật học Thomas Mörs, quản lý cao cấp tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển cho biết: “Chúng trông giống với những con ếch ngày nay. Có thể cá thể này đã ngủ đông trong mùa đông dài và tối”, theo Infonet.

Ông cũng cho rằng con ếch đã từng sống trong một khu rừng mưa, ẩm ướt giống những gì hiện có ở Valdivian, Chile với nhiệt độ trung bình khoảng 14 độ C.

Nghiên cứu mới cung cấp thêm manh mối về tốc độ Nam Cực biến đổi từ một môi trường dễ chịu sang vùng đất lạnh giá. Nam Cực đã nhanh chóng đóng băng sau khi chia tách với Australia và Nam Mỹ.

Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến toàn bộ hệ sinh thái Nam cực bị xóa sổ. Trước đó, các nhà khoa học cũng có bằng chứng cho thấy Nam cực từng có hệ thực vật khá phong phú bao gồm cây lá kim, dương xỉ và hoa.

Vào thời điểm con ếch này đang sinh sống, hoạt động và săn bắt côn trùng, những tảng băng đã hình thành ở vùng cao nguyên bên trong Nam Cực.

Exit mobile version