Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện 2 hành tinh giống Trái Đất, rất gần Hệ Mặt Trời

Phát hiện 2 hành tinh giống Trái Đất, rất gần Hệ Mặt Trời

(Ảnh: dottedyeti/Adobe Stock)

Một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hai hành tinh giống Trái Đất và rất gần Hệ Mặt trời. Chúng nằm ở vị trí hoàn hảo để nước duy trì ở thể lỏng, tạo điều kiện cho sự sống sinh sôi.

Zing dẫn theo trang Space.com cho hay, hai hành tinh này quay quanh ngôi sao mang tên “Teegarden”, nằm cách Trái Đất 12,5 năm ánh sáng, và được đặt tên là Teegarden B và Teegarden C. 

“Hai hành tinh này giống các hành tinh bên trong Hệ Mặt trời chúng ta”, trưởng nhóm nghiên cứu Mathias Zechmeister – nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý thiên văn Đại học Gottingen, Đức – cho hay. 

“Chúng chỉ nặng hơn Trái Đất một chút, nằm trong khu vực nước tồn tại ở dạng lỏng và loài người có thể sinh sống”, ông cho biết thêm.

Hình mô phỏng 2 hành tinh mới tìm thấy quay quanh Mặt trời Teegarden của chúng. (Ảnh: Space)

Phát hiện này là thành quả của dự án tìm kiếm CARMENES. CARMENES (Calar Alto high-Resolution search for M dwarfs with Exoearths with Near-infrared and optical Échelle Spectrographs – Tìm kiếm các hành tinh sinh sống được trong những hệ sao xếp loại M – hệ sao phổ biến nhất vũ trụ).

Các hành tinh mới được tìm thấy quay quanh ngôi sao mẹ của chúng với chu kì tương ứng là 5 và 11 ngày (so với 365 ngày một chu kỳ trên Trái Đất). Nói cách khác, một năm trên những ngôi sao này chỉ kéo dài lần lượt 5 và 11 ngày. 

Hành tinh Teegarden C nằm trong khu vực có thể sinh sống được, chỉ hơi lạnh hơn Trái Đất một chút. (Ảnh: zmescience.com)

Teegarden b và Teegarden c: Ứng viên sáng giá cho phiên bản “Trái Đất 2.0”

“Các hành tinh Teegarden b và c là những hành tinh đầu tiên được phát hiện theo phương pháp vận tốc hướng tâm xung quanh một sao lùn cực kỳ mát mẻ như vậy”, Soha trích dẫn lời nhóm nghiên cứu cho hay.

“Cả hai hành tinh đều có khối lượng tối thiểu gần bằng Trái Đất. Chúng được dự đoán là có bán kính giống Trái Đất, và có các thành phần cấu tạo gồm đá, một phần sắt hoặc nước”.

Hình ảnh giả định về khoảng cách của hai hành tinh với mặt trời của nó (sao Teegarden) – so với khoảng cách thật của Trái Đất với Mặt Trời (ngoài cùng, bên trái). (Ảnh: Space)

Sau khi quan sát, nghiên cứu đi đến kết luân: Teegarden b là hành tinh trong cùng; nó có 60% cơ hội có môi trường bề mặt ôn đới, có nhiệt độ khoảng từ 0° đến 50° C, thậm chí là 28°C (có thể sinh sống được). Trong khi đó, Teegarden c thì ở vị trí xa ngôi sao mẹ Teegarden hơn và có nhiệt độ bề mặt giống như sao Hỏa, tức khoảng -47°C (khá khắc nghiệt với con người).

Với khối lượng tương tự Trái Đất và khoảng cách tiếp xúc với bức xạ mặt trời (sao mẹ Teegarden) khá phù hợp, cả hai hành tinh này đứng đầu trong Danh mục ngoại hành tinh có thể sống được. Trên thực tế, Teegarden b đạt được Chỉ số Tương tự Trái đất (ESI) cao nhất từ ​​trước đến nay.

Tuy rằng kết luận này không có nghĩa là một trong hai hành tinh thực sự có thể là nơi ở của con người trong tương lai nhưng theo giới thiên văn thì đây là một phát hiện rất hứa hẹn. Trao đổi với The Guardian, ông Mathias Zechmeister cho biết nếu những hành tinh này có bầu khí quyển, thì sự sống hoàn toàn có thể sinh sôi, nảy nở.

Tiềm năng nuôi dưỡng sự sống của Teegarden b, c đang khiến các nhà khoa học phấn khích hơn bao giờ hết. (Ảnh: © dottedyeti/Adobe Stock)

Với khám phá này, Teegarden là hệ sao gần thứ 24 so với Hệ Mặt Trời, các hành tinh mới phát hiện của nó là một trong những ứng viên tuyệt vời cho các nghiên cứu trong tương lai. Tiềm năng nuôi dưỡng sự sống của chúng đang khiến các nhà khoa học phấn khích hơn bao giờ hết.

Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý thiên văn .

Video: Phát hiện một hành tinh mới cỡ trái đất

Exit mobile version