Đại Kỷ Nguyên

Phải chăng căn bệnh teo cơ đã biến Stephen Hawking thành một thiên tài?

Nhiều người cho rằng chính căn bệnh teo cơ đã khiến Stephen Hawking thay đổi thế giới quan, toàn tâm cho nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tựu phi thường.

Trước khi mắc bệnh: Thông minh nhưng không nổi trội

Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942, tại Oxford, Anh, ông sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Họ sống trong một cuộc sống thanh đạm trong một ngôi nhà chung lớn, huyên náo và tồi tàn, và đi lại bằng một chiếc xe taxi Luân Đôn thải hồi. Cha của Hawking thường xuyên vắng nhà vì công tác ở châu Phi.

Tuy gia đình Hawking rất đề cao giá trị của việc học hành, nhưng bản thân cậu thì khá lười học. Năm 1952, Hawking chuyển sang trường St Albans, ở đây Hawking duy trì được một nhóm bạn thân mà ông thường tham gia chơi bài, làm pháo hoa, các mô hình phi cơ và tàu thuyền.

Stephen Hawking và em gái khi còn nhỏ (Ảnh: baomoi)

Hệ quả của việc lười học là kết quả học tập của ông chỉ đứng ở phần cuối lớp. Lên các lớp trên có sự tiến bộ hơn nhưng không nhiều.

Tháng 10 năm 1959, Hawking vào học tại Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Trong 18 tháng đầu tiên ông thấy chán học và cô đơn: ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên, và thấy việc học hành “dễ một cách kỳ cục”. Thầy dạy vật lý Robert Berman sau này kể lại, “Đối với cậu ta chỉ cần biết điều gì đó có thể thực hiện, và cậu có thể làm nó mà không cần phải ngó xem những người khác đã làm thế nào.

 Một sự thay đổi xảy ra vào năm thứ hai và thứ ba khi, theo Berman, Hawking cố gắng trở nên hòa nhập hơn với trang lứa. Hawking phấn đấu và trở thành một sinh viên được quý mến, hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng. Một phần sự biến chuyển này đến từ quyết định gia nhập Câu lạc bộ đua thuyền của trường, nơi Hawking phụ trách lái trong một đội đua thuyền. Huấn luyện viên khi đó nhận thấy Hawking trau dồi một phẩm cách táo bạo, lái đội đua theo những hướng nguy hiểm thường dẫn tới thuyền bị hư hại.

Stephen Hawking khi còn học tại Oxford (Ảnh: baomoi)

Hawking ước tính rằng ông đã học chừng 1000 giờ trong 3 năm ở Oxford (tức trung bình 1 giờ/ngày). Thói quen học hành không ấn tượng này khiến cho các kì thi cuối kỳ của ông trở nên đáng ngại, và ông quyết định chỉ trả lời những câu hỏi vật lý lý thuyết và bỏ qua những câu đòi hỏi kiến thức thực tế.

Trong khi đó, ông cần phải có một bằng danh dự hạng nhất để đăng ký học tại ngành vũ trụ học tại Đại học Cambridge mà ông đã dự tính. Kỳ thi diễn ra căng thẳng và kết quả nằm ở đúng điểm số ranh giới giữa hạng nhất và hạng nhì, và như thế cần có thêm buổi kiểm tra vấn đáp để phân hạng. Hawking lo rằng sẽ bị xem là một sinh viên lười nhác và khó tính, nên tại buổi vấn đáp khi được yêu cầu mô tả kế hoạch tương lai của mình, ông trả lời “Nếu các vị trao cho tôi hạng Nhất, tôi sẽ tới Cambridge. Nếu tôi nhận hạng Nhì, tôi sẽ ở lại Oxford, vì vậy tôi hi vọng các vị cho tôi hạng Nhất.” Kết quả ông được hạng Nhất ngoài mong đợi

Sau khi mắc bệnh: Thiên tài xuất hiện

Như vậy ta có thể thấy trước khi mắc bệnh Stephen Hawking có tố chất thông minh nhưng không phải là một người ham học và cũng không có dấu hiệu gì của một thiên tài. Hơn nữa Hawking còn khá hứng thú với những trò tiêu khiển, các hoạt động xã hội. Đến độ tuổi học đại học, độ tuổi mà con người đã có thể suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai của mình, ông cũng không có công trình nào mang tính đột phá, hoặc có dấu hiệu gì cho ra những tác phẩm khoa học để đời.

Nếu căn bệnh không xảy ra, rất có thể ông vẫn là một chàng trai Hawking lười học, với mức điểm vừa đủ đỗ, phấn đấu và trở thành một sinh viên được quý mến, hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng và là đội trưởng của đội đua thuyền.

Mất đi khả năng vận động cũng là lúc Stephen Hawking dành toàn tâm trí cho nghiên cứu vật lý lý thuyết (Ảnh: GiaLaiNews)

Chỉ từ khi căn bệnh quái ác phát triển, chân tay không vận động được, chỉ sử dụng được mỗi bộ óc, thì lúc đó, tính “lười” của Hawking mới biến mất, ông trở lại công việc nghiên cứu với niềm thích thú, công việc duy nhất ông có thể làm được vào lúc này. Những năm tiếp theo là những chuỗi dài với các công trình nghiên cứu khoa học khiến ông trở thành người nổi tiếng và đỉnh cao của trí tuệ trong thời hiện đại.

Những công trình nổi tiếng của Stephen Hawking

Năm 1964: Hawking bắt đầu nổi danh về trí tuệ xuất chúng khi ông công khai thách thức công trình của Fred Hoyle và sinh viên của ông này, Jayant Narlikar, trong một bài thuyết trình tháng 9.

Những năm 1966-1970, Hawking mở rộng các quan niệm về định lý điểm kì dị mà ông khám phá trong luận án tiến sĩ. Cùng với James M. Bardeen và Brandon Carter, ông đề xuất bốn định luật của cơ học lỗ đen, vạch ra một sự tương đồng với động lực học cổ điển.

Tháng 1 năm 1971: tiểu luận có tên “Những Hố đen” của ông thắng giải thưởng Quỹ Nghiên cứu Lực Hấp dẫn.

Năm 1973: cuốn sách đầu tiên của Hawking Cấu trúc Vĩ mô của Không-Thời gian viết với George Ellis được xuất bản.

Năm 1974, Hawking chỉ ra rằng hố đen phát ra bức xạ – mà ngày nay được gọi là bức xạ Hawking – cho đến khi chúng cạn kiệt năng lượng và bay hơi. Ban đầu, bức xạ Hawking gây nhiều tranh cãi. Nhưng đến cuối những năm 1970 và sau những công bố nghiên cứu sâu hơn, khám phá này được chấp nhận rộng rãi như một đột phá quan trọng trong vật lý lý thuyết. Tháng 3 năm 1974, vài tuần sau khi công bố bức xạ Hawking, Hawking trở thành thành viên của Hội Hoàng gia, và là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi nhất từng nhận vinh dự này.

4 năm 1988 ở Hoa Kỳ, Cuốn “Lược sử thời gian” được xuất bản và trở thành một thành công phi thường, nhanh chóng vươn lên đầu các danh sách bán chạy nhất và duy trì vị trí không chỉ nhiều tuần mà nhiều năm liên tục.

“Lược sử thời gian” – cuốn sách thành công nhất của Stephen Hawking (Ảnh: Tiki)

Năm 1999 Hawking nhận Giải Julius Edgar Lilienfeld của Hội Vật lý Hoa Kỳ.

Năm 2001 ấn hành cuốn Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, tiếp tục nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của độc giả.

Như vậy ta có thể nhận thấy rất rõ ràng sự khác biệt trước và sau khi Stephen Hawking bị mắc căn bệnh quái ác. Có lẽ căn bệnh không chỉ đem đến cho ông nỗi bất hạnh. Nhưng trên hết, vẫn là nghị lực vươn lên, vượt qua nỗi bất hạnh về thân thể. “Khi phải đối mặt với khả năng chết sớm, tôi nhận ra rằng cuộc sống này rất đáng sống và có rất nhiều điều tôi muốn làm”, Hawking nói.

Hy Đình

Exit mobile version