Đại Kỷ Nguyên

Nhật Bản cấp phép thí nghiệm nuôi phôi lai giữa người và động vật, hy vọng hay thảm họa cho loài người?

Nhật Bản vừa cấp phép thí nghiệm nuôi phôi lai giữa người và động vật, hy vọng hay sẽ là thảm họa cho loài người?

(Ảnh: thescienceexplorer.com)

Trong khi nhiều nước đã ngừng tài trợ hoặc cấm hoàn toàn loại nghiên cứu này, động thái trên của Nhật Bản được ví như mở ra chiếc hộp Pandora cho các nhà khoa học. 

Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức cấp phép cho một thí nghiệm tạo ra phôi lai giữa người và động vật, cụ thể là những con chuột. Đây thực sự là một sự kiện gây chấn động trong giới khoa học thế giới, Science Alert đưa tin.

(Ảnh: amar-sangbad.com)

Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi, nhà sinh vật học tế bào gốc đang công tác tại Đại học Tokyo và Đại học Stanford cho biết, mục tiêu của thí nghiệm này là phát triển các bộ phận và nội tạng của con người bên trong cơ thể của động vật, cụ thể là cừu hoặc lợn. Sau đó dùng chúng để cấy ghép ngược trở lại cho người bệnh mà không hề bị đào thải. 

Theo thống kê của Hoa Kỳ, nước này hiện có 116.000 người trong danh sách chờ ghép tạng. Các nhà nghiên cứu hy vọng thí nghiệm thành công sẽ mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân này. 

Chúng tôi không mong đợi tạo ra các bộ phận cơ thể người ngay lập tức, nhưng điều này cho phép chúng tôi tiến hành nghiên cứu dựa trên những hiểu biết mà chúng tôi đã đạt được cho đến thời điểm này “, tiến sĩ Nakauchi chia sẻ với tờ Asahi Shimbun. 

Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi cho biết ông đã phải chờ đợi thời điểm này trong suốt 10 năm. Cũng trong 10 năm đó, ông đã đi tới nhiều nước để vận động cho việc thông qua và tiến hành các thí nghiệm tạo ra phôi lai. 

(Ảnh: noticias24.com)

Thí nghiệm tạo ra phôi lai giữa người và chuột sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Các chuyên gia sẽ tạo trứng thụ tinh của chuột cống và chuột nhắt không có khả năng hình thành tụy do bị chỉnh sửa gene. Sau đó, họ sẽ đưa tế bào iPS của người vào những quả trứng thụ tinh đó. Kết quả là phôi thai lai giữa người và động vật. Nhóm nghiên cứu sẽ cấy phôi thai vào tử cung chuột cống và chuột nhắt. Tụy từ tế bào gốc iPS sẽ lớn lên trong cơ thể chuột non.  Trong suốt 2 năm thí nghiệm diễn ra, nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sự phát triển của các cơ quan nội tạng chuột, bao gồm cả bộ não.

Nếu thí nghiệm này thành công, khi chuột phát triển được tuyến tụy đủ giống con người, các nhà khoa học Nhật Bản sẽ tiến đến một bước quyết định: đề nghị được phê duyệt thí nghiệm trên các động vật lớn như lợn, để thực sự có thể tạo ra các cơ quan nội tạng có kích thước bằng với con người và có thể sử dụng trong cấy ghép.

Thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản: Tạo ra những con chuột mang tuyến tụy chứa tế bào người. (Ảnh: asahi.com)

Đây không phải lần đầu tiên loại hình thí nghiệm như thế này được thực hiện trên thế giới. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã từng nhiều lần tạo ra các phôi lai giữa người và động vật – như phôi lợn mang tế bào người, phôi lai giữa người và cừu. Nhưng chúng đều “chết yểu”, không được phép phát triển đến giai đoạn trưởng thành.

Năm 2017, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sinh học Salk, California Hoa Kỳ đã tạo ra được một phôi thai nửa người nửa lợn. Nhưng họ phải chủ động hủy phôi thai đó khi nó bước sang ngày tuổi thứ 28/112 của thai kỳ lợn.

Câu hỏi đặt ra: 

Thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản liệu sẽ mở ra hy vọng hay sẽ là thảm họa đối với loài người? 

Bởi vì, hiện nay chính các nhà khoa học cũng không thể biết chính xác các tế bào gốc của người khi được tiêm vào phôi động vật sẽ đi về đâu và phát triển thành bộ phận nào trong cơ thể chúng. Và đó chính là một trong những mối lo ngại lớn nhất của loại hình thí nghiệm này.

Sẽ ra sao nếu các tế bào này phát triển thành các neuron thần kinh trong bộ não của chuột hoặc lợn? Khi đó, liệu những con vật này có mang trí thông minh của con người hay không?

Sẽ thật khủng khiếp nếu câu trả lời là ” “. Và chắc chắn đó sẽ là một thảm họa kinh hoàng về mặt đạo đức. 

Chúng ta có thể đã tạo ra một “con người” bị nhốt trong thể xác của một con chuột hoặc một con lợn?

Vì lẽ đó, đây là loại hình thí nghiệm gây ra mối lo ngại lớn về mặt đạo đức. 

Ngoài ra, câu hỏi đạo đức còn được đặt ra với thí nghiệm này ở khía cạnh sử dụng động vật vào mục đích nghiên cứu. Hàng năm ở châu Âu, 11,5 triệu động vật, bao gồm các loài gặm nhấm, chó, mèo, ngựa, chim, linh trưởng…, bị sử dụng làm thí nghiệm. Ngày nay, một bộ phận cộng đồng khoa học không còn muốn dùng đến phương thức tàn nhẫn này.

Exit mobile version