Theo bài báo “Mức độ ủng hộ thuyết tiến hóa” trên Wikipedia, phần lớn cộng đồng khoa học và hàn lâm ủng hộ thuyết tiến hóa. Nhưng nhiều cuộc thăm dò ở Mỹ cho thấy điều ngược lại: đa số người Mỹ không tin thuyết tiến hóa. Tại sao có sự mâu thuẫn như thế?
Quý độc giả lưu ý:Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:
Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo. |
Trước thực tế ngày càng có nhiều người nghi ngờ thuyết tiến hóa, không có gì để ngạc nhiên khi ta thấy một trang mạng lớn xưa nay luôn ủng hộ thuyết tiến hóa như Wikipedia đã cho công bố bài báo “Level of support for evolution”[1] (Mức độ ủng hộ Thuyết tiến hóa), nhằm thuyết phục mọi người rằng thuyết tiến hóa là một lý thuyết khoa học thực sự vì nó được hầu hết các nhà khoa học ủng hộ. Chỉ có một mục duy nhất chiếm khoảng 2% thông tin trong bài báo đề cập đến những thông tin bất lợi cho thuyết tiến hóa. Nhưng cái 2% này lại làm cho bất kỳ một người tỉnh thức nào cũng không thể không đặt câu hỏi: “Nếu thuyết tiến hóa thực sự là một khoa học được đa số các nhà khoa học ủng hộ thì tại sao đa số công chúng Mỹ lại không tin?”. Đây, xin trích nguyên văn cái 2% đó trong mục “Niềm tin của công chúng hiện nay” (Recent public beliefs):
- Trong cuộc thăm dò của viện Gallup năm 1991, 47% dân số Hoa Kỳ, và 25% sinh viên tốt nghiệp đại học đồng ý với tuyên bố, “Thiên Chúa tạo ra con người hầu như giống hệt hiện nay tại một thời điểm trong vòng 10.000 năm qua.”
- Mười bốn năm sau, vào năm 2005, Gallup nhận thấy 53% người Mỹ bày tỏ niềm tin rằng “Thiên Chúa tạo ra con người giống như hiện nay một cách chính xác như cách Kinh Thánh mô tả nó.” Khoảng 2/3 (65,5%) những người được hỏi nghĩ rằng Thuyết sáng tạo chắc chắn đúng hoặc có thể đúng. Năm 2005, một cuộc thăm dò của Newsweek khám phá ra rằng 80% công chúng Mỹ nghĩ rằng “Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ.” và Trung tâm nghiên cứu Pew báo cáo rằng “gần hai phần ba người Mỹ nói rằng Thuyết sáng tạo nên được dạy cùng với Thuyết tiến hóa trong các trường công lập.” Ronald Numbers bình luận về điều đó với “Điều ngạc nhiên nhất là phát hiện ra rằng phần lớn giáo viên sinh học tại các trường trung học ─ từ 30% ở Illinois và 38% ở Ohio tới 69% ở Kentucky ─ ủng hộ việc giảng dạy Thuyết sáng tạo
- Trung tâm Quốc gia về Giáo dục Khoa học (của Mỹ) báo cáo rằng từ năm 1985 đến năm 2005, số người Mỹ không tin chắc vào Thuyết tiến hóa tăng từ 7% lên 21%, trong khi con số phản đối Thuyết tiến hóa giảm từ 48% xuống còn 39%. Jon Miller của Đại học bang Michigan đã tìm thấy trong các cuộc thăm dò của mình rằng số người Mỹ chấp nhận Thuyết tiến hóa đã giảm từ 45% xuống còn 40% từ 1985 đến 2005
- Theo những kết quả có phần mâu thuẫn này, rất khó để biết chắc điều gì đang xảy ra ở Mỹ về ý kiến công chúng đối với Thuyết tiến hóa. Cả hai phía đều có vẻ như không có những tiến bộ rõ ràng. Tuy nhiên, có vẻ như sự bất định về vấn đề này đang tăng lên”.
Thật “ngạc nhiên thú vị” khi đọc những thông tin bất lợi cho thuyết tiến hóa như trên trong một bài báo ủng hộ thuyết tiến hóa. Wikipedia chắc chắn không thích thú gì với những thông tin đó, nhưng không thể không đăng trong một bài báo nhan đề “Mức độ ủng hộ thuyết tiến hóa”. Nếu không đăng, bài báo sẽ thiếu trung thực, thiếu khách quan. Ở đây có hai điểm đặc biệt đáng chú ý:
Một, người Mỹ thể hiện tinh thần tư duy độc lập rất cao ─ bất chấp niềm tin của đa số cộng đồng khoa học và hàn lâm, mỗi người dân vẫn tự tin nói lên quan điểm riêng của mình, dựa trên trực giác của bản thân và khả năng xử lý thông tin nhận được từ nhiều nguồn khác nhau trong cuộc sống. Nếu không có tư duy độc lập, con người chỉ là nô lệ của sách vở, danh hiệu bằng cấp, học hàm học vị.
Hai, các giáo viên sinh học ở Mỹ là những người rất thông minh khi họ đề nghị phải dạy song song Thuyết Tiến hóa với Thuyết Sáng tạo. Xem thế đủ thấy thuyết tiến hóa đã lung lay tại nền móng của nó rồi ─ chính các giáo viên dạy sinh học tại các trường trung học ở Mỹ không còn tin chắc vào thuyết tiến hóa nữa.
Nhưng phải chăng vì đa số công chúng Mỹ theo tôn giáo, vì thế họ chống lại thuyết tiến hóa với lý do tôn giáo? Phỏng đoán này hoàn toàn SAI, vì chính bài báo nói trên cho thấy phần lớn các tôn giáo cũng ủng hộ thuyết tiến hóa. Cụ thể, sơ đồ sau đây, trích từ bài báo trên Wikipedia nói trên, cho thấy tỷ lệ % những người có tôn giáo ở Mỹ đồng ý rằng “thuyết tiến hóa là sự giải thích tốt nhất về nguồn gốc loài người” là như sau:
Thống kê nói trên có lẽ đủ để đập tan luận điệu cho rằng nhiều người phản đối thuyết tiến hóa chỉ vì lý do tôn giáo (Ảnh: viethungpham.com)
- Phật giáo: 81%
- Hindu giáo: 80%
- Do Thái giáo: 77%
- Công giáo: 58%
- Chính thống giáo: 54%
- Tin lành dòng chính: 51%
- Hồi giáo: 45%
Thống kê nói trên có lẽ đủ để đập tan luận điệu cho rằng nhiều người phản đối thuyết tiến hóa chỉ vì lý do tôn giáo. Thậm chí bài báo trên Wikipedia còn cho biết nhiều lãnh tụ tôn giáo lớn cũng ủng hộ thuyết tiến hóa như Đức Giáo hoàng John Paul II, Đức Giáo hoàng Benedict XVI (bài báo này chưa cập nhật thông tin Đức Giáo hoàng Francis hiện nay cũng ủng hộ Thuyết tiến hóa).
Vô tình, bài báo trên Wikipedia đã ủng hộ nhận định của Søren Løvtrup, nhà sinh học Thụy điển – Đan mạch, khi ông khẳng định rằng đa số những người phản đối Thuyết tiến hóa đều xuất phát từ lý do khoa học. Thật vậy, ông viết trong cuốn “Darwinism: The Refutation of a Myth” (Bác bỏ chuyện hoang đường của Học thuyết Darwin) như sau:
- “Một số người chống lại việc giảng dạy thuyết tiến hóa Darwin vì lý do tôn giáo, nhưng họ là thiểu số; hầu hết những người chống đối Darwin đều lập luận trên cơ sở hoàn toàn khoa học” (some critics turned against Darwin’s teachings for religious reasons, but they were a minority; most of his opponents … argued on a completely scientific basis)[2]
Nếu vì những lý do khoa học mà nhiều người không tin vào Thuyết tiến hóa thì tại sao đa số các nhà khoa học lại tin? Làm thế nào để trả lời nghịch lý này?
Trước khi đi vào thảo luận kỹ sự thật của thuyết tiến hóa để tin hay không tin, xin bổ sung vài thông tin sau đây, để có một cái nhìn đầy đủ hơn về “mức độ ủng hộ thuyết tiến hóa”:
Theo bài báo “In US, 42% Believe Creationist View of Human Origins” (Tại Mỹ, 42% tin vào quan điểm Sáng tạo về nguồn gốc loài người)[3], thăm dò của Viện Gallup liên tục từ 1982 đến 2014 cho thấy tỷ lệ người Mỹ tin vào thuyết tiến hóa luôn luôn là thiểu số, dao động từ 9% đến 19%, trong khi những người bác bỏ thuyết tiến hóa luôn luôn là đa số, dao động từ 40% đến 44%. Số người tin có sự tiến hóa, nhưng Chúa hướng dẫn sự tiến hóa dao động từ 31% đến 39%. Thiết nghĩ, nếu đã tin rằng Chúa hướng dẫn sự tiến hóa thì những khái niệm cơ bản của thuyết tiến hóa Darwin như chọn lọc tự nhiên, đột biến, lý thuyết sự sống hình thành tự phát (abiogenesis),… đều trở thành vô nghĩa, vì mọi việc đều do Chúa thiết kế và lập trình cả rồi. Và nếu Chúa đã hướng dẫn thì việc gì Ngài phải mất quá nhiều thì giờ, hàng trăm triệu năm, để biến đổi sinh vật dần dần từng tí một như Darwin nói? Chúa là toàn năng, vậy nếu Chúa muốn biến vượn thành người, Ngài chỉ cần một tích tắc. Vì thế số người tin rằng Chúa hướng dẫn sự tiến hóa thực chất là phủ nhận thuyết tiến hóa. Xin lưu ý thêm: theo thăm dò của Gallup, người càng nhiều tuổi càng không tin vào thuyết tiến hóa. Điều này thật dễ hiểu: nhiều tuổi thì nhiều trải nghiệm hơn, hiểu cuộc sống hơn, khả năng nhìn thấy sự thật rõ hơn.
Theo Tiến sĩ Sinh học Francis Collins, một trong hai nhà lãnh đạo Chương trình Giải mã Hệ Gene Người (đã công bố năm 2000), tác giả cuốn “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa)[4], thăm dò của Viện Gallup năm 2004 cho thấy chỉ có 1/3 số người được hỏi tin rằng thuyết tiến hóa có bằng chứng. Về nguồn gốc loài người, số người phản đối thuyết tiến hóa còn nhiều hơn. Kết quả 45% tin rằng chẳng có tiến hóa gì cả, Chúa sáng tạo ra loài người ngay từ đầu giống như hiện nay. Chỉ có 13% tin rằng vượn tiến hóa thành người. 38% tin rằng Chúa hướng dẫn sự tiến hóa của con người. Trong cuốn sách của mình, Tiến sĩ Collins kể rằng trong một cuộc họp cấp quốc gia của các nhà vật lý theo Đạo Thiên Chúa, ông được khán thính giả chào đón bằng những nụ cười thân ái, đầy ắp sự cảm thông và chia sẻ khi ông bầy tỏ niềm vui sướng của bản thân mình với tư cách vừa là một nhà khoa học về hệ gene vừa là một tín đồ Cơ đốc giáo. Nhưng khi ông đề cập đến kế hoạch thông thái của Chúa sáng tạo ra nhân loại thông qua sự tiến hóa thì bầu không khí thân thiện lập tức biến mất, nhiều đại biểu phản đối bằng cách đi ra khỏi phòng, lắc đầu thất vọng. Ông viết:
- “Dù các dữ kiện có sức thuyết phục như thế nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được vì sao sự chấp nhận của dân chúng Mỹ (đối với thuyết tiến hóa) lại không tăng nhiều[5].
Thắc mắc của Fancis Collins không khó để giải thích. Cái mà ông nói là “những dữ liệu thuyết phục” thực ra không thuyết phục. Chúng ta sẽ phân tích điều này sau, nhưng có thể nói một cách tổng quát rằng mọi dữ liệu và bằng chứng được gọi là khoa học mà các nhà tiến hóa trưng ra đều không đủ sức thuyết phục, thậm chí nhiều bằng chứng đã bị chứng minh là sai lầm, hoặc giả mạo, hoặc không thể kiểm chứng,… Nói tóm lại là không khoa học, đúng như Søren Løvtrup đã nói.
Câu chuyện của Francis Collins nói trên cho thấy bài báo “Mức độ ủng hộ thuyết tiến hóa” trên Wikipedia không thể đạt được mục đích của nó, đúng như nó đã không thể không thừa nhận ở cuối mục “Niềm tin của công chúng hiện nay” một sự thật rằng sự bất định trong niềm tin vào thuyết tiến hóa đang tăng lên.
Vậy, để tin hay không tin thuyết tiến hóa, chúng ta phải tìm hiểu nhiều sự thật của học thuyết này mà các nguồn thông tin chính thống và phi chính thống không đề cập đến, hoặc đề cập một cách sơ sài, kèm theo những phân tích bóp méo sự thật theo định kiến chủ quan.
Những câu chuyện sau đây sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về “mặt tối của mặt trăng” ─ phía sau lưng của thuyết tiến hóa mà các nguồn thông tin chính thống không cung cấp.
NHỮNG CÂU CHUYỆN
VỀ SỰ THẬT THUYẾT TIẾN HÓA
- 01/ Những cái gót A-sin của thuyết tiến hóa
- 02/ Biến đổi loài, cái được gọi là “vĩ tiến hóa” (macro-evolution), một chuyện hoang đường sẽ làm sụp đổ thuyết tiến hóa.
- 03/ Vụ nổ Cambri chống lại giả thuyết biến đổi loài
- 04/ Hóa thạch sống chống lại giả thuyết biến đổi loài
- 05/ Định luật Di truyền Mendel chống lại giả thuyết biến đổi loài
- 06/ Thuyết tiến hóa chống lại cơ sở của khoa học tế bào ─ Định luật Tạo sinh
- 07/ Định luật bất đối xứng của sự sống chặn đứng giả thuyết sự sống hình thành ngẫu nhiên
- 08/ Lý thuyết Thông tin tự động bác bỏ thuyết tiến hóa
- 09/ Thuyết tiến hóa trái với Định luật 2 của Nhiệt động lực học
- 10/ Toán học xác suất bác bỏ “nồi súp nguyên thủy” và học thuyết Tân-Darwin
- 11/ Nghịch lý Con gà và Quả trứng ─ Bài toán không giải được của thuyết tiến hóa
- 12/ Định lý Bất toàn của Gödel cho thấy lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hóa là bất khả thi
- 13/ Thuyết tiến hóa bất lực trước bí mật của Ý thức ─ đặc trưng cốt lõi của sự sống
- 13/ Ảnh hưởng tiêu cực của Thuyết tiến hóa về mặt xã hội.
- 14/ Thực ra các nhà khoa học giỏi nhất nghĩ gì về Thuyết tiến hóa?
- 15/ Kết luận: Thuyết tiến hóa có thực sự là một khoa học không?
Trong những câu chuyện nói trên, chúng ta sẽ thấy nhiều sự thật rõ như ban ngày chứng tỏ thuyết tiến hóa chỉ là một ảo tưởng hoang đường. Chúng ta cũng sẽ găp những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỷ 19, 20 thể hiện quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ bác bỏ thuyết tiến hóa, trái với nhận định của bài báo trên Wikipedia rằng phần lớn cộng đồng khoa học và hàn lâm ủng hộ thuyết tiến hóa. Từ đó chúng ta sẽ nhận ra rằng cái “phần lớn” ấy là một phần lớn kém chất lượng.
CHÚ THÍCH:
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Level_of_support_for_evolution#Recent_public_beliefs
(2) SKEPTICS OF DARWINIAN THEORY http://www.arn.org/quotes/critics.html
(3) https://news.gallup.com/poll/170822/believe-creationist-view-human-origins.aspx
(4) Đã được dịch ra tiếng Việt, NXB Lao Động 2007
(5) Xem “Ngôn ngữ của Chúa”, Francis Collins, Người dịch Lê Thị Thanh Thúy, NXB Lao Động và Công ty Alpha Books xuất bản, 2007, trang 176 – 182.
- Trừ phi được chú thích, ảnh trong bài lấy từ trang viethungpham.com
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Email: bizet09@gmail.com
Website: viethungpham.com
Video: