Đại Kỷ Nguyên

NASA sẵn sàng thử nghiệm hệ thống phòng thủ tiểu hành tinh vào tháng 10 tới

NASA đang tỏ ra rất hứng thú trước việc một tiểu hành tinh cỡ nhỏ sẽ bay qua Trái đất vào tháng 10 tới, cho phép cơ quan này cơ hội thử nghiệm các hệ thống phòng thủ đang phát triển

Tiểu hành tinh sẽ bay qua tháng 10 tới được đặt tên là 2012 TC4 , khá nhỏ với bề rộng chỉ khoảng 10 mét. Các nhà khoa học không biết  khoảng cách chính xác khi nó bay qua, nhưng trái đất là an toàn với khoảng cách tối thiểu 6700 km.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 sẽ bay qua Trái Đất vào tháng 10 tới (Ảnh: Internet)

Như thường lệ, NASA sẽ sử dụng cơ hội này để nghiên cứu tiểu hành tinh nói trên từ khoảng cách tương đối gần, xem xét và thu thập dữ liệu. Đồng thời sẽ đưa những hệ thống phòng thủ vào thử nghiệm, xem thế giới có thể làm việc hiệu quả như thế nào để bảo vệ Trái đất an toàn trong trường hợp một tiểu hành tinh chết người tấn công trực diện.

Hệ thống phòng thủ được khởi xướng bởi NASA là một nỗ lực hợp tác rất lớn với sự tham gia của hơn một chục đài quan sát, các trường đại học và phòng thí nghiệm trên toàn cầu để có thể cùng học hỏi những điểm mạnh và khắc phục những hạn chế của nhau trong khả năng quan sát các đối tượng gần Trái Đất. Nỗ lực này sẽ đòi hỏi sự phối hợp và tập trung cao của toàn bộ hệ thống, bao gồm các quan sát ban đầu, theo dõi, xác định quỹ đạo chính xác, và truyền thông quốc tế.

Dù đã có một khoảng thời gian dài phát triển, hệ thống này chưa từng có cơ hội kiểm thử. Vì vậy sự xuất hiện của tiểu hành tinh này là một cơ hội hiếm có.

Các hệ thống radar và đài quan sát thiên văn của các cơ quan hàng không đã sẵn sàng tham gia kiểm thử (Ảnh: Internet)

Sự không chắc chắn về vị trí chính xác của thiên thạch này khiến nó trở thành một ứng cử viên tốt hơn cho việc thử nghiệm cách chúng ta ứng phó với một tiểu hành tinh nguy hiểm. Họ sẽ theo dõi khi nó tiếp cận và thử tính toán chính xác vị trí nó sẽ rơi.

“Đây là mục tiêu hoàn hảo cho một bài tập vì mặc dù chúng ta biết quỹ đạo của 2012 TC4 đủ để chắc chắn không gây nguy hiểm cho Trái đất nhưng không xác định được đường bay chính xác của nó”, Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái Đất, NASA cho biết.

Nguy cơ va chạm đang không ngừng tăng lên khi ngày càng nhiều thiên thạch tiếp cận Trái đất (Ảnh: Internet)

Michael Kelley, một chuyên gia của NASA, nói: “Các nhà khoa học luôn đánh giá cao khi biết một tiểu hành tinh tiếp cận và bay qua trái đất một cách an toàn vì chúng sẽ giúp họ thu thập dữ liệu để mô tả và học hỏi càng nhiều càng tốt về nó. Với chiến dịch quan sát 2012 TC4 , chúng ta sẽ nỗ lực sử dụng tiểu hành tinh này để kiểm tra mạng lưới phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh trên toàn cầu, đánh giá khả năng tương tác để nhanh chóng tìm ra các mối đe dọa thiên thể thực sự tiềm ẩn”

Theo các nghiên cứu gần đây, số lượng các vật thể có khả năng tiếp cận trái đất đang không ngừng tăng lên, báo hiệu một viễn cảnh đen tối khi những thiên thạch khổng lồ hủy diệt hoàn toàn sự sống trên Trái đất. Do đó, phát hiện sớm, dự báo chính xác quỹ đạo và phát triển các giải pháp tránh va chạm là bài toán các nhà khoa học chắc chắn phải giải quyết sớm để chuẩn bị đương đầu với các nguy cơ vô cùng lớn trong tương lai.

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version